Kiểm tra sản phẩm thực phẩm chức năng đang lưu thông trên thị trường.

Kiểm tra sản phẩm thực phẩm chức năng đang lưu thông trên thị trường.

Quảng cáo thực phẩm chức năng: Tâm địa của sự xảo trá và dối lừa - Bài 3: Ve sầu thoát xác

0:00 / 0:00
0:00
Tô vẽ hoàn hảo về công dụng sản phẩm và “móc túi” người tiêu dùng, nhưng khi bị cơ quan chức năng “sờ gáy”, cơ sở sản xuất và phân phối đều chối bay, chối biến “đứa con” của mình.

Bài 3: Ve sầu thoát xác

Tô vẽ hoàn hảo về công dụng sản phẩm và “móc túi” người tiêu dùng, nhưng khi bị cơ quan chức năng “sờ gáy”, cơ sở sản xuất và phân phối đều chối bay, chối biến “đứa con” của mình.

Phủi tay trốn trách nhiệm

Giống như nhiều hàng hóa khác, để có mặt trên thị trường, sản phẩm thực phẩm chức năng phải trải qua 2 khâu là sản xuất và phân phối. Rất ít sản phẩm do một doanh nghiệp đồng thời thực hiện 2 khâu này, còn phần lớn là tách riêng, doanh nghiệp A lo khâu sản xuất, doanh nghiệp B chịu trách nhiệm phân phối.

Nhìn từ thực tế thị trường quảng cáo thực phẩm chức năng thời gian qua, dễ nhận thấy, cùng một sản phẩm, nhưng có hàng loạt website được lập ra, tung hoành hoạt động, quảng cáo với nội dung mập mờ, “nổ” công dụng, hiệu quả điều trị. Tuy nhiên, khi cơ quan chức năng phát hiện, đề nghị giải trình, thì cả cơ sở sản xuất và phân phối đều không thừa nhận hành vi quảng cáo trên các trang mạng.

Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) phát hiện sản phẩm Đế Linh Đan được quảng cáo trên các trang: delinhdan.com; sanphamvang.baomoi24h.world gây hiểu nhầm có tác dụng như thuốc chữa bệnh; quảng cáo sản phẩm dưới dạng liệt kê công dụng của từng thành phần của sản phẩm; sử dụng hình ảnh, uy tín, thư tín của đơn vị, cơ sở y tế, nhân viên y tế, thư cảm ơn của bệnh nhân để quảng cáo thực phẩm.

Khi Cục An toàn thực phẩm mời đại diện Công ty TNHH Dược phẩm Gia Phạm (chịu trách nhiệm công bố) và Công ty TNHH DPMP 688 (thực hiện khâu phân phối) đến làm việc, cả hai doanh nghiệp này đều khẳng định không thực hiện quảng cáo sản phẩm thực phẩm bảo vệ sức khỏe Đế Linh Đan vi phạm ở các website nêu trên.

Hay một website khác là: Hocvienquanyvietnam.vn/beautyslimplus quảng cáo sản phẩm Beauty Slim Plus và trên sàn giao dịch thương mại điện tử shopee.vn/Dưỡng-tâm-an-mạch-Q10-new-Học-viện-quân-y-i.10494971.7057561145 quảng cáo sản phẩm Dưỡng Tâm An Mạch Q10 New với nội dung quảng cáo gây hiểu nhầm có tác dụng như thuốc chữa bệnh, thực hiện quảng cáo, mà chưa có xác nhận nội dung của cơ quan nhà nước có thẩm quyền, vi phạm quy định pháp luật về quảng cáo.

Cục An toàn thực phẩm đã xác minh, tổ chức chịu trách nhiệm quảng cáo các sản phẩm Beauty Slim Plus và Dưỡng Tâm An Mạch Q10 New là Công ty cổ phần Vật tư y tế Nam Việt, song doanh nghiệp cũng một mực khẳng định không thực hiện quảng cáo 2 sản phẩm này ở các website nêu trên.

Trước đó, hàng loạt sản phẩm thực phẩm chức năng như viên xương khớp Kingphar New; siro Halucan Kids; Vina Tảo; Egorex Omega 3.6.9... vi phạm quy định quảng cáo, quảng cáo công dụng không phù hợp với hồ sơ công bố đã được cơ quan có thẩm quyền xác nhận. Tuy nhiên, khi Cục An toàn thực phẩm mời các doanh nghiệp có sản phẩm quảng cáo lên làm việc về vi phạm, tất cả đều chối, không thừa nhận hành vi quảng cáo sản phẩm.

“Ve sầu thoát xác”

Dù bức xúc với sự “phủi tay” của các doanh nghiệp nói trên, nhưng cơ quan quản lý trực tiếp là Cục An toàn thực phẩm cũng bất lực, khi chưa tìm ra biện pháp xử lý triệt để.

Truy cập vào khá nhiều website bị phát hiện sai phạm trong quảng cáo thực phẩm chức năng, phóng viên Báo Đầu tư nhận thấy, các website này đều không ghi rõ thông tin đơn vị chịu trách nhiệm nội dung, nếu có nhắc tới thì chỉ là địa chỉ của đơn vị sản xuất, đơn vị phân phối sản phẩm hoặc một “địa chỉ ma” để tăng độ tin cậy đối với người dùng.

Trang phucnhankhang.com quảng cáo sản phẩm Phúc Nhãn Khang với nhiều sai phạm. Để tạo uy tín với người mua, phía cuối website có ghi địa chỉ là: số nhà 68, TT15 Khu đô thị sinh thái Xuân Phương, Nam Từ Liêm, Hà Nội. Khách hàng sẽ mặc định đây là trụ sở sản xuất, kinh doanh sản phẩm Phúc Nhãn Khang. Khi phóng viên gọi tới số hotline mà website đưa ra và hỏi có thể đến trực tiếp địa chỉ ghi trên website để mua sản phẩm không, thì nam nhân viên nhận điện thoại cho hay, đó là địa chỉ nhà thuốc, không phải địa chỉ của Phúc Nhãn Khang và nói sẽ có nhân viên gọi lại để tư vấn.

Hai phút sau, một nhân viên nữ gọi lại cho phóng viên, nói rằng, số nhà 68, Khu đô thị sinh thái Xuân Phương là địa chỉ của Trung tâm Thuốc mắt Phúc Nhãn Khang, không bán trực tiếp sản phẩm, nên khách hàng có đến cũng không mua được. Khách hàng có nhu cầu có thể đặt mua online, Công ty sẽ yêu cầu nhân viên chuyển phát trực tiếp sản phẩm tới tận nhà để đỡ phải đi lại mùa dịch. Chưa kể, khi tham gia chương trình mua online, khách hàng sẽ được nhận các ưu đãi như mua 2 tặng 1, mua 3 tặng 2… Nếu muốn mua trực tiếp, thì khách hàng phải đến hiệu thuốc, nhưng khi phóng viên hỏi địa chỉ hiệu thuốc cụ thể, thì nhân viên này không thể trả lời.

Được biết, sản phẩm Phúc Nhãn Khang do Công ty TNHH Y dược Phúc Khang (địa chỉ tại số 1, ngách 8/208, phố Lê Quang Đạo, phường Phú Đô, quận Nam Từ Liêm, Hà Nội) công bố và chịu trách nhiệm về sản phẩm. Khi làm việc với cơ quan chức năng, Công ty TNHH Y dược Phúc Khang không thừa nhận website: phucnhankhang.com là của mình và không chịu trách nhiệm về việc quảng cáo sản phẩm thực phẩm bảo vệ sức khỏe Phúc Nhãn Khang trên website này.

Vậy, địa chỉ mà nam nhân viên nói là nhà thuốc, còn nữ nhân viên nói là Trung tâm Thuốc mắt Phúc Nhãn Khang thực sự là gì, khi cả nhà sản xuất và phân phối đều chối bỏ, còn địa chỉ của doanh nghiệp sản xuất và phân phối thì lại ở một nơi khác?

Theo một lãnh đạo công ty truyền thông có trụ sở tại Hà Nội, đây là một trong số nhiều chiêu “ve sầu thoát xác” trong lĩnh vực quảng cáo thực phẩm chức năng ở Việt Nam hiện nay, mà cơ quan quản lý chưa có biện pháp xử lý triệt để.

Qua tìm hiểu, phóng viên được biết, để quảng bá sản phẩm, đơn vị phân phối thường lập ra nhiều trang thông tin điện tử. Khi bị phát hiện, đơn vị sản xuất, phân phối sản phẩm chỉ cần phủ nhận liên quan đến những thông tin quảng cáo về chính sản phẩm của họ, cho rằng việc quảng cáo là do ai đó… rỗi hơi.

Về mặt quản lý, các trang thông tin điện tử muốn hoạt động đều phải được sở thông tin và truyền thông của địa phương cấp phép. Tuy nhiên, chính đơn vị cấp phép khi muốn kiểm tra các trang này cũng gặp nhiều khó khăn. Thông thường, khi kiểm tra, địa chỉ trên các trang mạng này thường không đúng; hoặc nếu đúng, thì hầu như không có nhân viên tại trụ sở, văn phòng cửa đóng then cài, hoặc chủ nhân tìm cách thoái thác nên không dễ để làm việc, xử lý hành vi sai phạm.

Một “chiêu” khác mà các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm chức năng áp dụng để quảng bá sản phẩm là “nhường quyền” cho tổ chức, cá nhân mua sản phẩm và để mặc cho họ nói trời, nói biển, tô vẽ cho sản phẩm, tăng “độ phủ sóng” ra thị trường theo cấp số nhân.

Công nghệ và “độc chiêu” lách luật

Theo thống kê, hơn 70% số thực phẩm chức năng được tiêu thụ ở nước ta hiện nay là hàng sản xuất trong nước, còn lại là hàng nhập khẩu.

Năm 2000, Việt Nam chỉ có 13 doanh nghiệp đăng ký và đủ điều kiện sản xuất thực phẩm chức năng. Số sản phẩm được lưu hành trên thị trường là 63 sản phẩm. Đến năm 2017, có gần 4.190 công ty đăng ký sản xuất - kinh doanh thực phẩm chức năng. Số lượng sản phẩm được lưu hành cũng lên tới hơn 10.930 sản phẩm.

Sau 4 năm, thông tin từ Cục An toàn thực phẩm cho thấy, đến ngày 15/7/2021, cả nước có 211 cơ sở sản xuất thực phẩm chức năng đạt chuẩn GMP với gần 40.000 đăng ký bản công bố sản phẩm. Với những con số này, các chuyên gia lo ngại, nếu không quản lý tốt việc quảng cáo sản phẩm thực phẩm chức năng, hệ lụy sẽ vô cùng lớn.

Đề cập những thủ đoạn tinh vi trong việc quảng cáo thực phẩm chức năng hiện nay, bà Trần Việt Nga, Phó cục trưởng Cục An toàn thực phẩm cho biết, khi cơ quan quản lý nhà nước thanh, kiểm tra, phát hiện quảng cáo vi phạm trên website, thì hầu hết doanh nghiệp chỉ nhận sản phẩm là của họ, còn website thì không nhận, nên không chịu trách nhiệm. Với những trường hợp này, Cục An toàn thực phẩm buộc phải chuyển sang Bộ Thông tin và Truyền thông (đơn vị cấp giấy phép thành lập website) để xử lý theo quy định.

Một mánh lới khác mà nhiều cơ sở đang áp dụng nhằm thoát khỏi các cuộc thanh, kiểm tra của cơ quan chức năng được bà Nga chỉ ra là, các đối tượng mở tên miền để quảng cáo, nhưng nếu quảng cáo vi phạm bị phát hiện và tên miền đó bị đóng, thì ngay lập tức, họ sẽ mở tên miền khác. Nhiều cơ sở đặt máy chủ ở Việt Nam, nhưng nếu bị phát hiện vi phạm sẽ chuyển máy chủ sang nước ngoài.

Ngoài ra, một trong những hành vi đang gây nhiều khó khăn cho cơ quan quản lý là quảng cáo xuyên biên giới. Các công ty nước ngoài mua “đất” quảng cáo trên các trang thương mại, sàn giao dịch, website ở trong nước và họ toàn quyền sử dụng để quảng cáo sản phẩm mà chủ cho thuê không hay biết.

Với những quảng cáo lừa lọc trên mạng xã hội, bà Nga cho biết, Cục An toàn thực phẩm đã nhiều lần làm việc với Facebook để đề nghị nền tảng này gỡ các quảng cáo sai, nhưng Facebook vẫn giữ quan điểm phải báo quảng cáo sai đó sang Bộ Thông tin và Truyền thông. “Khi báo cáo xong, thì quảng cáo ấy đã đến với rất nhiều người, sản phẩm đã nằm trong dạ dày của nhiều người và gây hại”, bà Nga nêu thực tế.

Theo một số chuyên gia công nghệ thông tin, nhiều cơ sở đã nằm lòng những thủ thuật “qua mặt” kiểm duyệt quảng cáo của các nền tảng Google, Facebook. Chẳng hạn, mục “Chăm sóc sức khỏe và thuốc”, trong danh sách các chất không được chấp thuận quảng cáo của Google không hề có thuốc Đông y. Các cơ sở đã lách luật bằng việc kê khai nội dung quảng cáo là sản phẩm Đông y, khiến thuật toán của Google khó nhận định. Từ đó, vô vàn sản phẩm thuốc Đông y, thực phẩm chức năng không rõ nguồn gốc ngang nhiên quảng bá trên mảng xã hội này.

Bên cạnh đó, trong quy định về biên tập các quảng cáo, Google công khai không cho phép nhập số điện thoại trong văn bản quảng cáo, thay vào đó là sử dụng tiện ích cuộc gọi. Thế nhưng, hầu hết các quảng cáo thuốc Đông y trên YouTube hiện nay, lợi dụng hình thức video, ngang nhiên đưa số điện thoại liên hệ vào. Vì thế, số khách hàng rơi vào “bẫy công nghệ” quảng cáo thực phẩm chức năng ngày một nhiều hơn.

Khi người dùng trở thành mục tiêu của quảng cáo và bị “truy đuổi” trên mạng

Với sự phát triển của công nghệ và các công cụ tìm kiếm, người tiêu dùng đang bị theo dõi và truy đuổi dễ dàng hơn bao giờ hết.

Chỉ cần thực hiện một thao tác tìm kiếm thông tin trên các công cụ tìm kiếm, quan tâm đến một nhóm chủ đề, dừng lại ở một nội dung nào đó trên mạng xã hội, người tiêu dùng cũng có thể bị ghi nhận lại thông tin và trở thành mục tiêu của các quảng cáo.

Khi có nhu cầu hay gặp một vấn đề nào đó về sức khỏe, người tiêu dùng sẽ có xu hướng tìm kiếm thông tin về lĩnh vực này trên Internet. Các thông tin đó sẽ được thu thập, trở thành công cụ đưa các nội dung quảng cáo liên quan đến người dùng rất “đúng người, đúng bệnh”. Các quảng cáo này không đơn thuần theo sát người dùng trên một công cụ, mà có thể “truy đuổi” người dùng từ nền tảng này sang nền tảng khác, từ ngày này sang ngày khác...

(Còn tiếp)

Tin bài liên quan