Dồi dào điện mặt trời
Theo khảo sát của Viện Năng lượng (thuộc EVN), với số giờ nắng trung bình trong năm khá lớn, bức xạ mặt trời cao, Quảng Ngãi được xem là một trong những tỉnh, thành phố có tiềm năng lớn nhất về phát triển điện mặt trời. Bản đồ tiềm năng mặt trời lý thuyết khu vực tỉnh Quảng Ngãi (nguồn của Solargis) cho thấy, khu vực có bức xạ tổng cộng theo phương ngang từ 1.800 kWh/m2/năm, tập trung chủ yếu ở khu vực nửa phía Đông của tỉnh. Đây chính là hấp lực mạnh mẽ cho các nhà đầu tưtrong lĩnh vực năng lượng tái tạo.
Ông Nguyễn Phước Hiền, nguyên Giám đốc Sở Công thương tỉnh Quảng Ngãi cho biết, nhiều nhà đầu tư đến từ Vương quốc Anh, Thái Lan, Nhật Bản và trong nước đã đến gặp lãnh đạo tỉnh để tìm hiểu cơ hội đầu tư dự án điện năng lượng mặt trời trên địa bàn các huyện Mộ Đức, Đức Phổ và đảo Lý Sơn.
Đầu tư điện mặt trời đem lại lợi ích kinh tế cho khách hàng, góp phần bảo vệ môi trường và thực hiện tốt chủ trương khuyến khích sử dụng năng lượng tái tạo của Chính phủ trong bối cảnh nhu cầu sử dụng điện tăng cao. Tuy nhiên, hiện mức đầu tư cho việc lắp đặt hệ thống điện mặt trời mái nhà khá cao, nên ngân hàngcần tạo điều kiện để người dân tiếp cận vốn vay thuận lợi và dễ dàng hơn
- Ông Nguyễn Tăng Bính, Phó chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi
Trong số các nhà đầu tư này, Kimin Power (Vương quốc Anh) từng đề xuất triển khai dự án điện năng lượng mặt trời công suất 150 MW trên diện tích 250 ha đất, tổng vốn đầu tư trên 5.000 tỷ đồng tại xã Phổ An, huyện Đức Phổ; Triple Win Corporation (Thái Lan) đã ngỏ ý đầu tư dự án nhà máy điện mặt trời công suất khoảng 150 MW với tổng vốn đầu tư 240 triệu USD.
Công ty Terra Wood đến từ TP.HCM cũng muốn đầu tư 2 nhà máy điện gió và điện mặt trời có công suất 300 MW (150 MW/dự án), với tổng vốn đầu tư khoảng 400 triệu USD.
Tiếp theo, Công ty Equis Vietnam Pte.Ltd (Singapore) và Tập đoàn GCL (Trung Quốc) cũng nhanh chóng hiện diện với mong muốn được khảo sát đầu tư các dự án điện mặt trời và điện gió trên địa bàn tỉnh Quảng Ngãi. Từng đầu tư xây dựng 180 dự án tại các nước châu Á với tổng công suất 11.123 MW, hai đơn vị này muốn đến Việt Nam, tìm kiếm cơ hội đầu tư các dự án điện mặt trời tại tại Quảng Ngãi và các dự án hạ tầng khác.
“Equis Vietnam Pte.Ltd cam kết, nếu được tỉnh chấp thuận đầu tư, Công ty sẽ tiến hành khảo sát địa điểm, lập dự án đầu tư và tiến hành thực hiện các dự án trong thời gian sớm nhất”, ông Nguyễn Tăng Bính, Phó chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi cho biết.
Dẫu hàng loạt dự án điện mặt trời đã chọn Quảng Ngãi là đích ngắm, nhưng đến cuối tháng 6/2019, mới có hai dự án điện mặt trời được khánh thành, hòa lưới quốc gia và bán điện thương phẩm. Đó là Dự án Nhà máy Điện mặt trời Mộ Đức của Công ty cổ phần Đầu tư xây dựng Thiên Tân và Dự án Nhà máy Điện mặt trời Bình Nguyên của Công ty Trường Thành Việt Nam.
Tuy nhiên, theo nhìn nhận của các chuyên gia kinh tế, khí hậu biến đổi không theo chu kỳ, trái đất ngày một nóng lên, nhu cầu sử dụng năng lượng cho sản xuất và sinh hoạt tăng cao, nên đầu tư năng lượng tái tạo không những là xu thế, mà còn là nhu cầu cấp bách.
Để chuẩn bị các thủ tục đầu tư cần thiết phục vụ nhà đầu tư, Quảng Ngãi đang rà soát, đánh giá các vị trí tiềm năng, mặt bằng phù hợp để thu hút các dự án trong lĩnh vực này. Đồng thời, tỉnh đưa ra các chính sách thu hút đầu tư hấp dẫn, như ưu giá thuê đất thấp nhất trong nước, hỗ trợ giải phóng mặt bằng và đào tạo lao động cho nhà đầu tư. Tỉnh cũng hỗ trợ và tạo điều kiện tốt nhất cho các nhà đầu tư đến tìm hiểu, khảo sát đầu tư các dự án trên địa bàn.
Vẫn bỏ ngỏ điện gió
Bên cạnh điện mặt trời, Quảng Ngãi cũng được đánh giá cao về năng lượng điện gió, đặc biệt ở khu vực miền biển. Đảo Lý Sơn cách đất liền gần 30 km là vị trí được thiên nhiên hào phóng cho nguồn năng lượng gió và điện mặt trời vô tận. Đảo Lý Sơn bao gồm đảo Bé và đảo Lớn, nằm hoàn toàn biệt lập với nhau.
Nếu đảo Bé đã hiện diện dự án điện mặt trời cung ứng cho người dân trên đảo dùng trong sinh hoạt và đang có khả năng phát thương mại, thì Lý Sơn còn có tiềm năng rất lớn về điện gió. Minh chứng cho tiềm năng điện gió là 11 năm trước, dự án điện gió đầu tiên được cấp phép đầu tư tại Quảng Ngãi.
Chủ đầu tư là Công ty cổ phần Điện gió Lý Sơn (liên doanh của 3 công ty đến từ CHLB Đức). Tuy nhiên, do không thống nhất được giá điện, nên dự án điện gió này đã… bay theo gió. Vì vậy, dự án điện gió tại Lý Sơn vẫn đang còn bỏ ngỏ và cần được đầu tư.
Không phải ngẫu nhiên mà một doanh nghiệp của Đức lại “bơi” ra tận Lý Sơn giữa thời điểm đi lại khó khăn để… làm điện gió. Một đoàn chuyên gia năng lượng gió của Liên minh châu Âu (EU) do ông Per Nogaard (Đan Mạch) dẫn đầu đã từng ra thăm huyện đảo Lý Sơn, nhằm nghiên cứu, đánh giá tiềm năng năng lượng gió. Chuyến đi này được thực hiện theo đề nghị của Viện Năng lượng. Sau chuyến đi, đoàn chuyên gia đánh giá Lý Sơn là một trong những vị trí mang tính khả thi cho phát triển nguồn năng lượng gió.