Quảng Bình ban hành chiến lược hợp tác đầu tư nước ngoài đến 2030

0:00 / 0:00
0:00
Quảng Bình đặt mục tiêu thu hút các dự án đầu tư nước ngoài sử dụng công nghệ tiên tiến, công nghệ mới, công nghệ cao, có giá trị gia tăng cao, có tác động lan tỏa tích cực.
Thành phố Đồng Hới, Quảng Bình.

Thành phố Đồng Hới, Quảng Bình.

UBND tỉnh Quảng Bình vừa ban hành Kế hoạch tổ chức thực hiện chiến lược hợp tác đầu tư nước ngoài giai đoạn 2021 - 2030.

Theo đó, Quảng Bình hướng đến mục tiêu thu hút các dự án đầu tư nước ngoài sử dụng công nghệ tiên tiến, công nghệ mới, công nghệ cao, quản trị hiện đại, có giá trị gia tăng cao, các tác động lan tỏa tích cực.

Với định hướng này, Quảng Bình mở rộng thị trường vốn, công nghệ, kiến thức quản lý, văn hóa doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài; nâng cao sức cạnh tranh của nền kinh tế, doanh nghiệp và sản phẩm nội địa; thúc đẩy ngành công nghiệp, nông nghiệp và dịch vụ tỉnh Quảng Bình.

Theo nội dung kế hoạch, trong thời gian đến, UBND tỉnh Quảng Bình sẽ rà soát các dự án chậm tiến độ, hoạt động không hiệu quả… để thu hồi, tạo quỹ đất thu hút các dự án đầu tư mới, có nhu cầu dịch chuyển sản xuất.

Đối với các dự án chậm tiến độ, theo UBND tỉnh Quảng Bình, cần rà soát, đánh giá và xử lý theo đúng quy định pháp luật hiện hành. Đi đôi với việc này, Quảng Bình cần xây dựng, ban hành quy định ưu đãi, hỗ trợ cho các nhà đầu tư.

Nhằm thực hiện có hiệu quả chiến lược hợp tác đầu tư nước ngoài, UBND tỉnh Quảng Bình đặc biệt chú ý đến việc cải cách hành chính, nâng cao năng lực cạnh tranh địa phương. Theo đó, Quảng Bình đẩy mạnh phân cấp, phân quyền, tinh giảm hóa quy trình, thủ tục trong quyết định các vấn đề kinh tế - xã hội; đối xử bình đẳng giữa doanh nghiệp trong nước và doanh nghiệp nước ngoài; bảo vệ lợi ích hợp pháp của các nhà đầu tư nhằm nâng cao niềm tin của các nhà đầu tư nước ngoài.

Điểm nhấn của kế hoạch thực hiện chiến lược hợp tác đầu tư nước ngoài của tỉnh Quảng Bình chính là chủ động xây dựng các gói hỗ trợ đầu tư linh hoạt để thu hút các dự án đầu tư lớn, có tác động lan tỏa.

Theo đó, việc xây dựng chính sách thu hút đầu tư nước ngoài phải phù hợp với địa phương, phù hợp với định hướng quy hoạch; cơ chế khuyến khích, ưu đãi thỏa đáng nhằm liên kết giữa đầu tư nước ngoài và đầu tư trong nước, lĩnh vực ưu tiên đầu tư; Xây dựng thể chế, chính sách cụ thể cho khu kinh tế, khu công nghiệp, khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao…

Quảng Bình cũng đưa nhiệm vụ xây dựng bộ thương hiệu và hình ảnh cấp địa phương trong công tác xúc tiến đầu tư phù hợp với quy hoạch phát triển và chiến lược thu hút đầu tư của tỉnh vào nội dung của kế hoạch.

Theo UBND tỉnh Quảng Bình, việc xây dựng bộ thương hiệu này nhằm tăng độ nhận diện và phân biệt Quảng Bình với các địa phương khác, tạo lợi thế cạnh tranh trong thu hút đầu tư.

Quảng Bình xác định việc chủ động tiếp cận, vận động linh hoạt các kênh khác nhau nhằm thu hút các dự án đầu tư lớn, chất lượng vào Quảng Bình.

Cụm dự án trang trại điện gió B&T của nhà đầu tư Philippines tại Quảng Bình.

Cụm dự án trang trại điện gió B&T của nhà đầu tư Philippines tại Quảng Bình.

Được biết, tính đến đầu năm 2023, Quảng Bình có 27 dự án đầu tư nước ngoài được cấp giấy chứng nhận đầu tư với tổng vốn đăng ký đầu tư là 1.122 triệu USD, trong đó có 19 dự án đầu tư đã hoàn thành, đi vào hoạt động chính thức. Doanh thu năm 2022 ước tính đạt khoảng 355 triệu USD, giải quyết việc làm cho khoảng 1.516 lao động, nộp ngân sách đạt khoảng 10 triệu USD.

Trong đó, một số dự án đầu tư nước ngoài tiêu biểu như Dự án Trại sản xuất tôm giống Quảng Bình 2 của Công ty cổ phần C.P Việt Nam (có vốn đầu tư của nhà đầu tư quốc tịch Thái Lan), Dự án Nhà máy điện mặt trời 49,5 MWp của Công ty TNHH Năng lượng xanh Dohwa (có vốn đầu tư của nhà đầu tư quốc tịch Hàn Quốc) và Cụm dự án Trang trại điện gió B&T (có vốn đầu tư của nhà đầu tư quốc tịch Philippines).

Tin bài liên quan