Rất nhiều bệnh nhân từ nhẹ chuyển nặng vì tin dùng thực phẩm chức năng.

Rất nhiều bệnh nhân từ nhẹ chuyển nặng vì tin dùng thực phẩm chức năng.

Quảng cáo thực phẩm chức năng: Tâm địa của sự xảo trá và dối lừa - Bài 4: Sự thật nghiệt ngã sau những mỹ từ man trá

0:00 / 0:00
0:00
Nhiều người nghèo thân mang trọng bệnh, vì tin vào những lời quảng cáo lọc lừa, dối trá về công dụng thần thánh của thực phẩm chức năng, đã dốc sạch túi để mua sản phẩm về dùng.

Bài 4: Sự thật nghiệt ngã sau những mỹ từ man trá

Nhiều người nghèo thân mang trọng bệnh, vì tin vào những lời quảng cáo lọc lừa, dối trá về công dụng thần thánh của thực phẩm chức năng, đã dốc sạch túi để mua sản phẩm về dùng.

Từ nhẹ chuyển nặng, từ nặng thành… án tử

Một bác sĩ có tiếng tại Hà Nội đã nhiều lần thốt lên bất lực, khi đấng sinh thành bỏ ngoài tai mọi lời khuyên của anh trong chăm sóc sức khỏe, nhưng lại răm rắp nghe theo quảng cáo thực phẩm chức năng với công dụng thần kỳ trên mạng, mua sản phẩm về dùng, bấp chất hệ lụy có thể xảy đến.

Đây là câu chuyện không mới, liên tục được đề cập, nhưng dường như chưa lọt vào tai nhiều người. Với sự dễ dàng tiếp cận thực phẩm chức năng chỉ bằng một cú click chuột, cộng với sự dối trá, lọc lừa, thần thánh hóa công dụng của những sản phẩm này khi quảng cáo, không ít người đã tin dùng một cách mù quáng. Tình trạng này như một thứ ung nhọt, hàng ngày, hàng giờ gây hại cho biết bao gia đình.

Bác sĩ Hoàng Nam Phong, Phó trưởng khoa, Khoa Kiểm tra sức khỏe (Bệnh viện E), bác sĩ chuyên khoa về thận, tiết niệu cho hay, anh đã từng gặp rất nhiều trường hợp đau xót, khi người bệnh phải đối diện với tình trạng suy thận độ 3, độ 4, phải lọc máu, chạy thận suốt đời do lạm dụng thực phẩm chức năng, làm chậm quá trình điều trị bệnh.

Kể lại một trường hợp đau xót, bác sĩ Phong cho hay, thời gian trước, có một bệnh nhân rất trẻ ở Chương Mỹ (Hà Nội) nhập viện trong tình trạng suy thận độ 4, buộc phải chạy thận nhân tạo cả đời, hoặc ghép thận mới mong duy trì cuộc sống.

Khai thác tiền sử từ người nhà, mẹ bệnh nhân kể, khi bệnh nhân đi siêu âm ở bệnh viện huyện, bác sĩ phát hiện thận có sỏi, yêu cầu can thiệp phẫu thuật sớm. Khi về nhà, lo ngại tình trạng bệnh của con, chị đã mua sản phẩm Đả Thạch Vương được quảng cáo trị sỏi thận về cho con sử dụng với hy vọng sẽ tiêu sỏi mà không cần phẫu thuật nhiều đau đớn và nguy cơ theo chỉ định. Chỉ khi con có biểu hiện đau dữ dội, chị mới cho tới bệnh viện khám.

“Lẽ ra, bệnh nhân nên đến viện kịp thời để được can thiệp, điều trị theo phác đồ. Nếu mức độ nhẹ, bệnh có thể chấm dứt hoàn toàn, còn không, thời gian bệnh chuyển từ nhẹ sang nặng sẽ kéo dài thêm. Tuy nhiên, do tin dùng thực phẩm chức năng, nên nhiều bệnh nhân chỉ tới bệnh viện khi bệnh nặng, tiến triển đến suy thận, khiến bác sĩ đành bất lực”, bác sĩ Phong bày tỏ sự tiếc nuối.

Một câu chuyện khác cũng khiến phóng viên xót xa và tức giận tột cùng với các đối tượng lừa đảo trên niềm tin của người bệnh. Một người họ hàng của phóng viên ở vùng quê nghèo Kim Bảng (Hà Nam) bị bệnh dạ dày hành hạ nhiều năm, nên dù không có điều kiện kinh tế, bác đã nhịn ăn, nhịn tiêu, tiết kiệm tiền để mua cho được sản phẩm Yakumi với liệu trình 3 tháng, được quảng cáo như bài thuốc đặc trị, chữa khỏi tất cả bệnh lý về dạ dày.

Dù tốn không ít tiền mồ hôi, xương máu mua Yakumi để dùng, nhưng bệnh của bác không hề thuyên giảm. Đau quá không chịu nổi, bác mới đến Bệnh viện Bạch Mai khám. Các bác sĩ kết luận, bác bị ung thư dạ dày. Vậy là, gửi gắm niềm tin vào sản phẩm, tiết kiệm từng đồng, từng cắc để mua và sử dụng thực phẩm chức năng với hy vọng chữa khỏi bệnh, song cái kết đắng mà bác nhận được là án tử, vì bỏ lỡ thời gian phát hiện, điều trị bệnh sớm.

Một nạn nhân khác là chị Đào Bích Liễu (40 tuổi, ở Lập Thạch, Vĩnh Phúc). Cuối tháng 2/2021, chị Liễu thấy quảng cáo thực phẩm chức năng chữa dạ dày Yakumi trên Facebook. Sản phẩm được quảng cáo có thể chữa ngay những cơn đau dạ dày trong vòng một tháng, nhiều người nổi tiếng cũng cho biết đang dùng sản phẩm và hiệu quả tức thì. Chị Liễu liền mua sản phẩm với giá 1,6 triệu đồng (gồm 3 lọ Yakumi sủi) để uống với hy vọng thoát khỏi những cơn đau.

Nghe theo lời dặn của “bác sĩ online”, chị Liễu uống đều đặn một viên vào buổi sáng trước khi ăn và một viên vào buổi tối. Sau khi uống hết lọ đầu tiên, cơn đau của chị xuất hiện với tần suất dày đặc hơn trước khi dùng sản phẩm. Chị liên hệ với “bác sĩ online” thì được giải thích là, do mới dùng, nên sản phẩm phải tác động mạnh vào các vết loét, tăng kích ứng để làm lành nhanh chóng nên gây đau, chỉ cần dùng phối hợp thêm sản phẩm, thì cơn đau sẽ đỡ.

Tiếp tục nghe theo lời khuyên, chị mua thêm một liệu trình kết hợp 6 sản phẩm với giá gần 3 triệu đồng. Sau 3 tháng dùng phối hợp sản phẩm như tư vấn của “bác sĩ online”, cơn đau của chị dữ dội tới mức, người nhà phải đưa chị tới viện khám. Sau khi chụp, chiếu, xét nghiệm, bác sĩ chẩn đoán, các vết loét dạ dày của chị lan rộng và nặng hơn so với lần kiểm tra trước. Bức xúc, chị gọi tới số điện thoại đăng trên quảng cáo để hỏi. Hai lần đầu, chị nhận được giải thích qua loa, nhưng gọi đến cuộc thứ 3, thì “thuê bao không liên lạc được”.

Muốn giảm cân, nên dùng thực phẩm chức năng và đã bị suy gan, suy thận là bài học đau xót mà chị Nguyễn Thị Yến (35 tuổi, quê Hà Nam) gặp phải. Chị Yến cho biết, do uống thuốc tiểu đường, cơ thể tích nước, nên chị bị tăng cân. Để giảm nỗi lo về cân nặng, chị đã mua loại trà thảo mộc giảm cân Golean Detox về sử dụng.

Sau khi uống trà, chị không còn cảm giác thèm ăn uống, nhưng hay chóng mặt, đau đầu. Uống được khoảng 2 tuần, tuy cân nặng giảm được 5 kg, nhưng chị thấy cơ thể mệt mỏi, khát nước, sụt cân, đầy bụng, người lả đi và được người nhà đưa tới Bệnh viện Nội tiết Trung ương nhập viện cấp cứu.

TS. Nguyễn Trọng Hưng, Phó trưởng khoa Khoa Dinh dưỡng và tiết chế lâm sàng (Bệnh viện Nội tiết Trung ương) cho biết, qua kết quả xét nghiệm, bệnh nhân có lượng đường huyết trong máu tăng, men gan ở mức 1103 U/L, tăng gấp hơn 30 lần mức bình thường, gây tổn thương, hủy hoại tế bào gan, có dấu hiệu của suy gan, suy thận.

Sau đó không lâu, sản phẩm trà thảo mộc giảm cân Golean Detox đã bị phát hiện chứa chất cấm Sibutramine.

Sống chết mặc bay, tiền thầy bỏ túi

Từ những người có nhu cầu giảm cân, làm trắng da, tới những người mắc các bệnh lý mạn tính như tăng huyết áp, tiểu đường và cả bệnh nhân đang đối diện với án tử là ung thư, các đối tượng kinh doanh thực phẩm chức năng đều không buông tha. Họ mặc sức kiếm tiền, tăng doanh số để kiếm lời, bỏ mặc sức khỏe, sự sống chết của khách hàng.

Nghe và tin theo quảng cáo “có BoniDiabet - chiến thắng bệnh tiểu đường quá đơn giản”, nhiều bệnh nhân đã phải nhập viện điều trị trong tình trạng nặng, nguy hiểm tính mạng. Bác sĩ Nguyễn Công Bình (Khoa Cấp cứu, Bệnh viện Nội tiết Trung ương) cho biết, vừa qua, cơ sở tiếp nhận và điều trị cho bệnh nhân Nguyễn Văn Giống (51 tuổi, ở Hải Dương), do dùng thực phẩm chức năng BoniDiabet mua trên mạng xã hội nhằm điều trị tiểu đường.

Theo lời kể của bệnh nhân, sau khoảng 20 ngày uống sản phẩm, bệnh nhân bắt đầu phù toàn thân, khó thở, hoa mắt, chóng mặt, đau tức ngực. Khi vào viện, bệnh nhân đã bị suy hô hấp, tràn dịch đa màng (tim, phổi, bụng).

Được kết luận mắc ung thư buồng trứng, chị Nguyễn Thị Sen (Lý Nhân, Hà Nam) đã dốc sạch tiền bạc để mua và sử dụng các sản phẩm thực phẩm chức năng được quảng cáo như thần dược, hỗ trợ điều trị ung thư như Sun Ginseng, Agel UMI, mỗi sản phẩm có giá vài triệu đồng, mà không đến viện, với suy nghĩ can thiệp dao kéo sẽ... nhanh chết hơn. Để đến khi cạn kiệt tài sản, sức khỏe suy kiệt, chị được người nhà đưa tới Bệnh viện K, thì bác sĩ đành lắc đầu, vì khối u đã di căn do không được điều trị sớm.

Nhiều bệnh nhân ung thư không tin vào các phương pháp điều trị phẫu thuật, xạ trị, hóa trị hay điều trị đích, mà chỉ tin dùng thực phẩm chức năng. Bác Nguyễn Văn Kiên (Đống Đa, Hà Nội) bị ung thư bàng quang đã bỏ cả đống tiền mua Vidatox chiết xuất từ nọc bọ cạp xanh Cuba, mua Fucoidan của Nhật Bản để thúc đẩy tế bào ung thư tự chết, nhưng sau cùng vẫn phải đối diện với đau đớn khi đã ở giai đoạn cuối.

PGS. Lê Văn Quảng, Giám đốc Bệnh viện K trong một lần chia sẻ với phóng viên Báo Đầu tư đã bày tỏ lo ngại về một thực tế đang gây nhức nhối. Đó là có những bệnh nhân phát hiện mắc bệnh ung thư ở giai đoạn sớm và nếu được điều trị theo đúng phác đồ, có thể khỏi bệnh hoặc ít ra cũng kéo dài cuộc sống. Nhưng, vì tin vào những sản phẩm thực phẩm chức năng được thổi phồng về khả năng trị ung thư, nên họ không đến bệnh viện, bỏ dở điều trị. Sau thời gian sử dụng thực phẩm chức năng nhưng không khỏi, khi quay lại bệnh viện khám, thì bệnh đã tiến triển nhanh và quá muộn để có thể điều trị hiệu quả.

Sử dụng cả thuốc và thực phẩm chức năng sẽ xảy ra tình trạng tương tác thuốc

Sử dụng thực phẩm chức năng không rõ nguồn gốc, xuất xứ, quảng cáo thổi phồng công dụng có thể gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm như suy gan cấp, suy thận cấp, xuất huyết não, thậm chí tử vong nếu không điều trị kịp thời.

Một nguy cơ khác là trong thực phẩm chức năng có thể có chất lạ, khi người dùng sử dụng cả thuốc và thực phẩm chức năng sẽ xảy ra tình trạng tương tác thuốc, làm giảm hiệu quả của thuốc, khiến việc điều trị kéo dài hơn.

Bác sĩ Hoàng Nam Phong, Phó trưởng khoa, Khoa Kiểm tra sức khỏe (Bệnh viện E)

Tuyệt đối không sử dụng thực phẩm chức năng với suy nghĩ thay thế thuốc điều trị

Với bệnh nhân tiểu đường đã được chẩn đoán và điều trị, nhưng tự ý bỏ thuốc, thì khi vào cấp cứu, bệnh thường đã rất nặng như suy thận, suy gan, biến chứng tim mạch, dẫn tới nguy cơ tử vong cao.

Do vậy, những người mắc bệnh tiểu đường cần sử dụng thuốc theo tư vấn, hướng dẫn của bác sĩ chuyên khoa, tuyệt đối không sử dụng các loại thực phẩm chức năng với suy nghĩ thay thế thuốc điều trị, bởi cái giá phải trả, nhẹ thì tăng chi phí đều trị, bệnh tình không được kiểm soát, nặng thì chính là mạng sống.

Bác sĩ Nguyễn Công Bình (Bệnh viện Nội tiết Trung ương)

(Còn tiếp)

Tin bài liên quan