Rủi ro trong đầu tư chứng khoán
Đầu tư chứng khoán là một hình thức kinh doanh có rủi ro. Vì vậy, khi tham gia đầu tư trực tiếp vào thị trường chứng khoán cũng như khi đầu tư thông qua các quỹ, nhà đầu tư cần tìm hiểu trước và có chiến lược quản trị rủi ro phù hợp. Những loại rủi ro trong đầu tư chứng khoán bao gồm:
- Rủi ro hệ thống: hay còn gọi là rủi ro thị trường. Đây là rủi ro có thể ảnh hưởng đến toàn bộ thị trường.
- Rủi ro cụ thể hay còn gọi là rủi ro phi hệ thống, xảy ra ở từng trường hợp đầu tư riêng lẻ, ảnh hưởng cá biệt tới khoản đầu tư đó, không có tính chất bao trùm cả thị trường.
Quản trị rủi ro là gì?
Quản trị rủi ro là quá trình nhận dạng, phân tích, đo lường, đánh giá rủi ro, để từ đó tìm các biện pháp kiểm soát, khắc phục các hậu quả của rủi ro.
Rủi ro có thể xảy ra đối với danh mục đầu tư và tài khoản giao dịch bao gồm sự đảo chiều mạnh mẽ trong xu hướng, chênh lệch giá, sự kiện chính trị, sụp đổ thị trường, phá sản, rủi ro tiền tệ, báo cáo thu nhập, báo cáo của chính phủ, lạm phát và chính sách tiền tệ.
Nhà đầu tư cần có một quy trình quản trị rủi ro cho riêng mình nhằm xác định, điều chỉnh và quản lý tất cả các rủi ro tiềm ẩn mà tài khoản phải đối mặt để quy mô tổn thất được giảm thiểu ở mức tối đa.
Một số phương pháp trị rủi ro trong đầu tư chứng khoán
Xác định khẩu vị rủi ro
Rủi ro và lợi nhuận thường tỷ lệ thuận với nhau, nhà đầu tư chấp nhận rủi ro lớn khi đầu tư vào các công ty start up, cổ phiếu vốn hóa nhỏ nếu thành công thì lợi nhuận thu được sẽ lớn lớn. Việc xác định khẩu vị rủi ro của mỗi nhà đầu tư sẽ tác động tới quá trình lựa chọn cổ phiếu để đầu tư.
Nghiên cứu kỹ cổ phiếu trước khi đầu tư
Các nhà đầu tư thận trọng thường không thực hiện đầu tư mà không có nghiên cứu trước hoặc chứng minh về lý do tại sao cổ phiếu lại hấp dẫn để mua. Các nhà đầu tư có thể tham khảo các phương pháp đầu tư giá trị của Warren Buffett hoặc phương pháp lựa chọn cổ phiếu Canslim để tìm ra cổ phiếu tốt trước khi đầu tư.
Theo dõi sát sao các khoản đầu tư
Thị trường chứng khoán Việt Nam không chỉ chịu tác động từ các thông tin từ tình hình kinh tế vĩ mô mà còn bị ảnh hưởng bởi các tin tức từ kinh tế thế giới.
Thị trường tài chính và các công ty luôn thay đổi hàng ngày, hàng tuần, chính vì vậy việc cần theo dõi những biến động về hoạt động kinh doanh và thị trường.
Việc theo dõi các tin tức giúp nhà đầu tư đưa ra những điều chỉnh về danh mục đầu tư một cách kịp thời, tránh thua lỗ hay hưởng lợi từ các thông tin trên.
Đa dạng hóa danh mục
Đa dạng hóa danh mục giúp hạn chế tác động của một cổ phiếu lên toàn bộ danh mục.
Nếu một cổ phiếu chiếm 80% danh mục và cổ phiếu đó giảm 30% thì tổng tài sản của nhà đầu tư sẽ mất đi gần một phần tư và nhà đầu tư đó sẽ cần phải lãi 33% để bù đắp lại khoản lỗ 25% đó.
Tuy nhiên, nếu cổ phiếu đó chỉ chiếm 15% danh mục, khoản thua lỗ sẽ chỉ xấp xỉ 5% và đồng thời các cổ phiếu khác có thể sinh lời làm giảm tác động thực tế của cổ phiếu này lên danh mục đầu tư.
Đa dạng hóa danh mục không có nghĩa là loại bỏ hoàn toàn rủi ro, thay vào đó, đa dạng hóa giúp giảm thiểu một phần rủi ro cá biệt của từng cổ phiếu và đưa danh mục về mức rủi ro tương đương với rủi ro hệ thống.
Đầu tư có kỷ luật
Đưa ra quyết định theo các nguyên tắc đặt ra trước giúp nhà đầu tư hạn chế được các khoản thua lỗ lớn và giúp có một định hướng rõ ràng trong đầu tư.
Khi lựa chọn mua cổ phiếu dựa trên các tiêu chí kỹ thuật, nhà đầu tư cũng nên bán đi các cổ phiếu hoặc hạ tỷ trọng khi các tiêu chí đó bị vi phạm thay vì chần chừ hành động và ngồi đợi các cổ phiếu đó quay trở lại mức giá vốn, bởi trên thực tế nhiều cổ phiếu không thể quay trở về mức giá ban đầu hoặc cũng mất nhiều năm để trở về.
Việc bán ra khi các khoản thua lỗ còn nhỏ giúp bảo toàn vốn để tìm kiếm các cơ hội khác.