Quảng Ngãi loại khỏi quy hoạch thủy điện siêu nhỏ

0:00 / 0:00
0:00
Trước những bất cập đang diễn ra, chính quyền tỉnh Quảng Ngãi bắt tay rà soát và loại khỏi quy hoạch những dự án thủy điện siêu nhỏ gây ảnh hưởng đến môi trường rừng, nước và sinh thái.
Dự án thủy điện siêu nhỏ gây ảnh hưởng đến môi trường rừng, nước và sinh thái sẽ bị loại khỏi quy hoạch

Dự án thủy điện siêu nhỏ gây ảnh hưởng đến môi trường rừng, nước và sinh thái sẽ bị loại khỏi quy hoạch

“Quán quân siêu nhỏ”

Có một thời gian dài, Quảng Ngãi cho tận dụng triệt để các sông chính, nhánh sông và ngay cả những con suối để quy hoạch và bổ sung quy hoạch các dự án thủy điện “siêu” nhỏ, nhỏ và vừa. Cho đến thời điểm này, Dự án Thủy điện Núi Ngang (xã Ba Liên, huyện Ba Tơ, tỉnh Quảng Ngãi) được xem là “quán quân siêu nhỏ” trong các dự án thủy điện tại khu vực miền Trung.

Dự án Thủy điện Núi Ngang chỉ có công suất thiết kế 0,7 MW, gồm 2 tổ máy, quy mô công trình cấp IV, diện tích sử dụng đất dự kiến là 4.217 m2, tổng vốn đầu tư 19 tỷ đồng (vốn góp của chủ đầu tư là 5,7 tỷ đồng, vốn vay là 13,3 tỷ đồng). Dự án do Công ty TNHH Đầu tư và Xây dựng HDT (địa chỉ tại số 291 - Nguyễn Công Phương, TP. Quảng Ngãi) làm chủ đầu tư, được Bộ Công thương bổ sung quy hoạch vào tháng 6/2017.

Nhận định về thủy điện “siêu nhỏ” 0,7 MW, một chuyên gia trong lĩnh vực năng lượng cho rằng, loại thủy điện này chủ yếu do các hộ gia đình tự làm. “Thủy điện nhỏ như vậy không đóng góp gì cho điện năng nhà nước. Có thể họ có mục đích khác khi đầu tư vào những thủy điện nhỏ đó, như khai thác rừng, khoáng sản, chứ không phải khai thác điện”, vị chuyên gia nói.

Được biết, ngay sau khi Bộ Công thương bổ sung quy hoạch dự án thuỷ điện 0,7 MW vào quy hoạch, Quảng Ngãi đã có văn bản yêu cầu rà soát và không cấp phép đầu tư cho dự án thuỷ điện từ 3 MW trở xuống.

Trước đó, tháng 12/2016, Dự án Thủy điện Thạch Nham do Công ty cổ phần Điện Nguyên Phát làm chủ đầu tư được cấp phép. Dự án có tổng công suất 5 MW, gồm 2 tổ máy, diện tích đất sử dụng 1,8 ha, tổng vốn đầu tư gần 148,6 tỷ đồng, thời hạn hoạt động 40 năm kể từ khi được cấp chủ trương đầu tư.

Dự án Thủy điện Thạch Nham dự kiến hoàn thành xây dựng và đưa vào vận hành tháng 3/2019, nhưng đến nay chưa hoàn thành và đã 2 lần được cho gia hạn. Cụ thể, tháng 5/2020, tỉnh Quảng Ngãi đã có văn bản cho điều chỉnh chủ trương đầu tư lần thứ nhất và kéo dài thời hạn thi công. Ngày 12/4/202, chủ đầu tư đã xin và một lần nữa được tỉnh Quảng Ngãi cho điều chỉnh, lùi thời gian hoàn thành đến tháng 6/2022.

Rà soát và rút giấy phép

Theo báo cáo của Sở Công thương tại cuộc họp mới đây với lãnh đạo tỉnh Quảng Ngãi, trên địa bàn tỉnh này hiện có 33 dự án thủy điện nhỏ và vừa đã được Bộ Công thương phê duyệt quy hoạch, với tổng công suất thiết kế 627,7 MW. Trong đó, 10 dự án đã đi vào hoạt động ổn định, phát lên lưới điện quốc gia với sản lượng năm 2020 khoảng 1.000 triệu kWh; 5 dự án đang lập hồ sơ cấp quyết định chủ trương đầu tư; 18 dự án đang chuẩn bị thủ tục và triển khai đầu tư xây dựng.

Sở Công thương Quảng Ngãi cho biết, chủ đầu tư các dự án thủy điện cơ bản tuân thủ các quy định của pháp luật về đầu tư, xây dựng. Tuy nhiên, hầu hết các dự án đều thực hiện chậm so với tiến độ theo quyết định chủ trương đầu tư. Nguyên nhân chủ yếu là vướng mắc về công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng.

Theo ông Trần Phước Hiền, Phó chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi, tỉnh sẽ rà soát, đánh giá lại toàn bộ các dự án thủy điện, cần thiết sẽ rút giấy phép đối với các dự án chậm tiến độ và nhà đầu tư không đủ năng lực.

Ông Đặng Văn Minh, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi cho biết thêm, các dự án thủy điện nhỏ đã có trong quy hoạch, nhưng chưa có tư vấn xây dựng thì tạm dừng. Dự án chỉ triển khai sau khi có kết quả đánh giá bảo đảm không tác động lớn, tiêu cực đến môi trường và không ảnh hưởng lớn đến dân cư địa phương, không sử dụng đất rừng tự nhiên và có hiệu quả kinh tế.

“Tỉnh quyết định loại ra khỏi quy hoạch đối với dự án không bảo đảm hiệu quả kinh tế, có chiếm dụng rừng tự nhiên, ảnh hưởng lớn đến dân cư và tác động xấu đến môi trường. Chưa xem xét, nghiên cứu để đề xuất bổ sung vào quy hoạch đối với các dự án thủy điện có quy mô công suất nhỏ hơn 10 MW (trừ các dự án đã được bổ sung quy hoạch và cấp chủ trương đầu tư giai đoạn trước)”, ông Minh nói.

Tin bài liên quan