Quảng cáo thực phẩm chức năng: Tâm địa của sự xảo trá và dối lừa - Bài 1: "Siêu thực phẩm" hay "siêu nổ"?

0:00 / 0:00
0:00
Thị trường thực phẩm chức năng hiện nay giống như một ma trận, trong đó ngập tràn những lời quảng cáo “siêu nổ”, thậm chí là xảo trá.
Bản chất của thực phẩm chức năng là các sản phẩm thực phẩm hỗ trợ tăng cường sức khỏe cho người dùng, không phải là thuốc chữa bệnh.

Bản chất của thực phẩm chức năng là các sản phẩm thực phẩm hỗ trợ tăng cường sức khỏe cho người dùng, không phải là thuốc chữa bệnh.

Lời Tòa soạn: Thổi phồng, thần thánh hóa công dụng của thực phẩm chức năng, dùng người nổi tiếng, thậm chí cả người bệnh giả để quảng cáo nhằm tăng sức thuyết phục…, các cơ sở kinh doanh thực phẩm chức năng ngang nhiên lừa dối người tiêu dùng, khiến không ít người tiền mất tật mang, nguy hại sức khỏe và tính mạng. Cơ sở này bị xử lý sai phạm, thì cơ sở khác lại “mọc” ra như ung nhọt, cần một “liều thuốc” để triệt tận gốc.

Điệp khúc “đánh bay”

Đại dịch Covid-19 hoành hành, nhu cầu mua sắm online bùng nổ là mảnh đất màu mỡ cho thực phẩm chức năng tiếp cận người tiêu dùng. Những lời quảng cáo “trên trời”, thổi phồng, thần thánh hóa công dụng của thực phẩm chức năng mà các trang mạng đưa ra khiến không ít người tiêu dùng “sập bẫy” chỉ sau một cú click chuột.

Toha Fast là thực phẩm bảo vệ sức khỏe, được cấp phép quảng cáo chỉ lợi tiểu, lợi mật, hỗ trợ tăng cường đào thải cặn sỏi, nhưng trong rất nhiều quảng cáo, sản phẩm này luôn được nhấn mạnh là phương thuốc có khả năng điều trị bệnh lý về sỏi thận.

Hay như sản phẩm Yakumi, dù chỉ là thực phẩm chức năng hỗ trợ giảm axit dịch vị, bảo vệ niêm mạc dạ dày, nhưng đang được “nổ” công dụng là thuốc điều trị dứt điểm các bệnh về dạ dày, lừa dối người tiêu dùng trên mạng xã hội.

“Trong trường hợp có ứng dụng công nghệ từ nước ngoài, các đơn vị phải gửi bằng chứng tới Cục An toàn thực phẩm để được phê duyệt, cấp phép. Chẳng hạn, sản phẩm có công nghệ chuyển giao từ công ty của Nhật Bản, đơn vị phải gửi hợp đồng chuyển giao, tên công nghệ sản xuất, đơn vị chuyển giao cụ thể. Những nội dung được cấp phép quảng cáo đều ghi trên nhãn sản phẩm”.

Bà Trần Việt Nga, Phó cục trưởng Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế)

Cụ thể, Yakumi được quảng cáo như bài thuốc đặc trị, chữa khỏi tất cả bệnh lý về dạ dày, đại tràng, là sản phẩm dạ dày đầu tiên ứng dụng thành công công nghệ Nano lượng tử đến từ Nhật Bản. Đáng ngại hơn, trong các quảng cáo, sản phẩm Yakumi còn được cắt ghép, gán hình ảnh với một số người nổi tiếng, thầy thuốc để dẫn dụ người tiêu dùng.

Một ví dụ khác là GM Diet - một loại bột giảm cân. Không hiểu trong sản phẩm này có bí quyết nào, mà nhiều trang mạng khẳng định chắc nịch rằng, chỉ cần sử dụng sản phẩm trong 7 ngày, người dùng có thể giảm từ 3 đến 7 kg. Đáng nói là, sản phẩm này còn được giới nghệ sĩ lăng xê nhiệt tình. Hoa hậu Mai Phương Thúy cho hay, cô giảm được tới 5 kg chỉ với 1 cốc GM Diet mỗi sáng trong 3 tuần sử dụng.

Với những người đang có nhu cầu giảm cân, sau khi nghe được những lời quảng cáo “siêu thật” này, chắc chắn sẽ rất hào hứng mua GM Diet về sử dụng.

Danh sách thực phẩm chức năng “thần thánh” vẫn chưa dừng lại. Sản phẩm xương khớp Cốt Khí An được quảng cáo với slogan xóa tan bệnh xương khớp, hay đánh bay xương khớp chỉ sau 2 tuần sử dụng, trong khi đây chỉ là sản phẩm được Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) cấp phép với công dụng hỗ trợ giảm đau xương khớp.

Chưa kể, trên website nhathuocthanthien.com, để tăng độ tin cậy của Cốt Khí An, nhà thuốc còn đưa ra thông tin về người giới thiệu sản phẩm là dược sĩ Trần Văn Quý, có trình độ dược sĩ, tốt nghiệp Đại học Dược Hà Nội, kinh nghiệm 7 năm làm việc, tư vấn thuốc, thực phẩm chức năng, bệnh học tại hệ thống nhà thuốc Thân Thiện.

Trong vai một khách hàng có nhu cầu mua các sản phẩm xương khớp trị đau vai gáy cho người phải làm việc nhiều với máy tính, phóng viên Báo Đầu tư gọi điện tới số điện thoại 0938819xxx để được tư vấn về sản phẩm viên sủi xương khớp Boca.

Tiếp nhận cuộc gọi là một nữ tư vấn viên, cô này cho biết, sản phẩm viên sủi xương khớp Boca do một doanh nghiệp Việt Nam sản xuất, với nguồn nguyên liệu hoàn toàn từ thiên nhiên, ứng dụng công nghệ sản xuất hiện đại của Đức. Dù không phải là thuốc, chỉ là thực phẩm chức năng, nhưng theo lời nữ nhân viên, nếu dùng sản phẩm theo lộ trình 30 - 60 ngày, cộng với chế độ tập luyện, sẽ khỏi hoàn toàn căn bệnh xương khớp mà phóng viên đang mắc phải.

Một lần khác, trong vai người bị mỡ máu cao, phóng viên gọi tới số 0987977xxx để nhận tư vấn về sản phẩm Cardiomax và được tư vấn tư vấn rằng, sản phẩm sẽ hỗ trợ làm sạch mỡ máu, men gan; sạch mỡ gan, hết mỡ động vật; giảm nguy cơ đột qụy, tai biến; loại bỏ nguy cơ xơ vữa động mạch.

Khi phóng viên còn đang “lăn tăn” có nên mua sản phẩm hay không, thì nhân viên tư vấn khuyên rất “chân thành”: “Mỡ máu cao rất nguy hiểm, nếu chị không điều trị sớm, chị có nguy cơ bị xơ vữa động mạch, nặng hơn là đột qụy”.

“Mồi nhử” hoàn hảo

Theo dõi quảng cáo trên các nền tảng mảng xã hội như Facebook, YouTube và TikTok, có thể thấy, hàng loạt nghệ sĩ Việt “cùng mắc” một loại bệnh mà các sản phẩm thực phẩm chức năng họ quảng cáo có thể chữa trị. NSND Hồng Vân, NSƯT Vân Dung, NSND Minh Hằng, Kim Xuyến, Thanh Hương, Khánh Linh đều cho biết, họ bị u xơ, u nang khi quảng cáo cho viên sủi Shioka.

Các nghệ sĩ, diễn viên, ca sỹ này khẳng định, sau khi sử dụng viên sủi có tác dụng “thần kỳ”, khối u trong cơ thể họ nhỏ đi, bệnh tình thuyên giảm. Theo lời các nghệ sĩ, viên sủi Shioka sẽ làm tiêu tan toàn bộ u xơ trong tử cung mà không cần phẫu thuật; triệt tiêu tất cả các loại u xơ, u nang tận gốc; sạch u xơ tử cung, u tuyến tụy, u nang, u vú nhanh gấp 50 lần so với người có cùng tình trạng mà không can thiệp mổ.

Quảng cáo “nổ” là thế, còn sự thực thì sao? Trong giấy xác nhận nội dung quảng cáo số 2475/2020/XNQC-ATTP do Cục An toàn thực phẩm cấp ngày 10/8/2020, viên sủi Shioka chỉ là thực phẩm bảo vệ sức khỏe có công dụng hỗ trợ hạn chế sự phát triển của u xơ tử cung, u xơ vú lành tính của phụ nữ và u xơ tuyến tiền liệt ở nam giới. Các công dụng mà những nghệ sĩ trên nói trong video quảng cáo hoàn toàn không có trong nội dung được cấp phép quảng cáo.

Với Toha Fast, một số trang mạng dùng hình ảnh, video của nghệ sĩ Văn Báu quảng cáo cho sản phẩm với nội dung nghệ sĩ này bị sỏi tiết niệu, tuy đã sử dụng nhiều loại sản phẩm, nhưng bệnh tái đi tái lại nhiều lần không dứt. Sau khi dùng Toha Fast được một tháng, thì sỏi giảm hẳn và nghệ sĩ Văn Báu đang tiếp tục sử dụng để đánh tan sỏi.

Nghệ sĩ Minh Hằng, trong quảng cáo, cũng bị sỏi mật 2, 3 năm, đi siêu âm thì được biết kích thước sỏi to 10 mm, sỏi kẹt niệu quản trái 7 mm, kèm theo các triệu chứng đau thắt lưng, đi tiểu rắt. “Sau khi dùng một liệu trình Toha Fast, sỏi phải còn 6 mm, tiểu ra được sỏi thận trái”, nghệ sĩ Minh Hằng chia sẻ trong quảng cáo.

Quyền Linh cũng là gương mặt quen thuộc trong các quảng cáo thực phẩm chức năng. Trong video quảng cáo sản phẩm Scurma Fizzy, Quyền Linh hết lời quảng cáo cho sản phẩm với công dụng hỗ trợ điều trị tận gốc các tế bào ung thư; giúp tập trung điều trị vết loét, khỏe cho dạ dày và điều trị tốt gấp hơn 70 lần so với curcumin bình thường. Còn sự thật, trong giấy xác nhận quảng cáo được Cục An toàn thực phẩm cấp, thực phẩm bảo vệ sức khỏe Scurma Fizzy chỉ có công dụng hỗ trợ chống oxy hóa, hỗ trợ giảm các triệu chứng của viêm loét dạ dày, tá tràng, hỗ trợ nhanh liền sẹo, làm đẹp da, tốt cho phụ nữ sau sinh.

Bản chất của thực phẩm chức năng là các sản phẩm thực phẩm hỗ trợ tăng cường sức khỏe cho người dùng, không phải là thuốc chữa bệnh. Tuy vậy, nhìn vào thực tế thị trường thực phẩm chức năng thời gian qua, có thể thấy, các quảng cáo dù trá hình hay lộ liễu đều khẳng định chắc nịch sản phẩm có công năng điều trị rất nhiều bệnh lý, từ đơn giản tới phức tạp.

Bà Trần Việt Nga, Phó cục trưởng Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) cho biết, mặc dù cơ quan chức năng đã ráo riết vào cuộc, nhưng những quảng cáo “nổ”, quảng cáo sai sự thật, gian dối, dùng từ lừa dối người tiêu dùng về công dụng của thực phẩm chức năng, thực phẩm bảo vệ sức khoẻ vẫn tràn lan trên các nền tảng trực tuyến.

Lãnh đạo Cục An toàn thực phẩm nhấn mạnh, tất cả quảng cáo thực phẩm chức năng, thực phẩm bảo vệ sức khỏe khẳng định là “giải pháp hoàn hảo”, “chữa khỏi vĩnh viễn căn bệnh”, “điều trị tận gốc bệnh”, “đánh bay”, “đánh tan”... đều là lừa dối người tiêu dùng.

Không chỉ thần thánh hóa công dụng, nhiều sản phẩm còn “nổ” cả công nghệ sản xuất. Chẳng hạn, sản phẩm Yakumi được quảng cáo là sản phẩm dạ dày đầu tiên ứng dụng thành công công nghệ Nano lượng tử đến từ Nhật Bản, nhưng qua trao đổi với bà Trần Việt Nga, phóng viên Báo Đầu tư được cho biết, tại Việt Nam, các sản phẩm thực phẩm chức năng sử dụng công nghệ nước ngoài khá ít, đa phần được sản xuất tại các nhà máy trong nước.

“Qua kiểm tra hồ sơ cấp giấy công bố sản phẩm, những sản phẩm như Yakumi, GM Diet và các dòng liên quan đến những sản phẩm này đều không có bất cứ nguyên liệu nào nhập khẩu từ nước ngoài, cũng như không sử dụng bất cứ công nghệ Mỹ, Nhật hay của nước khác để sản xuất. Tất cả các sản phẩm đều hình thành tại các nhà máy GMP theo quy định của Việt Nam”, bà Nga khẳng định.

(Còn tiếp)

Tin bài liên quan