Lãnh đạo tỉnh Quảng Nam kiểm tra, giám sát dự án trên địa bàn. Tỉnh Quảng Nam đặt mục tiêu giải ngân 100% vốn đầu tư công

Lãnh đạo tỉnh Quảng Nam kiểm tra, giám sát dự án trên địa bàn. Tỉnh Quảng Nam đặt mục tiêu giải ngân 100% vốn đầu tư công

Quảng Nam: Các dự án khởi công mới “ì ạch” tiến độ

0:00 / 0:00
0:00
Kế hoạch năm 2022, Quảng Nam khởi công mới 83 dự án. Tuy nhiên đến ngày 30/6/2022, nhiều dự án chưa đảm bảo thủ tục đầu tư.

Trong kỳ họp thứ 9, đại biểu HĐND tỉnh Quảng Nam đã chất vấn Sở Kế hoạch và Đầu tư về nguyên nhân và trách nhiệm, khi nhiều dự án đầu tư công chậm tiến độ.

Ông Nguyễn Quang Thử, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Quảng Nam cho biết, giải ngân vốn đầu tư công năm 2022 (bao gồm kế hoạch vốn năm 2021 kéo dài) đến hết ngày 30/6/2022 giải ngân hơn 1.847,3 triệu đồng, đạt 31,6% so với kế hoạch vốn đã qua hệ thống Kho bạc Nhà nước.

So với kết quả giải ngân cùng kỳ năm 2021 và trung bình chung của cả nước (27,75%), kết quả giải ngân vốn đầu tư 6 tháng đầu năm 2022 trên địa bàn tỉnh Quảng Nam cao hơn, nhưng chưa đạt yêu cầu đặt ra.

Nêu nguyên nhân khiến giải ngân chậm, ông Nguyễn Quang Thử cho biết, năm 2021 là năm đầu tiên áp dụng việc thực hiện thẩm quyền và thủ tục kéo dài kế hoạch vốn đầu tư công, dẫn đến chậm trễ giải ngân kế hoạch vốn năm 2021. Các địa phương chưa chủ động trong việc phân bổ chi tiết các nguồn vốn được giao trong năm 2021 nên không thực hiện thủ tục kéo dài kế hoạch vốn năm 2021.

Đáng chú ý, các dự án khởi công mới chậm hoàn thiện thủ tục đầu tư, thực hiện công tác đấu thầu.

Kế hoạch năm 2022 khởi công mới 83 dự án nhưng tính đến ngày 30/6/2022, có 70 dự án đã phê duyệt chủ trương đầu tư. Trong 70 dự án trên có 56 dự án đã phê duyệt dự án đầu tư được phân bổ kế hoạch vốn triển khai; còn lại 27 dự án sử dụng ngân sách tỉnh chưa đảm bảo thủ tục đầu tư.

Theo Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Quảng Nam, các chủ đầu tư chậm thực hiện các thủ tục; giá thép, xăng dầu tăng cao và việc thiếu các mỏ đá, mỏ đất làm vật liệu xây dựng trên địa bàn tỉnh, cũng là nguyên nhân khiến các dự án chậm triển khai.

Ngoài ra, các dự án chuyển tiếp gặp vướng mắc về công tác bồi thường giải phóng mặt bằng. Các dự án sử dụng vốn ODA vướng thủ tục giải ngân dự án và đang thực hiện các thủ tục lựa chọn nhà thầu.

Nêu giải pháp để hoàn thành kế hoạch vốn trong năm 2022, ông Nguyễn Quang Thử cho biết sẽ xây dựng kế hoạch giải ngân từng dự án, nhất là dự án có vốn lớn, và giám sát chặt chẽ việc thực hiện, bảo đảm tiến độ đề ra.

Đối với các dự án khởi công mới năm 2022 thì khẩn trương triển khai công tác đấu thầu để giải ngân kế hoạch vốn các dự án đã hoàn thành thủ tục đầu tư và được phân bổ kế hoạch vốn năm 2022.

Đối với các dự án chuyển tiếp, Quảng Nam sẽ quyết liệt thực hiện công tác bồi thường giải phóng mặt bằng; đẩy nhanh tiến độ thi công không chờ điều chỉnh giá, thực hiện công tác nghiệm thu, giải ngân vốn khi có khối lượng nghiệm thu, không để dồn thanh toán vào cuối năm.

Đối với các dự án sử dụng vốn ODA thì yêu cầu các chủ đầu tư cần chủ động bám sát và làm việc với Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính và các bộ, ngành trung ương để hoàn thiện hồ sơ, thủ tục làm cơ sở trao đổi với Nhà tài trợ xin gia hạn thời gian thực hiện và các thủ tục giải ngân cho dự án.

Tin bài liên quan