Dù ngành đường gặp rất nhiều khó khăn trong năm 2020, nhưng SBT vẫn có kết quả kinh doanh khả quan trong niên vụ 2019 - 2020 nhờ định hướng phát triển bền vững đề ra từ trước

Dù ngành đường gặp rất nhiều khó khăn trong năm 2020, nhưng SBT vẫn có kết quả kinh doanh khả quan trong niên vụ 2019 - 2020 nhờ định hướng phát triển bền vững đề ra từ trước

Quản trị tốt, cốt lõi cho tăng trưởng bền vững

0:00 / 0:00
0:00

(ĐTCK) Với một nền tảng quản trị tốt, xây dựng được giá trị nội lực tốt, nhiều doanh nghiệp đã vượt qua thách thức từ các cuộc khủng hoảng.

Vượt qua thách thức…

Niên độ 2019 - 2020, ngành đường Việt Nam đối mặt với những thách thức chưa từng có như ATIGA chính thức có hiệu lực từ ngày 1/1/2020 và đại dịch Covid-19. Tuy vậy, bà Huỳnh Bích Ngọc, Chủ tịch HĐQT TTC Sugar (SBT) cho rằng, gió yên biển lặng không tạo nên người thuỷ thủ giỏi. Trải qua một niên vụ đầy thử thách, sóng gió, SBT vẫn vững vàng với kết quả kinh doanh hợp nhất niên độ 2019 - 2020 vượt 18% so với kế hoạch đưa ra.

“Chúng tôi không chỉ đáp ứng nhu cầu tiêu thụ đường của thị trường, mà còn mang đến những sản phẩm giá trị khác từ cây mía. Đáp ứng nhiều hơn những nhu cầu của khách hàng là động lực mới để SBT duy trì sự phát triển bền vững”, bà Ngọc nói và cho rằng, đứng trước những nguy cơ của thị trường, SBT đã lựa chọn chuyển mình và thích ứng để phát triển. Công ty kiên định trên con đường hướng tới mục tiêu trở thành “Nhà cung cấp giải pháp sản phẩm nông nghiệp có nguồn gốc bền vững hàng đầu Đông Dương”.

Theo bà Ngọc, thành công này là kết quả từ định hướng đúng đắn và là động lực để SBT quyết tâm chuyển mình mạnh mẽ hơn theo chiến lược 5 năm 2021 - 2025.

Trong khi đó, với PNJ, trước đây được xây dựng trên nền tảng nội địa và sản xuất, nhưng từ năm 2018, có thêm được một tầng lớp mới liên quan đến năng lực quản trị, thực hành quản trị theo chuẩn mực quốc tế, giải quyết được các vấn đề liên quan phát triển nội lực. Có thêm năng lực mới, có thêm sự gắn kết năng lực của bộ máy mạnh hơn, đã mở đường cho PNJ thực hiện chiến lược vươn ra thị trường quốc tế.

Để thực hiện điều này, PNJ đã thuê công ty tư vấn nước ngoài đánh giá lại những gì Công ty đang có, như tiềm năng cơ sở vật chất, tiềm năng con người, kể cả đánh giá lại hệ thống quản trị sản xuất, kinh doanh để từ đó có thể xác định lại tầm vóc và vị thế của PNJ với vị trí số 1 trên thị trường Việt Nam và top đầu khu vực châu Á.

Theo lãnh đạo PNJ, trên cơ sở đó, Công ty đã thay đổi cơ cấu tổ chức, cũng như bộ máy điều hành để đáp ứng tiêu chuẩn quản trị quốc tế. Sau khi sắp xếp, đưa hệ thống quản trị mới vào áp dụng, PNJ đã tiết giảm được chi phí vận hành, đồng thời bảo đảm tăng tiền lương cho nhân viên. Bộ máy quản trị mới của PNJ tinh gọn và hiệu quả hơn, góp phần đảm bảo mục tiêu kiểm soát chi phí vận hành để tăng lợi nhuận.

Bà Cao Thị Ngọc Dung, Chủ tịch HĐQT PNJ cho hay, dịch Covid-19 giúp Công ty cơ hội nhìn lại chính mình và rèn luyện lại sự kiên cường cho đội ngũ. Theo bà Dung, Covid-19 là cuộc khủng hoảng y tế toàn cầu đã tác động đến mọi ngành nghề của nền kinh tế, tạo ra một cuộc chuyển đổi để thích ứng, đồng thời cũng tạo ra một phép thử, nơi doanh nghiệp có quản trị tốt sẽ trụ vững. Và PNJ đã đi qua bão Covid-19 bằng nghệ thuật quản trị doanh nghiệp bền vững, mà yếu tố cốt lõi là xây dựng giá trị văn hóa doanh nghiệp và tính kiên tâm của người lãnh đạo. Trong đó, giá trị văn hóa doanh nghiệp là yếu tố quan trọng, bởi đó là cái bên trong, tự thân doanh nghiệp vững vàng sẽ vượt qua được những tác động của yếu tố bên ngoài.

Khi Covid-19 xảy ra điều đó rất rõ ràng, văn hóa và con người là yếu tố cần nhìn đến đầu tiên, rồi mới đến các yếu tố khác. Con người ở đây có nhân sự, có khách hàng, có đối tác. Khẳng định vấn đề kiên tâm của nhà lãnh đạo, duy trì phát triển văn hóa doanh nghiệp là yếu tố quan trọng để phát triển bền vững doanh nghiệp.

…Từ giá trị nội lực

Bà Cao Thị Ngọc Dung cho biết, tại PNJ, việc phát triển bền vững được tiến hành đồng thời cả bên trong và bên ngoài doanh nghiệp. Căn cứ nội dung 17 mục tiêu phát triển bền vững của Liên Hợp quốc, PNJ đã nghiên cứu, lựa chọn trên cở sở đặc thù lĩnh vực hoạt động, bối cảnh kinh tế, xã hội Việt Nam, đồng thời tích hợp vào định hướng, các mục tiêu phát triển bền vững của công ty: Tăng trưởng kinh tế, phát triển xã hội, bảo vệ môi trường, phát triển nguồn nhân lực, xây dựng cộng đồng.

Theo PNJ, tất cả được hoạch định chiến lược lâu dài, có kế hoạch hành động cụ thể, đồng bộ và được đánh giá hiệu quả định kỳ để có thay đổi phù hợp với những thay đổi về bối cảnh và tốc độ phát triển từng thời kỳ. Với các mục tiêu lựa chọn, PNJ đã xây dựng chiến lược dài hạn và kế hoạch cụ thể: Tăng trưởng kép doanh thu bình quân (CAGR) 30%/năm; lợi nhuận trước thuế vượt mốc 1.000 tỷ đồng, mạng lưới bán lẻ gia tăng phủ sóng trên toàn quốc. Bên cạnh đó, PNJ còn phát triển thêm những năng lực cốt lõi của doanh nghiệp như quản trị sản xuất, cung cứng, marketing, quản trị rủi ro, quản trị chiến lược, quản trị mua hàng, quản trị chất lượng. Sự chuyển hóa mạng lưới phân phối của PNJ đã tạo bước ngoặt quan trọng khi cho ra đời mô hình hoàn toàn mới - PNJ Next, mang đến những trải nghiệm mới cho khách hàng.

Tương tự, SBT cũng đã mạnh dạn thay đổi, cải tiến chuẩn mực quản trị thông qua việc chủ động áp dụng các nguyên tắc của Bộ tiêu chuẩn quản trị quốc tế - Corporate Goverance của IFC và Thẻ điểm quản trị công ty của khu vực ASEAN - Asean Scorecard. Với sự tư vấn và đồng hành của IFC, SBT đã thực hiện cải thiện quản trị công ty và đạt được những bước tiến đáng kể.

Cụ thể, bên cạnh việc tuân thủ luật pháp và quy định hiện hành, quản trị công ty tại SBT còn được HĐQT từng bước tích hợp và áp dụng linh hoạt các chuẩn mực cao hơn yêu cầu tiêu chuẩn, các thông lệ tốt trên thị trường sao cho phù hợp với bối cảnh hoạt động tại Việt Nam, cũng như lĩnh vực kinh doanh mía đường.

Trong bối cảnh hội nhập, SBT đã chủ động mời các chuyên gia tư vấn của Deloitte, EY để cùng đồng hành trong quá trình quản trị công ty, xây dựng chiến lược, nhận diện rủi ro.

Bên cạnh việc chú trọng xây dựng hoạt động quản trị công ty, các tiêu chuẩn phi tài chính khác liên quan đến quản trị như chuẩn mực về công bố thông tin, các mục tiêu toàn cầu về phát triển bền vững theo Liên Hợp quốc đều được SBT hướng tới với mục tiêu đồng hành cùng phát triển cộng đồng xã hội, góp phần hoàn thành mục tiêu chung “Doanh nghiệp là trung tâm của mục tiêu phát triển bền vững, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia".

Những nỗ lực của SBT trong việc tích cực hoàn thiện năng lực quản trị công ty, hướng tới phát triển bền vững đã được các nhà đầu tư quốc tế đánh giá cao và lựa chọn rót vốn, như DEG năm 2019 và sắp tới là đợt phát hành trái phiếu chuyển đổi theo phương thức phát hành riêng lẻ với tổng giá trị lên đến 1.200 tỷ đồng.

Nói đến quản trị và phát triển bền vững trong lĩnh vực ngân hàng, HDBank là một trong những cái tên đáng chú ý. HDBank lựa chọn tiếp cận và phục vụ 8 triệu khách hàng trong hệ sinh thái xanh rộng lớn bao gồm ngân hàng - tài chính - bán lẻ - tiêu dùng - hàng không, với các sản phẩm, dịch vụ được thiết kế phù hợp với từng nhóm đối tượng, từng chuỗi giá trị, đáp ứng nhu cầu người dùng theo khu vực địa lý, đặc điểm ngành nghề, mức thu nhập.

Trong đó, mảng tín dụng xanh được HDBank xem là cơ hội để mở rộng kinh doanh và đóng góp trực tiếp cho sự phát triển kinh tế xã hội, đồng thời góp phần bảo vệ môi trường theo Chiến lược phát triển kinh tế xã hội; Chiến lược phát triển bền vững đáp ứng nhu cầu hôm nay nhưng đảm bảo cơ hội cho thế hệ mai sau.

Liên tục nhiều năm, HDBank đã triển khai các chương trình tín dụng xanh trị giá hàng chục nghìn tỷ đồng cho nông nghiệp, công nghệ cao, tài trợ hàng nghìn tỷ đồng cho các dự án điện mặt trời, điện áp mái… nhằm thúc đẩy chiến lược quốc gia về năng lượng sạch của Việt Nam. Ngân hàng này hiện đang dẫn đầu trong hệ thống tài chính Việt Nam về thúc đẩy tín dụng xanh và đây được xem là chiến lược quan trọng trong dài hạn.

Ngoài ra, HDBank cũng định hướng trở thành một trong những ngân hàng có hệ thống quản lý rủi ro hiện đại. Lãnh đạo HDBank cho biết, Ngân hàng tiếp tục hoàn thiện cơ cấu tổ chức, các công cụ quản lý rủi ro được rà soát, sửa đổi hướng đến các chuẩn mực quốc tế.

Theo đó, HDBank đã đáp ứng tiêu chuẩn những nguyên tắc quản trị rủi ro cao do Ngân hàng Nhà nước đưa ra nhằm đảm bảo hoạt động kinh doanh an toàn, hiệu quả, bền vững và minh bạch hơn. Cụ thể, HDBank đã áp dụng chuẩn Basel II về an toàn vốn sớm hơn thời hạn dự kiến. Với định hướng tăng trưởng mạnh mẽ và bền vững, quản trị rủi ro hiệu quả, nhiều năm qua, HDBank luôn duy trì chất lượng tài sản thuộc nhóm tốt nhất toàn ngành: ROA và ROE luôn ở mức cao; tỷ lệ nợ xấu riêng lẻ được kiểm soát ở mức chỉ 1%.

Tin bài liên quan