Vướng mặt bằng, cầu Hành Nhân – Hành Dũng phải dừng thi công khiến người dân đi lại gặp nhiều khó khăn.
Không có cầu bê tông kiên cố nên người dân ở hai xã Hành Nhân, Hành Dũng (huyện Nghĩa Hành, tỉnh Quảng Ngãi) gặp nhiều khó khăn trong việc đi lại cũng như giao thương. Do đó, để tạo điều kiện thuận lợi cho người dân, tháng 10/2022, tỉnh Quảng Ngãi bố trí ngân sách 30 tỷ đồng, huyện Nghĩa Hành bố trí 10 tỷ đồng, để xây dựng cầu bê tông nối hai xã Hành Nhân – Hành Dũng. Cầu có chiều dài 108 m, chiều ngang 8m. Chủ đầu tư dự án là Ban quản lý dự án Đầu tư xây dựng và Phát triển quỹ đất huyện Nghĩa Hành; đơn vị thi công là Công ty TNHH Thành Đạt.
Khi hoàn thành, công trình cầu Hành Nhân – Hành Dũng không chỉ tạo thuận lợi, rút ngắn thời gian đi lại giữa 2 xã trên; mà còn góp phần hoàn thiện hơn hệ thống hạ tầng giao thông, phát triển kinh tế và giao thương ở khu vực phía Tây của huyện Nghĩa Hành. Tuy nhiên, từ trước Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024 đến nay, nhà thầu đã tạm dừng việc thi công vì vướng các nhà dân.
Đến nay, công trình đã hoàn thành gần 70% giá trị xây lắp. |
Ông Nguyễn Hoàng Nam, ở xã Hành Dũng cho biết, người dân ở hai xã Hành Nhân – Hành Dũng rất phấn khởi khi nhà cầu bê tông bắc qua đây.
“Cách đây sáu năm, gia đình tôi mua 117 m2 đất với giá 520 triệu đồng, xây dựng nhà cửa, cho người khác thuê để buôn bán. Hiện, ngôi nhà này trong diện phải giải tỏa để xây dựng cầu Hành Nhân – Hành Dũng. Tuy nhiên, giá bồi thường nhà của tôi chỉ 205 triệu đồng/117 m2. Ngoài bồi thường tiền, tôi được Nhà nước cấp một lô đất tái định cư 200 m2.
Về bố trí đất tái định cư, tôi không thắc mắc, tuy nhiên giá bồi thường như vậy là quá thấp, nên rất mong cơ quan chức năng xem xét, nâng giá bồi thường nhằm giảm thiệt hại cho người dân”, ông Nam lý giải việc chưa nhận bồi thường.
Ông Phan Thu, Giám đốc Ban quản lý dự án Đầu tư xây dựng và Phát triển quỹ đất huyện Nghĩa Hành cho hay, hiện cầu nối xã Hành Nhân – Hành Dũng đã hoàn thành phần cầu, mặt đường, chỉ còn phần lan can. Giá trị xây lắp khoảng trên 70%. Nguyên nhân dự án phải tạm ngưng vì tỉnh chưa ban hành hệ số điều chỉnh giá đất. Khi nào hệ số điều chỉnh giá đất của tỉnh được ban hành, đơn vị sẽ thực hiện bồi thường cho dân.
“Nhiều hộ dân không thống nhất giá đền bù vì cho rằng giá đền bù thấp, và yêu cầu đền bù theo giá thị trường. Tuy nhiên, huyện phải đền bù theo giá Nhà nước, vì đây là quy định chung. Nếu thực hiện đầy đủ phương án bồi thường, hỗ trợ mà người dân không đồng thuận thì sẽ thực hiện cưỡng chế, nhằm đảm bảo tiến độ công trình”, ông Thu nói.