Quảng Bình khởi sắc nhờ dự án hạ tầng trọng điểm

0:00 / 0:00
0:00
Hàng loạt dự án hạ tầng trọng điểm quốc gia đã giúp Quảng Bình từ vùng đất nắng gió trở thành điểm sáng trong làn sóng chuyển dịch của dòng vốn đầu tư, phát triển các đô thị vệ tinh.
Cảng Hòn La - một trong những dự án hạ tầng trọng điểm của Khu kinh tế Hòn La - Quảng Đông (Quảng Bình) ­­­­­

Cảng Hòn La - một trong những dự án hạ tầng trọng điểm của Khu kinh tế Hòn La - Quảng Đông (Quảng Bình) ­­­­­

Chiến lược đầu tư hạ tầng trọng điểm

Hiện nay, Quảng Bình là một trong số ít các tỉnh có mạng lưới giao thông 5 loại hình kết nối liên hoàn. Kết cấu hạ tầng đối ngoại của Quảng Bình trong những năm qua phát triển khá ấn tượng với Cảng hàng không Đồng Hới nằm trong nội đô và các trục giao thông huyết mạch quốc gia như cao tốc Bắc - Nam, Quốc lộ 1, đường sắt Bắc - Nam, tuyến ven biển, đường Hồ Chí Minh…

Nằm ở miền Trung, là nơi có bề ngang hẹp nhất cả nước, nhưng Quảng Bình đang có rất nhiều tuyến đường trọng điểm quốc gia có liên kết với khu vực đi ngang qua. Vị trí địa lý cửa ngõ đặc biệt này cũng đang mang đến nhiều cơ hội để Quảng Bình bước vào thời kỳ phát triển thăng hoa nhất.

Với quy hoạch hạ tầng đối nội, Quảng Bình đang không ngừng hoàn thiện đồng bộ từng ngày. Ngay đầu năm 2022, đường ven biển và cầu Nhật Lệ 3 tại xã Ngư Thủy Bắc (huyện Lệ Thủy) có tổng chiều dài là 85,4 km, tổng mức đầu khoảng 2.197 tỷ đồng đã được khởi công, tạo nên mạng lưới giao thông đô thị liên hoàn giữa các huyện Quảng Trạch, Bố Trạch, Quảng Ninh, Lệ Thủy…

Mới đây nhất, Dự án tuyến đường sắt nối Thủ đô Viêng Chăn của Lào với cảng Vũng Áng đi qua Cửa khẩu Cha Lo (tỉnh Quảng Bình) được Chính phủ Lào dự kiến khởi công vào tháng 11/2022. Dự án giao thông trọng điểm được Chính phủ hai nước Việt Nam - Lào hợp tác phát triển này có tổng chiều dài khoảng 400 km, với tổng mức đầu tư 5 tỷ USD.

Sắp tới, Quảng Bình cũng tiếp tục lên kế hoạch triển khai đầu tư nâng cấp Cảng hàng không Đồng Hới trong năm 2022 nhằm đạt mục tiêu đón 3 triệu lượt khách/năm; mở rộng cầu Gianh và cầu Quán Hàu trên Quốc lộ 1A…

Nhờ chiến lược đầu tư có trọng tâm, trọng điểm, tận dụng và khai thác tốt nguồn lực xã hội trong vài năm gần đây, kết cấu hạ tầng trên địa bàn Quảng Bình ngày càng đồng bộ, hiện đại, sẵn sàng đón cơ hội khớp nối với tuyến cao tốc Bắc - Nam phía Đông.

Với quy hoạch xây dựng hạ tầng cụ thể và bền vững, Quảng Bình đang tạo thế phát triển đa chiều kết nối liền mạch với các địa phương lân cận. Từ đó phát triển các đô thị vệ tinh xung quanh các trục hạ tầng quan trọng, tạo lực hút, đòn bẩy mời chào các nhà đầu tư đến với Quảng Bình, chung tay phát triển địa phương.

Phát triển các đô thị vệ tinh

Bức tranh phác họa về hạ tầng đối ngoại của Quảng Bình khá ấn tượng với Cảng hàng không Đồng Hới nằm trong nội đô và các trục giao thông huyết mạch quốc gia như cao tốc Bắc - Nam, Quốc lộ 1, đường sắt Bắc - Nam, tuyến ven biển, đường Hồ Chí Minh…

Vị trí thuận lợi của Cảng hàng không Đồng Hới cũng được Kiến trúc sư Ngô Viết Nam Sơn - người từng tham gia quy hoạch và thiết kế nhiều thành phố lớn của thế giới và Việt Nam cho rằng, có nét tương đồng với Cảng hàng không quốc tế Đà Nẵng, khi nằm trong nội đô và gần biển. Đây là lợi thế cạnh tranh vượt trội về hạ tầng giao thông của Quảng Bình mà rất ít địa phương có được.

Vị kiến trúc sư này cũng cho rằng, trong tương lai, Quảng Bình cần tính đến quy hoạch đô thị sân bay, một loại đô thị đang rất thành công ở các nước phát triển.

Ngoài trung tâm Thành phố Đồng Hới được quy hoạch hướng ra biển, Quảng Bình đang định hướng phát triển các đô thị theo trục xương sống của các tuyến đường cao tốc, tuyến đường ven biển, cảng biển như khu đô thị Hòn La - Quảng Đông, thị xã Ba Đồn, khu đô thị Hoàn Lão, Kiến Giang, Quán Hàu, Đồng Lê, Quy Đạt, Phong Nha…

Nhấn mạnh vai trò của hạ tầng giao thông đối với sự phát triển kinh tế - xã hội và thu hút đầu tư, TS. Trần Du Lịch, thành viên Tổ Tư vấn kinh tế của Thủ tướng Chính phủ chia sẻ, càng chứng kiến thực tiễn chuyển động kinh tế thành công tại các địa phương, chúng tôi càng nghiệm ra và đúc kết được những thành quả thông qua đầu tư hạ tầng. Ở thời điểm này, địa phương nào đầu tư được nhiều tuyến đường giao thông hiện đại, đồng bộ, có sự kết nối và lan tỏa thì địa phương đó thành công nhất trong thu hút đầu tư.

Tới Quảng Bình qua Cảng hàng không Đồng Hới, các doanh nhân, nhà đầu tư và du khách có thể di chuyển thuận lợi tới nhiều địa điểm qua những tuyến giao thông huyết mạch đã và đang được xây dựng. Đó là cầu Nhật Lệ 2, Quốc lộ 1, tỉnh lộ 565, đường từ thị trấn Hoàn Lão đến đường Hồ Chí Minh nhánh Đông, đường nối Khu công nghiệp Hòn La với Khu công nghiệp Tiến Hóa - Châu Hóa - Văn Hóa, hệ thống đường Hồ Chí Minh nhánh Đông...

Liên kết, đồng bộ hạ tầng đối nội

Ông Trần Thắng, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Bình cho biết, hạ tầng đối nội, nhất là hạ tầng đô thị thời gian qua ghi nhận bước đột phá trong đầu tư của Quảng Bình. Hệ thống đô thị trên toàn tỉnh đạt gần 30% với 1 đô thị loại II, 3 đô thị loại IV và 5 đô thị loại V.

Từ những trục xương sống (Quốc lộ 1, tuyến ven biển, đường Hồ Chí Minh), Quảng Bình đã đầu tư hệ thống hạ tầng xương cá liên kết các vùng, khu vực, đô thị nội tỉnh; liên kết các địa điểm, địa danh du lịch nổi tiếng từ miền núi (Phong Nha - Kẻ Bàng) xuống đồng bằng (Khu lăng mộ Đại tướng Võ Nguyên Giáp, các điểm tham quan) và kết nối đến các khu nghỉ dưỡng ven biển, các bãi biển đẹp, hoang sơ.

Nhờ đồng bộ và liên hoàn hạ tầng, Quảng Bình dần trở thành “thỏi nam châm” thu hút ngày càng nhiều các nhà đầu tư bất động sản, đặc biệt là phân khúc bất động sản nghỉ dưỡng. Từ đó hình thành và phát triển các đô thị vệ tinh.

Để tăng tốc phát triển kinh tế, tạo động lực thu hút đầu tư, tỉnh Quảng Bình đã sớm triển khai đầu tư mở rộng cầu Gianh và cầu Quán Hàu trên Quốc lộ 1A; phê duyệt quy hoạch tỉnh Quảng Bình thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050; bổ sung vốn cho dự án đường ven biển và cầu Nhật Lệ 3; vốn đầu tư xây dựng tuyến đường phía Lào tới khu vực Lạ Vin; đầu tư tuyến đường 12 và cặp cửa khẩu Cha Lo - Na Phàu.

Với quyết tâm thay đổi một vùng đất theo hướng phát triển đi lên, hy vọng trong tương lai không xa, người dân Quảng Bình có thể ngước lên bầu trời, dõi mắt theo từng cánh bay cất cánh - hạ xuống đường băng, mang đến những niềm vui, thành quả từ bạn bè trong nước và quốc tế…

Các dự án hạ tầng trọng điểm của Quảng Bình

Cảng tổng hợp quốc tế Hòn La nằm ở Khu kinh tế Hòn La, xã Quảng Đông, huyện Quảng Trạch, phục vụ vận chuyển vật tư, thiết bị và hàng hóa của các doanh nghiệp trong Khu kinh tế Hòn La, các khu công nghiệp của tỉnh và các tỉnh trong Hành lang kinh tế Đông Tây từ Lào, Đông Bắc Thái Lan qua cửa khẩu Cha lo về Cảng Hòn La và ngày càng tăng nhanh.

Cảng hàng không Đồng Hới được thành lập vào tháng 4/2008, tiếp nhận được máy bay Airbus A320, A321, đáp ứng 2 chuyến bay tại cùng một thời điểm. Hiện sân bay Đồng Hới có 5 hãng hàng không trong nước khai thác 3 đường bay nội địa tới Hà Nội, TP.HCM và Hải Phòng cùng đường bay quốc tế thường lệ tới Chiang Mai (Thái Lan).

Dự án cao tốc Bắc - Nam qua tỉnh Quảng Bình có 03 dự án thành phần dài 126,34 km, gồm: Vũng Áng - Bùng (56,3 km); Bùng - Vạn Ninh (49,59 km) và Vạn Ninh - Cam Lộ (68 km).

Dự án Đường ven biển là dự án lớn, trọng điểm của tỉnh Quảng Bình với tổng mức đầu tư 2.197 tỷ đồng. Dự án sẽ xây dựng tuyến đường được thiết kế theo tiêu chuẩn đường cấp III đồng bằng theo TCVN 4054-2005, vận tốc thiết kế 80 km/h. Tuyến đường gồm 3 đoạn với tổng chiều dài 86 km, gồm có đoạn Nam Roòn - Quảng Phúc dài 21,9 km; đoạn Nam cầu Lý Hòa - Quang Phú dài 15,6 km và đoạn Hà Trung - Mạch Nước dài 47,9 km, đi qua 6 huyện, thành phố, thị xã. Trên toàn tuyến sẽ có 23 cầu, gồm 1 cầu lớn, 12 cầu trung và 10 cầu nhỏ.

Tin bài liên quan