Quảng Bình: Đoàn Đại biểu Quốc hội tiếp xúc cử tri, lấy ý kiến về Luật Bảo hiểm xã hội sửa đổi

(ĐTCK) Ngày 14/5/2024, tại TP. Đồng Hới, Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Bình đã tổ chức Hội nghị tiếp xúc cử tri chuyên đề với đoàn viên, người lao động, góp ý sửa đổi Luật Công đoàn, Luật Bảo hiểm xã hội (BHXH) về các chế độ, chính sách liên quan đến người lao động trước Kỳ họp thứ Bảy, Quốc hội Khóa XV.
Quảng Bình: Đoàn Đại biểu Quốc hội tiếp xúc cử tri, lấy ý kiến về Luật Bảo hiểm xã hội sửa đổi

Tại hội nghị, Ủy viên chuyên trách Ủy ban Văn hóa, Giáo dục Nguyễn Thị Tuyết Nga đã thông tin đến cử tri một số nội dung chính của Kỳ họp thứ Bảy, Quốc hội Khóa XV; kết quả giải quyết, trả lời kiến nghị của cử tri tại các cuộc tiếp xúc trước và sau Kỳ họp thứ Sáu.

Đông đảo đoàn viên, người lao động bày tỏ nhất trí cao với chương trình Kỳ họp thứ Bảy, đồng thời cũng đưa ra nhiều kiến nghị với mong muốn góp ý, sửa đổi Luật Công đoàn, Luật Bảo hiểm xã hội và một số chế độ chính sách liên quan đến người lao động, nhằm phù hợp với thực tiễn và bảo đảm quyền lợi cho người lao động.

Theo đó, góp ý Luật BHXH (sửa đổi), cử tri Trương Thị Thu Loan, đoàn viên Công đoàn cơ sở Công ty Môi trường và Phát triển đô thị Quảng Bình cho biết: do hoàn cảnh cá nhân hoặc một số lý do khác như lương thấp, hoàn cảnh khó khăn, chưa tin tưởng vào quyền lợi mà BHXH mang lại, sợ bị doanh nghiệp chấm dứt hợp đồng sớm không thể đợi đến ngày về hưu..., nhiều người lao động chọn phương án rút bảo hiểm xã hội một lần. Từ thực tế trên, cử tri mong muốn quá trình sửa đổi Luật Bảo hiểm xã hội cần có các quy định và giải pháp tổng thể để bảo vệ quyền lợi người lao động.

Kiến nghị về quyền lợi cho lao động nữ, cử tri Phan Mạnh Hùng, Chủ tịch Công đoàn ngành Công thương tỉnh đánh giá: hiện nay, tỷ lệ bao phủ chính sách thai sản đối với lao động nữ rất thấp (chỉ khoảng 30% theo số liệu của tổ chức ILO, số liệu 2021). Do đó, lao động nữ và gia đình không có nguồn thu nhập thay thế trong thời gian nghỉ sinh. Vì vậy, cử tri kiến nghị có chính sách để người lao động tham gia BHXH tự nguyện cũng được hưởng chế độ thai sản như người lao động tham gia BHXH bắt buộc.

Nhiều ý kiến của cử tri cũng dành sự quan tâm đối với vấn đề người lao động bị "treo" quyền lợi về BHXH do doanh nghiệp dừng hoạt động. Đề cập nội dung này, cử tri Phạm Thị Thảo, Tổ trưởng tổ dinh dưỡng Trường Mầm non Đồng Phú và cử tri Trương Quang Cẩn, Công ty TNHH Xuất Nhập khẩu công nghiệp Trường Thành kiến nghị, cần có các quy định cụ thể để giải quyết vấn đề một bộ phận lao động bị "treo" quyền lợi do doanh nghiệp phá sản, giải thể hoặc chủ doanh nghiệp cố tình bỏ trốn…

Bên cạnh đó, cử tri cũng kiến nghị một số vấn đề khác liên quan đến việc phát huy vai trò của công đoàn để bảo vệ tốt hơn quyền, lợi ích hợp pháp chính đáng của đoàn viên, người lao động; quyền của công đoàn cấp trên cơ sở trong việc khởi kiện ra tòa án để bảo vệ quyền lợi cho người lao động về BHXH; quy định giảm điều kiện về số năm đóng bảo hiểm xã hội tối thiểu nhưng cần mang tính chia sẻ, hỗ trợ đối với những người lao động có mức tiền lương hưu quá thấp...

Tại hội nghị, đồng chí Nguyễn Minh Tuấn-Phó Giám đốc BHXH tỉnh Quảng Bình đã trực tiếp giải đáp một số kiến nghị của cử tri trong thẩm quyền của BHXH tỉnh.

Sau khi lắng nghe các ý kiến của cử tri cũng như giải đáp của đại diện các đơn vị đối với người lao động, Phó trưởng Đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH tỉnh Nguyễn Minh Tâm đề nghị: Sở Lao động, Thương binh và Xã hội tăng cường công tác kiểm tra, giám sát các doanh nghiệp trong việc thực hiện đóng BHXH, để bảo đảm quyền lợi của người lao động. Đoàn ĐBQH tỉnh sẽ tiếp thu, nghiên cứu, xem xét các ý kiến để chuyển tải đến Quốc hội tại Kỳ họp thứ Bảy tới.

Tin bài liên quan