Lãnh đạo tỉnh Quảng Bình dự họp trực tuyến về công tác giải ngân đầu tư công năm 2022
Tổ công tác số 1 vừa tổ chức hội nghị sơ kết, kiểm tra, đôn đốc, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công năm 2022 tại các Bộ, ngành và các tỉnh (tổ công tác số 1). Hội nghị do Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Phạm Bình Minh, Tổ trưởng Tổ công tác số 1 chủ trì.
Báo cáo tại Hội nghị, ông Đoàn Ngọc Lâm, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Quảng Bình đã nêu lên một số nguyên nhân của những khó khăn, vướng mắc trong giải ngân kế hoạch vốn đầu tư công. Để phấn đấu hoàn thành mục tiêu kế hoạch đầu tư công được giao trong năm 2022, tỉnh Quảng Bình tiếp tục xác định đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công là nhiệm vụ chính trị trọng tâm của năm 2022, gắn trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, đơn vị với kết quả giải ngân.
UBND thường xuyên chỉ đạo Sở Xây dựng công bố giá và chỉ số giá các loại vật liệu xây dựng theo tháng phù hợp với diễn biến thị trường; thực hiện rà soát, rút ngắn tối thiểu 30% thời gian thực hiện các thủ tục hành chính liên quan đến các thủ tục đầu tư và sau đầu tư; tranh thủ thời tiết thuận lợi, đẩy nhanh tiến độ thi công trước mùa mưa bão, nghiệm thu, thanh toán dứt điểm các khối lượng đã hoàn thành để nâng cao tỷ lệ giải ngân chung của toàn tỉnh; tăng cường công tác giám sát đánh giá đầu tư dự án, rà soát, chỉ đạo đẩy nhanh tiến độ thực hiện và giải ngân năm 2022…
Bên cạnh đó, ông Lâm kiến nghị Chính phủ, các Bộ, ngành Trung ương xem xét hủy dự toán Kế hoạch vốn nước ngoài năm 2022; gia hạn thời gian thực hiện dự án và gia hạn thời gian giải ngân thỏa thuận vay cho các dự án ODA trên địa bàn tỉnh.
Phát biểu tại hội nghị, Tổ trưởng Tổ công tác số 1 đánh giá cao sự nỗ lực của các Bộ, cơ quan Trung ương và địa phương trong việc cải thiện tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công, đạt mức cao hơn mức bình quân chung của cả nước như Văn phòng Quốc hội, Văn phòng Chính phủ, Nghệ An, Hà Tĩnh, Thừa Thiên Huế.
Ông Phạm Bình Minh cũng yêu cầu các Bộ, cơ quan Trung ương và địa phương tập trung tháo gỡ vướng mắc trong quá trình thực hiện và giải ngân kế hoạch vốn đầu tư công; nâng cao năng lực, trách nhiệm thực thi công vụ; tăng cường kiểm tra hiện trường để chấn chỉnh kịp thời các tồn tại, bất cập và ký cam kết về tiến độ hoàn thành các dự án sử dụng vốn đầu tư công; đẩy mạnh kiểm tra việc xây dựng, công bố giá, chỉ số giá các loại vật liệu xây dựng theo quy định; nghiên cứu, đơn giản hóa việc phân cấp hơn nữa quy định liên quan đến quản lý đầu tư xây dựng công trình theo hướng phân cấp mạnh mẽ cho địa phương để tạo thuận lợi cho việc triển khai nhanh chóng các dự án đầu tư…
Theo báo cáo tại hội nghị, tính đến ngày 31/7 tỷ lệ giải ngân kế hoạch vốn đầu tư công ước đạt 34,47%; có 41/51 Bộ, cơ quan Trung ương và 18/63 địa phương có tỷ lệ giải ngân dưới mức trung bình cả nước, trong đó 17 Bộ, cơ quan Trung ương có tỷ lệ giải ngân dưới 10% so với kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao đầu năm.