Kinh tế tỉnh Quảng Nam đã phục hồi ấn tượng trong 6 tháng đầu năm 2022.
Theo UBND tỉnh Quảng Nam, trong 6 tháng đầu năm 2022, tỉnh đã cấp mới 3 dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài với tổng vốn đầu tư gần 23,5 triệu USD, nâng tổng số dự án FDI còn hiệu lực trên địa bàn tỉnh đến nay là 195 dự án, với tổng vốn đầu tư hơn 6 tỷ USD.
Ngoài ra, Quảng Nam còn cấp mới 29 dự án đầu tư trong nước với tổng số vốn đăng ký gần 5.600 tỷ đồng, nâng tổng số dự án còn hiệu lực trên địa bàn tỉnh hiện nay là 940 dự án với tổng vốn đăng ký gần 240.000 tỷ đồng.
Tính đến hết tháng 6/2022, cả tỉnh có 674 doanh nghiệp đăng ký thành lập mới, tăng 0,4% so với cùng kỳ, số vốn đăng ký đạt 4.455 tỷ đồng.
Những con số thống kê trên cho thấy, sự phục hồi kinh tế ấn tượng và nỗ lực cải cách, thu hút đầu tư, hỗ trợ doanh nghiệp của chính quyền tỉnh Quảng Nam đang mang lại hiệu quả.
Trong năm 2021, tỉnh Quảng Nam đứng vị trí thứ 19/63 tỉnh, thành phố cả nước về Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh; thuộc nhóm khá, tăng 0,52 điểm.
Tuy vậy, tỉnh đã tụt 6 bậc so với năm 2020. Trong 10 chỉ số thành phần, Quảng Nam có 5 chỉ số tăng điểm là tiếp cận đất đai, chi phí không chính thức, cạnh tranh bình đẳng, dịch vụ hỗ trợ doanh nghiệp, thiết chế pháp lý. Trong khi đó, có 5 chỉ số giảm gồm gia nhập thị trường, chi phí thời gian, tính minh bạch, tính năng động của chính quyền, đào tạo lao động.
Với quyết tâm nâng cao hơn nữa Chỉ số PCI, trong thông báo kết luận của Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam, ông Lê Trí Thanh, tại Hội nghị trực tuyến Cải thiện môi trường đầu tư, nâng cao thứ hạng Chỉ số PCI, Quảng Nam đặt mục tiêu đến năm 2025, có chỉ số cải thiện môi trường đầu tư và năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) vào Top 5 cả nước.
Theo Sở KH&ĐT tỉnh Quảng Nam, để hiện thực hoá mục tiêu đó, cần nâng cao nhận thức của cán bộ, công chức, viên chức về tầm quan trọng của việc cải thiện chỉ số PCI đối với cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, gắn với sự phát triển kinh tế xã hội.
Bí thư tỉnh Quảng Nam, ông Phan Việt Cường thường xuyên kiểm tra, đôn đốc các dự án trên địa bàn tỉnh. |
Trong đó chú trọng đến 3 nội dung trọng tâm là Nghiên cứu đưa nội dung "Kết quả Chỉ số DDCI của các Sở, Ban, ngành và địa phương" vào làm tiêu chí đánh giá, xếp loại Đảng viên đối với người đứng đầu các, đơn vị, địa phương hằng năm. Xây dựng Đề án Đánh giá Chỉ số Năng lực cạnh tranh cấp Sở, Ban, ngành và địa phương (DDCI) và Nâng cao nhận thức cán bộ, công chức, viên chức về chỉ số PCI, DDCI giai đoạn 2022-2025 tạo động lực cải cách trên toàn tỉnh, góp phần cải thiện PCI. Luân chuyển, thay thế cán bộ thiếu tinh thần đồng hành cùng doanh nghiệp, giải quyết công việc chậm trễ, gây khó khăn, sách nhiễu hoặc các trường hợp có phản ánh, kiến nghị của doanh nghiệp về tinh thần phục vụ chưa tốt
Ngoài ra, đối với thủ tục đất đai, Sở KH&ĐT tỉnh Quảng Nam đề nghị tiếp tục rút ngắn thời gian xác định giá đất, cho thuê đất, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho doanh nghiệp. Rà soát và có giải pháp sử dụng hiệu quả quỹ đất đầu tư còn trống nằm trong và ngoài các khu, cụm công nghiệp hiện có.
Chỉ đạo các địa phương có các dự án trọng điểm khẩn trương đẩy nhanh tiến độ bồi thường, giải phóng mặt bằng để đáp ứng yêu cầu, tiến độ đầu tư của các dự án.
Bên cạnh đó kiến nghị Thanh tra tỉnh công khai minh bạch kế hoạch thanh tra, kiểm tra; đảm bảo mỗi doanh nghiệp chỉ được thanh tra, kiểm tra không quá 01 lần trong năm. Kiến nghị Cục Thuế tỉnh thực hiện công tác thanh, kiểm tra thuế theo hướng tạo thuận lợi cho doanh nghiệp…