Quảng Nam phấn đấu đưa Khu kinh tế mở Chu Lai trở thành khu kinh tế động lực của vùng và quốc gia.
UBND tỉnh Quảng Nam vừa ban hành Danh mục dự án thu hút đầu tư, ưu tiên thu hút đầu tư vào tỉnh Quảng Nam năm 2024 - 2025. Theo đó, tổng số dự án mà tỉnh Quảng Nam ưu tiên thu hút đầu tư trong giai đoạn này là 233 dự án, trong đó có nhiều dự án khá lớn về quy mô sử dụng đất.
Có thể kể đến như Dự án đầu tư, khai thác cảng hàng không Chu Lai (835,5 ha) tại Khu kinh tế mở Chu Lai, huyện Núi Thành với mục tiêu đầu tư mới 1 đường cất hạ cánh mới phía Đông kích thước 3.048m x 45m, hệ thống đường lăn (đường lăn song song, đường lăn nối), sân đỗ tàu bay (32 - 40 vị trí đỗ), nhà ga hành khách đáp ứng 10 triệu hành khách/năm, nhà ga hàng hóa đáp ứng 1,5 triệu hành khách/năm.
Dự án Tuyến luồng Cửa Lở cho tàu 5 vạn tấn gắn với Khu phi thuế quan Tam Hòa (dự kiến khoảng 797,45 ha) tại huyện Núi Thành, với mục tiêu đầu tư nạo vét tuyến luồng Cửa Lở phục vụ cho tàu 5 vạn tấn; đầu tư xây dựng bến cảng phục vụ cho tàu 5 vạn tấn tại Khu bến Tam Hòa; đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng Khu phi thuế quan Tam Hòa; góp phần phát triển logistics trong khu vực thông qua việc tăng kích cỡ và trọng tải đội tàu đến cảng tiệm cận với các cảng biển chính trong nhóm, giảm chi phí logistics, tăng sức cạnh tranh hàng hóa các doanh nghiệp trong Khu kinh tế mở Chu Lai, tăng hấp dẫn các nhà đầu tư vào Khu kinh tế mở Chu Lai, giúp chuyển dịch cơ cấu kinh tế và tăng nguồn thu cho ngân sách nhà nước thông qua các khoản thuế phí khoảng 14.140 tỷ đồng/năm 2030, khoảng 24.140 tỷ đồng/năm 2040, khoảng 41.240 tỷ đồng/năm 2050; là nhân tố quan trọng góp phần trong việc phát triển Trung tâm logistics container tại Khu kinh tế mở Chu Lai.
Dự án Trung tâm logistics, vận tải đa phương thức gắn với cảng biển Quảng Nam - Cảng hàng không quốc tế Chu Lai (173 ha), với mục tiêu hình thành Trung tâm logistics, vận tải đa phương thức gắn với cảng biển Quảng Nam - Cảng hàng không quốc tế Chu Lai.
Tỉnh Quảng Nam dành quỹ đất lớn để thu hút đầu tư các nhà đầu tư tham gia đầu tư vào loạt dự án hạ tầng khu công nghiệp, như Dự án đầu tư xây dựng và Kinh doanh kết cấu hạ tầng Khu công nghiệp Nam Thăng Bình tại huyện Thăng Bình (655 ha), với mục tiêu đầu tư xây dựng, kinh doanh kết cấu hạ tầng Khu công nghiệp theo loại hình Khu công nghiệp sinh thái; định hướng thu hút ngành nghề đầu tư vào Khu công nghiệp theo quy định của Khu công nghiệp sinh thái, nhóm ngành nghề mang tính chất cộng sinh - giảm thiểu phát thải, sản xuất sản phẩm có hàm lượng công nghệ - kỹ thuật, giá trị gia tăng cao nhằm nâng cao hiệu quả kinh tế, môi trường, xã hội...;
Dự án đầu tư và kinh doanh kết cấu hạ tầng kỹ thuật khu công nghiệp đô thị dịch vụ Điện Tiến (400 ha) tại xã Điện Tiến, thị xã Điện Bàn, với mục tiêu xây dựng khu công nghiệp đô thị dịch vụ Điện Tiến với hệ thống hạ tầng đồng bộ, đáp ứng nhu cầu sản xuất kinh doanh của các nhà đầu tư thứ cấp, đảm bảo phát triển bền vững, phù hợp với định hướng phát triển cụm công nghiệp của thị xã nói riêng và tỉnh Quảng Nam nói chung...
Riêng lĩnh vực hạ tầng cụm công nghiệp - sản xuất công nghiệp, tỉnh Quảng Nam thu hút đầu tư, ưu tiên thu hút đầu tư 43 dự án, như: Dự án đầu tư hạ tầng Cụm công nghiệp Tài Đa (phần mở rộng, 50 ha) tại xã Tiên Phong, huyện Tiên Phước với mục tiêu hoàn thiện hạ tầng, phát triển ngành công nghiệp địa phương; giải quyết việc làm cho lao động địa phương, tăng thu nhập, tiêu thụ nguồn nguyên liệu, tăng thu ngân sách, phát triển kinh tế xã hội;
Dự án Kinh doanh hạ tầng kỹ thuật cụm công nghiệp Sông Trà tại thôn Trà Huỳnh, xã Sông Trà, huyện Hiệp Đức (50 ha) với mục tiêu hình thành hạ tầng kỹ thuật cụm công nghiệp đồng bộ, khai thác quỹ đất với các điều kiện hạ tầng kỹ thuật phù hợp, tạo môi trường thuận lợi trong thu hút đầu tư, giải quyết việc làm cho người lao động, góp phần phát triển kinh tế - xã hội;
Dự án đầu tư và kinh doanh kết cấu hạ tầng kỹ thuật Cụm công nghiệp Thái Sơn tại xã Điện Tiến, huyện Điện Bàn (37,1 ha), với mục tiêu xây dựng cụm công nghiệp Thái Sơn, xã Điện Tiến với hệ thống hạ tầng đồng bộ, đáp ứng nhu cầu sản xuất kinh doanh của các nhà đầu tư thứ cấp, đảm bảo phát triển bền vững, phù hợp với định hướng phát triển cụm công nghiệp của thị xã nói riêng và tỉnh Quảng Nam nói chung.
UBND tỉnh Quảng Nam giao Sở Kế hoạch và Đầu tư làm cơ quan đầu mối chủ trì, phối hợp với Ban Quản lý các Khu Kinh tế và Khu công nghiệp tỉnh; các sở, ban, ngành, địa phương và cơ quan, đơn vị liên quan tổ chức thực hiện các hoạt động xúc tiến, kêu gọi đầu tư vào các dự án đã công bố.