Các doanh nghiệp xây dựng ở Quảng Nam kiến nghị xác định giá nguyên vật liệu theo giá liên sở cần phải sát thực tế.
Cần xác định giá vật liệu sát thực tế
Hiệp hội Doanh nghiệp Quảng Nam vừa báo cáo Thường trực Tỉnh ủy và UBND tỉnh về những vướng mắc, khó khăn của nhóm doanh nghiệp xây dựng và bất động sản; trong đó có nhiều đề xuất tháo gỡ từ Chính phủ và các cấp bộ, ngành Trung ương.
Cụ thể, nhóm doanh nghiệp xây dựng cho rằng trong giai đoạn 2020-2023, tình hình dịch Covid-19 khiến việc sản xuất, kinh doanh đình trệ, các chính sách hỗ trợ vay vốn ngân hàng, giảm thuế, giảm thời gian nộp thuế chưa được thực hiện. Các công trình, dự án xây lắp thì giá sắt, thép tăng đột biến 20-30%, giá nhiên liệu tăng dẫn đến cước phí vận chuyển tăng so với dự toán, một số công trình, dự án hợp đồng theo giá cố định không được nhà nước điều chỉnh giá và bị lỗ nặng.
Ngoài ra, giá nhân công theo định mức xây dựng quá thấp so với thực tế, các mỏ vật liệu đất đá, cát để phục vụ thi công bị khan hiếm, nguồn cung không đáp ứng cầu do đó doanh nghiệp phải mua giá cao để đáp ứng tiến độ dự án.
Do đó, nhóm doanh nghiệp về xây dựng kiến nghị, đề xuất UBND tỉnh về việc xác định giá nguyên vật liệu theo giá liên sở cần phải sát với thực tế và khảo sát các mỏ vật liệu còn hoạt động hay hết hoạt động để xác định giá liên sở hàng tháng, không phải theo quý như hiện nay. Đồng thời xác định lại giá cước phí vận chuyển vật liệu phù hợp thực tế (cước vận chuyển theo Quyết định 242 ngày 31/12/2021 là quá thấp).
Nhóm doanh nghiệp này cũng đề xuất định mức và đơn giá nhân công như hiện này còn thấp, cần phải xác định lại tính đặc thù vùng núi, trung du, đồng bằng để đảm bảo mức chi phí…
Về công tác đấu thầu các mỏ vật liệu đá, cát, đất cũng cần tháo gỡ các thủ tục, rút ngắn thời gian đấu thầu để đáp ứng nhu cầu vật liệu thi công các công trình dự án kịp thời và bình ổn giá. Đề nghị UBND tỉnh xem xét cho chủ trương điều chỉnh giá thép do biến động tăng cao đối với một số hợp đồng theo đơn giá cố định hoặc hợp đồng trọn gói.
Cơ chế chính sách phải có tính ổn định lâu dài
Theo Hiệp hội Doanh nghiệp Quảng Nam, hiện nay gặp phải vô vàn khó khăn trong công tác giải phóng mặt bằng. Các nguyên nhân gồm việc các hộ dân ảnh hưởng đất nông nghiệp nhưng yêu cầu bố trí đất tái định cư, dù đã tổ chức họp vận động, đối thoại nhiều lần nhưng vẫn chưa đồng ý nhận tiền, bàn giao mặt bằng. Các trường hợp tranh chấp đất đai rất khó giải quyết, các hộ dân không đồng ý hòa giải nên thủ tục thu hồi đất cũng gặp nhiều khó khăn.
Quy trình, thủ tục cưỡng chế thu hồi đất kéo dài gây ảnh hưởng đến tiến độ dự án. Nhiều trường hợp đã có quyết định cưỡng chế thu hồi đất cách đây một năm nhưng đến nay cơ quan chức năng vẫn chưa triển khai thực hiện cưỡng chế…
Đơn giá bồi thường cho các hộ dân theo quy định hiện nay là quá thấp, dẫn đến việc không nhận được sự đồng thuận của các hộ dân bị vướng giải phóng mặt bằng tại các dự án, các hộ dân không đồng ý theo phương án được duyệt, không nhận tiền bồi thường và đòi hỏi với mức giá cao gấp 5-7 lần so với giá quy định…
Trước những khó khăn vướng mắc trên, nhóm doanh nghiệp bất động sản kiến nghị các cơ chế chính sách đối với dự án bất động sản cần phải có tính ổn định lâu dài; đối với những dự án đã thực hiện theo cơ chế, chính sách quy định cũ thì vẫn giữ nguyên, không bắt buộc thay đổi theo quy định mới, có như vậy nhà đầu tư mới yên tâm đầu tư.
Đề nghị Ngân hàng Nhà nước có chủ trương để hệ thống ngân hàng cấp dưới tạo điều kiện cho các doanh nghiệp được nâng hạn mức vay vốn, tháo gỡ khó khăn nguồn vốn hoạt động của các doanh nghiệp hiện nay về vay vốn bất động sản và lãi suất vay, tái cấu trúc nợ cho doanh nghiệp bất động sản.
Cần có chính sách giảm thuế, giãn nợ thuế để doanh nghiệp vượt qua thời kỳ khó khăn do dịch bệnh Covid-19 và khó khăn đối với các doanh nghiệp kinh doanh bất động sản do thị trường đóng băng không khai thác được quỹ đất.
Ngân hàng Nhà nước chỉ đạo các ngân hàng có cơ chế cho vay đối với công trình có nguồn vốn đầu tư công thì định mức cho vay theo khối lượng giá trị đã được nghiệm thu (do tài sản thế chấp để vay của doanh nghiệp không đủ theo điều kiện của ngân hàng).
Đề nghị Ngân hàng Chính sách xã hội và Quỹ Đầu tư Quảng Nam có cơ chế cho vay vốn làm nhà thu nhập thấp, nhà ở xã hội bằng hình thức thế chấp dự án vì doanh nghiệp không đủ tài sản để thế chấp...
Chủ động tháo gỡ khó khăn
Trước những kiến nghị, đề xuất của Hiệp hội Doanh nghiệp Quảng Nam, Phó chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam Hồ Quang Bửu đã có công văn gửi các sở, ban ngành cùng UBND các huyện, thị xã, thành phố về việc hỗ trợ tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc của nhóm doanh nghiệp xây dựng và bất động sản trên địa bàn tỉnh.
UBND tỉnh Quảng Nam yêu cầu các sở, ban, ngành, UBND các huyện, thị xã, thành phố theo chức năng, nhiệm vụ được giao có trách nhiệm chủ trì, phối hợp với các ngành, địa phương liên quan căn cứ nội dung kiến nghị, đề xuất về các giải pháp hỗ trợ tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc của nhóm doanh nghiệp xây dựng và bất động sản trên địa bàn tỉnh của Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh.
Các đơn vị phải chủ động nghiên cứu, xem xét các nội dung có liên quan đến lĩnh vực của ngành, địa phương theo dõi, phụ trách để triển khai thực hiện, giải quyết theo đúng thẩm quyền quy định. Đối với các nội dung vượt thẩm quyền, các cơ quan, đơn vị, địa phương chủ trì có trách nhiệm đề xuất, tham mưu UBND tỉnh hướng giải quyết cụ thể, đảm bảo phù hợp với các quy định hiện hành và tình hình phát triển chung của tỉnh.
UBND tỉnh Quảng Nam yêu cầu các đơn vị báo cáo rõ về tiến độ, kết quả, thời gian giải quyết, hoàn thành đối với từng nội dung và gửi về Sở Kế hoạch và Đầu tư trước ngày 29/2/2024 để tổng hợp báo cáo UBND tỉnh theo dõi, chỉ đạo. Sở Kế hoạch và Đầu tư chịu trách nhiệm theo dõi, đôn đốc các Sở, Ban, ngành, địa phương, đơn vị liên quan triển khai thực hiện và báo cáo theo đúng thời gian quy định.