Với khối tài sản khổng lồ ước tính tới hơn 500 tỷ USD và những quyền lực “mềm” có thể dành cho cơ quan quản lý vốn, những lo lắng và ý kiến nhiều chiều về vấn đề này là hoàn toàn có cơ sở. Vậy chúng cần được giải tỏa như thế nào?
Tư duy mới
Với sức nóng và sự quan tâm lớn như vậy, cuộc hội thảo “Cơ quan chuyên trách đại diện chủ sở hữu nhà nước đối với vốn nhà nước tại doanh nghiệp: Kinh nghiệm quốc tế và bài học đối với Việt Nam”, do Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế trung ương (CIEM) phối hợp với Ngân hàng Thế giới (WB) diễn ra chiều 23/8 đã thu hút đông đảo giới chuyên gia trong ngoài nước tham gia.
"Cơ quan thực hiện quyền chủ sở hữu vốn nhà nước chỉ làm đúng chức năng của mình, không có chuyện cơ quan này xuống điều hành các DN"
- Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Đặng Huy Đông.
Theo Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Đặng Huy Đông, quyết tâm chính trị về việc tách bạch chức năng quản lý và chức năng chủ sở hữu đối với vốn Nhà nước hiện rất rõ ràng và không có bất cứ ý kiến nào ở các cấp lãnh đạo cao nhất “bàn lùi”. Vấn đề quan trọng hiện nay là làm thế nào, tách bạch ra sao? Trước hàng loạt câu hỏi đặt ra về việc liệu Đề án mà Bộ Kế hoạch và Đầu tư dự thảo có dẫn đến việc hình thành một cơ quan “siêu bộ” hay không? Có phải bộ này sẽ làm thay nhiệm vụ của nhiều bộ khác hay không? “Xin trả lời là hoàn toàn khác”, ông Đông nói.
Thứ trưởng giải thích thêm rằng, nếu DN vẫn nằm trong bộ chuyên ngành thì không đạt yêu cầu về đảm bảo môi trường cạnh tranh, kinh doanh bình đẳng giữa các thành phần kinh tế. Tách bạch theo Dự thảo Đề án, ví dụ cùng là lĩnh vực khai khoáng, hiện có nhiều DN tư nhân đang tham gia lĩnh vực này, nếu DN tư nhân phạm luật thì họ sẽ bị xử lý nghiêm. Trong khi đó, DN nhà nước do Bộ Công thương quản lý thì liệu có được nương nhẹ hay không? Việt Nam chưa được công nhận là kinh tế thị trường vì DN nhà nước có cơ chế hoạt động thuận lợi hơn so với DN tư nhân.
“Nếu tách ra thì các bộ chuyên ngành chỉ cần chuyên tâm quản lý trách nhiệm chuyên ngành theo chức năng của mình. Khi DN vi phạm cần xử lý bình đẳng. Cơ quan thực hiện quyền chủ sở hữu vốn nhà nước chỉ làm đúng chức năng của mình, không có chuyện cơ quan này xuống điều hành các DN. Mà DN nhà nước cũng chỉ tham gia vào lĩnh vực mà các DN tư nhân không làm được”, ông Đông khẳng định.
Một số giải pháp gợi ý
Quan sát và theo dõi những phản ứng, góp ý của nhiều chuyên gia, đại diện DN nhà nước phân tích về vấn đề này thời gian qua, ông William P. Mako, chuyên gia đến từ WB cho biết, kinh tế Việt Nam tăng trưởng ấn tượng và khu vực tư nhân còn cơ hội phát triển hơn nữa, trong khi khu vực nhà nước đang “níu chân” nền kinh tế, làm chậm lại tăng trưởng của nền kinh tế.
Vị chuyên gia này đặc biệt lưu ý về cơ chế quản trị trong các DN nhà nước, DN có vốn nhà nước còn manh mún, thực trạng còn có nhiều bộ, ngành quản lý cùng một DN, cơ chế tuyển dụng, sa thải rất phức tạp... Hiện nay, ngay tại mô hình tổ chức quản vốn nhà nước tập trung này còn chưa được thống nhất, trong khi đó, Việt Nam vẫn cần phải làm rõ sẽ triển khai việc này thế nào, ủy ban được thành lập sẽ hoạt động ra sao…?
Tuy nhiên, ông Mako cũng cho rằng, để mô hình hoạt động hiệu quả, nhất thiết phải thực hiện triệt để việc tách chức năng sở hữu ra khỏi chức năng khác của Nhà nước trong nền kinh tế. Chi tiết của chủ trương này cần được thể hiện, củng cố thêm trong luật và các nghị định, nhấn mạnh rằng: Các cơ quan chính phủ không được can thiệp tùy tiện vào hoạt động của các tổng công ty, tập đoàn, các DN nhà nước... Điều này không dễ thực hiện, bởi theo quan sát của các chuyên gia nước ngoài, Nhà nước đang can thiệp quá sâu vào hoạt động của khu vực này, ngay từ những việc như mua sắm, thanh lý tài sản…
Một giải pháp để Ủy ban không ôm đồm, theo các chuyên gia, nên được tổ chức thành 6 ban khác nhau, mỗi ban quản lý một nhóm DN nhà nước cụ thể. Bên cạnh đó, vấn đề quan trọng đặt ra là cần thông suốt và tạo được sự đồng thuận, ủng hộ rộng rãi ở các nhóm đối tượng có liên quan.
Trong suốt 10 năm qua, Việt Nam đã bàn mãi câu chuyện này mà không đi đến kết quả. Nhiều câu hỏi đặt ra như các lãnh đạo DN nhà nước có ủng hộ Dự thảo Nghị định này không? Phản ứng của họ như thế nào? Mô hình mới có thể đem lại lợi ích cho các tập đoàn, các tổng công ty, song chắc chắn sẽ thay đổi cuộc sống của lãnh đạo các DN này. Do vậy, vấn đề là họ có ủng hộ nếu bị ảnh hưởng như vậy không? Sẽ rất cần thiết để suy nghĩ về những cách thức quản lý các DN, những người đứng “trên cơ” lãnh đạo các DN phải là người có trình độ quản lý DN… Bên cạnh đó, muốn quản lý tốt DN, phải có hệ thống văn bản rất rõ ràng, thiết lập các cơ chế quản trị tốt...
Liên quan đến nỗi lo tập trung quyền lực và tiềm lực vào tay một cơ quan, các chuyên gia quốc tế cho rằng, hoàn toàn có thể giải quyết được bằng cách xem xét mối quan hệ giữa vị thế của chủ tịch ủy ban với Chính phủ, giới hạn nhiệm kỳ của chủ tịch ủy ban, áp dụng các công cụ giám sát và đề cao tính minh bạch, trách nhiệm giải trình như công bố hệ thống các cáo cáo tài chính độc lập của DN, công bố công khai các giao dịch liên kết, các dự án lớn…
Một sự thay đổi được nhận định có thể tạo ra những tác động và xáo trộn to lớn đến khu vực kinh tế nhà nước, vốn được xác định là trụ cột của nền kinh tế, sẽ còn nhận được nhiều ý kiến đóng góp, mổ xẻ. Lắng nghe, tiếp thu và phản biện, để tìm ra cách thức phù hợp nhất với đặc điểm của Việt Nam, những nhà tạo lập chính sách sẽ còn nhiều việc phải làm để tìm ra một mô hình nhận được sự “tâm phục, khẩu phục” của đa số.
Phải công khai quy định về các cơ chế quản lý, hoạt động thực hiện
Chuyên gia kinh tế Lê Đăng Doanh
Muốn hình thành cái gọi là quyết tâm chính trị, phải xác định điều kiện đầu tiên là Nhà nước pháp quyền tuân thủ pháp luật. Thứ hai, phải có trách nhiệm giải trình, đồng thời quy định rõ về tính công khai minh bạch, đặc biệt là công khai quy định về các cơ chế quản lý, hoạt động thực hiện. Hiện nay, có tình trạng là quy định thì yêu cầu công khai, song mới chỉ công khai một số điểm.
Chẳng hạn, tương lai phát triển tới đây thế nào, quy hoạch ra sao… được chỉ rõ, nhưng giá trị chuyển giao thực, cơ sở đấu thầu thế nào, ai thực hiện… thì hầu như chưa rõ ràng. Nếu chỉ công khai minh bạch trên luật pháp, mà không đủ điều kiện trách nhiệm giải trình thì khó có thể triển khai được Dự thảo Nghị định và như thế, dù Ủy ban giám sát vốn nhà nước có hình thành đi chăng nữa thì vẫn chưa đạt được mục tiêu như mong đợi.
Cần giải quyết tất cả các yếu tố liên quan, đặc biệt là yếu tố con người
Chuyên gia kinh tế Cấn văn Lực
Việc xây dựng Nghị định và đề xuất mô hình Ủy ban giám sát có thể nói là bước đột phá đối với cải cách thể chế và cung cách quản lý đối với DN nhà nước tại Việt Nam. Tuy nhiên, hiện nay, vẫn còn nhiều quan điểm phân vẫn giữa 2 mô hình ủy ban và quỹ. Rút kinh nghiệm từ hạn chế trong hoạt động của mô hình Tổng công ty Đầu tư và kinh doanh vốn Nhà nước (SCIC) thời gian qua, thì mô hình quỹ có hiệu quả và chuyên nghiệp hơn. Song cũng có nhiều câu hỏi đặt ra đối với mô hình này, đó là nên chăng có hội đồng đầu tư? Hội đầu tư sẽ quyết định đầu tư vào đâu? Bên cạnh đó, với mô hình này, còn cần có hội đồng quản lý, bao gồm đại diện một số DN lớn hay một số bộ, ngành, cần cơ cấu và tổ chức mô hình này thế nào là vấn đề đặt ra.
Một yếu tố cũng hết sức quan trọng là yếu tố con người, SCIC chưa hiệu quả cao một phần cũng do yếu tố này, tất nhiên còn có hạn chế từ thể chế. Song nhìn chung, các vấn cơ chế tuyển dụng và bổ nhiệm thế nào, cùng với đó là cơ chế lương bổng gắn với trách nhiệm ra sao theo cơ chế cạnh tranh thị trường. Nếu DN thua lỗ thì lãnh đạo có bị trừ lương, cách chức hay không? Còn đối với mô hình ủy ban thì khi ủy ban được thành lập, mối quan hệ với các cơ quan chủ quản trước đây sẽ như thế nào? Cần giải quyết tất cả những câu hỏi này để có thế tìm kiếm được mô hình phù hợp cho Việt Nam trong bối cảnh hiện nay.