Chú trọng hiệu quả danh mục hiện hữu
SCIC đã hoàn thành tốt kế hoạch kinh doanh và đạt được những kết quả tích cực trong năm 2019, với doanh thu đạt 6.760 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế đạt 4.067 tỷ đồng.
Trong danh mục của SCIC, còn nhiều doanh nghiệp niêm yết, doanh nghiệp đại chúng, quản lý tốt phần vốn tại các doanh nghiệp này có vai trò quan trọng với nguồn lực nhà nước.
Lãnh đạo SCIC cho rằng, đây là vấn đề vô cùng quan trọng và quán triệt việc tăng cường công tác quản trị đối với các doanh nghiệp quy mô lớn, có vốn nhà nước chi phối, có vai trò quan trọng trong danh mục của SCIC như CTCP Dược Hậu Giang, CTCP Sữa Việt Nam (Vinamilk)...
Đơn cử, tại Vinamilk, năm 2019 có 2 quyết định đầu tư lớn, trong đó có hợp nhất với Sữa Mộc Châu, hay đầu tư sang Lào, Campuchia…
Những dự án lớn được triển khai đều cho thấy cần có sự đóng góp của cổ đông lớn như SCIC. Cũng nhờ vậy, kết quả kinh doanh của các doanh nghiệp đều có sự tăng trưởng ổn định.
Trong đó, Vinamilk đạt lợi nhuận trên 10.000 tỷ đồng, FPT 4.000 tỷ đồng, MB 10.000 tỷ đồng, Dược Hậu Giang 600 tỷ đồng, Tập đoàn Dệt may Việt Nam 839 tỷ đồng, Nhựa Tiền Phong 400 tỷ đồng...
Năm 2019, tổng doanh thu của các doanh nghiệp SCIC có vốn chủ sở hữu ước đạt 122.321 tỷ đồng, tương ứng lợi nhuận sau thuế năm 2019 ước đạt 24.757 tỷ đồng.
Một số doanh nghiệp có ước tỷ suất lợi nhuận trên vốn chủ sở hữu năm 2019 đạt cao như Công ty TNHH 2 thành viên Đầu tư thương mại Tràng Tiền (90%), Công ty TNHH Khai thác và chế biến đá An Giang (72%), CTCP Vật liệu xây dựng khoáng sản Bình Thuận (41%), CTCP Sữa Việt Nam (36%), CTCP Tư vấn đầu tư và đầu tư Việt Nam (35%), CTCP Viễn thông FPT (29%), CTCP Quản lý bảo trì đường thủy nội địa số 10 (27%)...
Trong bức tranh hoạt động của SCIC có một nốt trầm, đó là công tác thoái vốn tại nhiều doanh nghiệp chưa thành công.
Theo đó, SCIC đã bán vốn thành công tại 12 doanh nghiệp (11 doanh nghiệp bán hết và 1 doanh nghiệp bán bớt) với doanh thu đạt được là 314 tỷ đồng trên giá vốn là 82 tỷ đồng, gấp hơn 3,8 lần so với giá vốn, chênh lệch bán vốn là 232 tỷ đồng.
Song, nếu nhìn vào số liệu về công tác thoái vốn trên cả nước, có thể thấy đây cũng là điểm trũng trong quá trình tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước năm 2019.
Tính cả năm, các bộ, địa phương đã hoàn thành bán vốn tại 13 doanh nghiệp (trong danh mục bán vốn tại Quyết định 1232) với số vốn nhà nước là 896 tỷ đồng, thu về 1.839 tỷ đồng, đạt tỷ lệ 2 lần.
Từ kết quả trên, phải thẳng thắn nhìn nhận rằng, có nhiều vướng mắc cần tháo gỡ để tăng số lượng doanh nghiệp bán vốn thành công.
Ngoài khó khăn về cơ chế và thị trường, trong danh mục của SCIC còn nhiều doanh nghiệp thuộc diện khó bán, bán nhiều lần không thành công; một số doanh nghiệp lớn như Vocarimex, Domesco... có cơ cấu cổ đông không thuận lợi (cổ đông lớn khác chiếm 51% trở lên) nên không hấp dẫn nhà đầu tư khi triển khai bán vốn.
Với những doanh nghiệp khó thoái vốn, trong đó có lý do cơ cấu cổ đông không hấp dẫn nhà đầu tư khác mua cổ phần, tiếp tục nắm giữ cổ phần ở những doanh nghiệp này, theo chia sẻ của ông Nguyễn Đức Chi, Chủ tịch Hội đồng thành viên SCIC, Tổng công ty sẽ tiếp tục quản trị vốn nhà nước theo hướng đề cao sự hiệu quả.
“Nếu doanh nghiệp đưa ra quyết định không đúng, không có lợi cho sự phát triển của công ty thì SCIC đương nhiên phản đối và chúng tôi đã làm như vậy ở nhiều doanh nghiệp. Chúng tôi quan niệm, khi doanh nghiệp phát triển thì vốn nhà nước sẽ tiếp tục giữ hiệu quả”, ông Chi trao đổi với các nhà báo tại cuộc gặp mới đây.
Tích cực tái cơ cấu doanh nghiệp bết bát
Vấn đề được SCIC đặc biệt quan tâm là tập trung thực hiện các biện pháp quản trị thông qua việc làm tốt vai trò cổ đông nhà nước, tái cơ cấu để nâng cao hiệu quả hoạt động, xử lý tồn tại phát sinh tại các doanh nghiệp trong danh mục, đặc biệt là các tập đoàn, tổng công ty có quy mô vốn lớn, mới tiếp nhận có tình hình tài chính phức tạp.
Chẳng hạn, khi SCIC nhận bàn giao vốn nhà nước tại Tổng công ty Licogi, doanh nghiệp đang mắc một loạt vấn đề như tài chính nguy ngập (nợ trên vốn chủ sở hữu trên 3 lần), cơ cấu cổ đông không tập trung, ngành nghề lõi mai một.
SCIC đã tham gia cơ cấu lại Hội đồng quản trị, gia tăng tính tập trung, hỗ trợ Licogi tái cơ cấu về tài chính, trả được nợ quá hạn; tái cơ cấu các công ty con; báo cáo Bộ Xây dựng những vấn đề tồn tại có liên quan; xác định lại thương quyền dự án Thịnh Liệt...
“SCIC đang nỗ lực tái cơ cấu Licogi không để mất tiếp giá trị phần vốn nhà nước (Nhà nước sẽ mất hết vốn nếu doanh nghiệp phá sản - PV)”, lãnh đạo SCIC cho biết.
Với Tổng công ty Thép Việt Nam-CTCP, hiện có 2 dự án gồm Gang thép Thái Nguyên giai đoạn 2 và nhà máy thép Việt - Trung nằm trong danh sách các dự án thua lỗ, cần xử lý.
SCIC đã tập trung nguồn lực để đánh giá, phân tích các lý do khiến Dự án Gang thép Thái Nguyên giai đoạn 2 khó khăn và đã báo cáo Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp xử lý dứt điểm thông qua việc đề xuất thoái vốn tại Gang thép Thái Nguyên, phấn đấu xử lý dứt điểm trong năm 2020.
Những dự án như vậy, để thêm một ngày là thêm khó khăn, mất mát, từ chi phí vốn, chi phí cơ hội, máy móc thiết bị xuống cấp…
Tương tự là dự án Nhà máy Gang thép Việt Trung. Nhà máy có lợi thế về quặng nhưng vài năm gần đây, giá phôi giảm mạnh, bởi vậy, SCIC đang tham gia tái cấu trúc về tài chính cho Việt Trung tốt hơn và cũng kỳ vọng thị trường sẽ dần tốt lên.
SCIC đã chỉ đạo người đại diện vốn ở Tổng công ty Thép yêu cầu triển khai các giải pháp tiết kiệm chi phí sản xuất, tăng quản lý hao hụt, nâng cao hiệu quả hoạt động
doanh nghiệp…
Có thể nói, năm 2019 là năm không thuận lợi với thị trường vốn Việt Nam. Cùng với đó, tiến trình tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước cũng có những nút thắt lớn.
Bước sang năm 2020, những điểm hạn chế này đã được nhận định rõ để từ đó, các bộ ngành có giải pháp tháo gỡ.
Về phần mình, SCIC cho biết, sẽ tiếp tục nỗ lực để công việc này ngày càng chuyên nghiệp, từ đó đem lại hiệu quả cao hơn với đồng vốn nhà nước.