Cổ đông tốt là nền tảng cho doanh nghiệp tốt
Đây là quan điểm được nhiều lãnh đạo doanh nghiệp chia sẻ khi đề cập đến những yếu tố thúc đẩy hoạt động của các công ty cổ phần. Xác định vai trò là một cổ đông của doanh nghiệp, thay mặt Nhà nước quản lý vốn tại các doanh nghiệp, ông Nguyễn Đức Chi, Chủ tịch Hội đồng thành viên Tổng công ty Đầu tư và kinh doanh vốn nhà nước (SCIC) cho biết, SCIC tôn trọng và hành xử theo các nguyên tắc thị trường, vì mục tiêu hiệu quả cao nhất cho Nhà nước. SCIC không phải là cơ quan quản lý hành chính của doanh nghiệp.
Nguyên tắc này đã được thực hiện nhất quán tại các doanh nghiệp có vốn của SCIC nhằm hỗ trợ, tạo điều kiện cho doanh nghiệp phát triển, sản xuất - kinh doanh hiệu quả, giúp đồng vốn nhà nước tăng trưởng.
Đơn cử tại Vinamilk, theo chia sẻ của ông Lê Thành Liêm, Giám đốc tài chính Công ty, sự đồng hành và chia sẻ giữa Ban lãnh đạo Vinamilk và Ban lãnh đạo SCIC, thông qua cầu nối là những người đại diện vốn, trong bất cứ trường hợp nào cũng có sự đồng hành, thấu hiểu.
Khả năng đồng thuận ở mức cao trong các vấn đề quan trọng của Công ty đã thu hẹp khoảng cách và sự xa lạ giữa ban lãnh đạo hai doanh nghiệp, vì mục tiêu phát triển Công ty. Nhờ vậy, Vinamilk liên tục có những thay đổi và mạnh dạn thay đổi để đạt quy mô lớn hơn và trình độ cao hơn trên thị trường.
Gần đây, Công ty áp dụng nhiều thông lệ quản trị tiên tiến vào hoạt động của mình, góp phần duy trì hiệu quả hoạt động ở mức cao trên thị trường, được các nhà đầu tư đánh giá cao.
Ông Lê Văn Thành, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Bảo hiểm Bảo Minh cũng đánh giá cao sự tư vấn, hỗ trợ của SCIC, nhất là về quản trị doanh nghiệp sau khi phần vốn nhà nước tại Bảo Minh chuyển về SCIC quản lý.
“SCIC đã cùng chúng tôi đưa ra mô hình tổ chức tốt hơn, gọn nhẹ hơn, tập trung hơn, nhưng vẫn có thể phục vụ khách hàng tốt như không mở văn phòng tốn kém mà chỉ thuê, nhân sự tinh gọn. Chỉ địa bàn lớn có tiềm năng thì mới mở văn phòng lớn, địa bàn nhỏ co hẹp lại, đưa họ trở thành văn phòng đại diện.
Trong 3 năm vừa qua, từ 2.000 cán bộ, nhân viên, Bảo Minh đã giảm xuống 1.800, mà vẫn đảm nhận được nhiều việc hơn, có tăng trưởng. Doanh nghiệp đang chuẩn hóa xây dựng các mô hình quản lý chi phí, tài chính, rủi ro”, ông Thành cho biết.
Khá giống các quỹ đầu tư hay các nhà đầu tư tổ chức năng động, SCIC thường đưa ra nhiều giải pháp trợ lực để các doanh nghiệp trong danh mục của Tổng công ty cải thiện hiệu quả hoạt động.
Theo chia sẻ của ông Nguyễn Tuấn Anh, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Công trình giao thông vận tải Quảng Nam, trước các kỳ đại hội cổ đông, SCIC tham gia và định hướng cụ thể trong phương hướng, kế hoạch sản xuất – kinh doanh, công tác nhân sự, phân chia lợi nhuận và soát xét hoàn thiện các quy chế quản trị nội bộ công ty, công tác họp hội đồng quản trị để chuẩn bị tốt việc họp đại hội cổ đông, đảm bảo phù hợp với đặc điểm tình hình hoạt động công ty, tuân thủ đúng điều lệ công ty và pháp luật, chuẩn hóa trong công tác quản trị doanh nghiệp sau đại hội.
Khi có vấn đề doanh nghiệp cần xin ý kiến, SCIC đã cho ý kiến, hướng dẫn, chỉ đạo linh hoạt, phối hợp với doanh nghiệp xử lý các vấn đề phát sinh trong quá trình hoạt động - kinh doanh kịp thời, tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động sản xuất - kinh doanh đạt hiệu quả cao.
Quy chế Người đại diện, các công cụ hỗ trợ tiện ích khác như Sổ tay hướng dẫn biểu quyết, Bộ quy tắc quản trị doanh nghiệp, các hội thảo cập nhật chia sẻ kiến thức, kinh nghiệm và kết nối doanh nghiệp liên tục được SCIC tổ chức đã hỗ trợ cho người đại diện vốn và các doanh nghiệp rất nhiều, giúp công ty nâng cao hiệu quả hoạt động.
Ông Nguyễn Hoàng, Chủ tịch Tổng công ty Nhựa Việt Nam, doanh nghiệp được chuyển giao vốn nhà nước từ Bộ Công Thương về SCIC hơn 1 năm trước nhận xét, so với khi còn ở Bộ chủ quản, doanh nghiệp cảm nhận các quyết định có thể đưa ra nhanh và thông thoáng hơn rất nhiều. Đây chính là ưu điểm của việc tách bạch chức năng quản lý nhà nước và quản lý vốn.
Quản lý vốn nhà nước không phải lúc nào cũng xuôi chèo mát mái. Theo quy định, tháng 6 là thời hạn cuối cùng để các công ty cổ phần tổ chức họp đại hội đồng cổ đông, nhưng cho đến cuối tháng 8 vừa qua, vẫn có 21 doanh nghiệp có vốn góp của SCIC chưa tổ chức đại hội cổ đông, nhiều doanh nghiệp sản xuất - kinh doanh không hiệu quả, lỗ lũy kế nhiều năm, nhiều tồn tại tài chính, dẫn tới doanh nghiệp có khả năng không hoạt động liên tục…
Cán bộ, chuyên viên của SCIC vẫn còn nhớ không ít trường hợp phải vất vả, vật lộn, bám doanh nghiệp để giải quyết những tranh chấp, ồn ào khiếu kiện bởi các nhóm cổ đông, lãnh đạo doanh nghiệp bị ảnh hưởng quyền lợi khi doanh nghiệp phải thay đổi hoạt động theo chiều hướng minh bạch hơn tại Công ty cổ phần Giày Đông Anh, Công ty cổ phần Du lịch Đồ Sơn…
Kỷ luật tài chính phải được thực thi
Các chuyên gia như ông Phan Đức Hiếu - Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM), ông Dương Đăng Huệ - nguyên Vụ trưởng Vụ Pháp luật dân sự, Bộ Tư pháp đã thẳng thắn nêu quan điểm như vậy trước tình trạng hàng loạt bộ ngành, địa phương vi phạm và không thực hiện nghiêm túc quy định về chuyển giao vốn nhà nước về SCIC.
Ông Hiếu nói rằng, việc quản lý vốn nhà nước tập trung là thông lệ hiện đại trên thế giới và bước đầu đã được chứng minh hiệu quả thông qua mô hình của SCIC. Bởi vậy, phải thúc đẩy nhanh tiến trình này, cả với những doanh nghiệp thuộc diện Nhà nước sẽ thoái vốn, nên giao về đầu mối quản lý vốn và thoái vốn chuyên nghiệp như SCIC.
Các thương vụ thoái vốn thành công của SCIC đã góp phần kích hoạt và tạo điều kiện thuận lợi cho các đợt thoái vốn, cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước, cũng như hỗ trợ thị trường chứng khoán Việt Nam phát triển.
Kinh nghiệm cho thấy, ngoài quy trình bán vốn chặt chẽ minh bạch, còn cần sự chuyên nghiệp, phối hợp giữa SCIC và ban lãnh đạo doanh nghiệp nhằm cập nhật thông tin, chọn thời điểm bán tốt, tỷ lệ bán, cách thức bán để trình Chính phủ. Thông tin được cung cấp đầy đủ, kịp thời, hoạt động của doanh nghiệp sau bán vốn tiếp tục tăng trưởng đã tạo niềm tin để các nhà đầu tư tiếp tục tham gia trong các đợt bán vốn mới hoặc thu hút các nhà đầu tư mới tham gia.
Chia sẻ tại buổi tọa đàm “Nâng cao hiệu quả doanh nghiệp nhà nước: Minh bạch thông tin, đổi mới quản trị” diễn ra trước thềm cuộc gặp của Thủ tướng Chính phủ với các doanh nghiệp nhà nước, ông Phùng Văn Hùng, Ủy viên thường trực Ủy ban Kinh tế của Quốc hội cho rằng, cần thúc đẩy việc tách bạch chức năng quản lý vốn và quản lý hành chính tại các doanh nghiệp, chấm dứt tình trạng “vừa đá bóng, vừa thổi còi” ở các bộ.
Trên thực tế, chủ trương này đang bị thách thức về tính hiệu quả. Theo Quyết định số 1232/QĐ-Ttg ngày 17/8/2017 về danh mục thoái vốn nhà nước giai đoạn 2017 - 2020, Thủ tướng Chính phủ đã quyết định việc chuyển giao về SCIC để triển khai bán phần vốn Nhà nước tại 62 doanh nghiệp tại 6 bộ và 16 địa phương với tổng số vốn nhà nước là trên 11.200 tỷ đồng (chiếm 65,3% vốn điều lệ các doanh nghiệp thuộc diện chuyển giao).
Nhưng đến hết tháng 8/2018, SCIC mới tiếp nhận 27/62 doanh nghiệp theo danh sách chuyển giao với tổng vốn nhà nước là 960,01 tỷ đồng, trên tổng vốn điều lệ là 2.381,32 tỷ đồng.
Số doanh nghiệp chưa chuyển giao gồm 35 doanh nghiệp, với tổng vốn nhà nước là 10.107,01 tỷ đồng trên tổng vốn điều lệ là 14.706,13 tỷ đồng tại 4 bộ và 8 ủy ban nhân dân tỉnh.
“Quyết định của Thủ tướng Chính phủ đã ban hành, nhưng người ta không làm và không muốn làm. Trong khi đó, chế tài xử lý không có, không chuyển giao vốn theo quy định, không sao cả, nên cứ việc vô tư trì hoãn”, ông Phạm Đức Trung, Trưởng ban Cải cách doanh nghiệp, Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) nhận xét.
Tiến trình đổi mới doanh nghiệp nhà nước đã trải qua 20 năm, trong đó những mô hình mới như việc tập trung quản lý vốn nhà nước tại SCIC đã chứng minh là định hướng đúng đắn và có hiệu quả. Giới chuyên gia cho rằng, trong giai đoạn tới, những cách làm tốt, theo thông lệ hiện đại của thế giới cần phải tiếp tục được phát huy.