Theo ông, tầm quan trọng và lợi ích của việc thiết lập hệ thống QTRR đối với CTCK là như thế nào?
Bản chất hoạt động của các CTCK gắn liền với việc QTRR. Tất cả nguyên tắc hoạt động và các quy trình tác nghiệp của một CTCK đều bao gồm các bước kiểm soát rủi ro như: rủi ro thị trường, rủi ro thanh toán, rủi ro thanh khoản, rủi ro hoạt động và rủi ro tác động dây chuyền… Hệ thống hóa các nguyên tắc và hoạt động QTRR, ngoài việc giúp CTCK hoạt động hiệu quả hơn, còn là yếu tố quan trọng tạo ra lợi thế cạnh tranh cho CTCK. Từ bên trong DN, hệ thống QTRR giúp cụ thể hóa các định mức về rủi ro; quy định rõ trách nhiệm về rủi ro và cơ chế báo cáo rõ ràng, kịp thời cho tất cả các quyết định kinh doanh. NĐT sẽ có cơ sở để đánh giá mức độ tin cậy, chất lượng sản phẩm dịch vụ thông qua việc xem xét tổ chức và hoạt động của hệ thống QTRR tại CTCK.
Hệ thống QTRR tại các CTCK cần phải đảm bảo các yêu cầu quan trọng nào, thưa ông?
Yếu tố quan trọng nhất trong QTRR là liên kết được một cách hiệu quả hoạt động này giữa các khâu, phòng ban và các cấp. Có thể chia làm các tầng như: tầng tác nghiệp; tầng chức năng kiểm soát, quản lý rủi ro và tuân thủ; tầng lãnh đạo…
Tối thiểu, hệ thống QTRR phải cho phép CTCK trả lời được các câu hỏi quan trọng. Về chính sách và chiến lược, những rủi ro mà DN đang chấp nhận có liên quan ra sao đến mục tiêu chiến lược? Các rủi ro này ảnh hưởng gì đến lợi thế cạnh tranh của công ty? Về mức độ chấp nhận rủi ro, giới hạn và định mức: mức độ rủi ro có hợp lý so với lợi nhuận mang lại? Hiện văn hóa của công ty thúc đẩy, hay hạn chế việc chấp nhận rủi ro? Về tổ chức trách nhiệm và quy trình QTRR: quy trình QTRR có được phối hợp và thực hiện nhất quán trong toàn bộ DN? Mọi người có hiểu nhất quán về các rủi ro trọng yếu của công ty? Quy trình QTRR có dựa trên hiệu quả về chi phí? Hệ thống QTRR cần phải đảm bảo cụ thể hóa các định mức và các thước đo rủi ro; quy định rõ trách nhiệm về rủi ro và cơ chế báo cáo rõ ràng với quy định chi tiết về tần suất và thời gian.
Thực tế, việc thiết lập hệ thống QTRR do các CTCK đang triển khai khá tốn kém. Theo ông, có cách nào giúp CTCK tiết kiệm chi phí?
Cần đánh giá hiệu quả kinh tế của QTRR với tầm nhìn dài hạn, chứ không nên chỉ nhìn vào chi phí tức thời. Bài toán chi phí được đưa ra theo hai giai đoạn: xây dựng hệ thống và vận hành hệ thống. Việc xây dựng hệ thống chuẩn sẽ giúp tiết kiệm chi phí vận hành. CTCK dù có ý định tự tổ chức hay thuê ngoài các dịch vụ tư vấn QTRR đều nên xem xét các yếu tố chính:
Về con người, CTCK có cán bộ chuyên trách để nhận chuyển giao kiến thức và truyền đạt lại các kiến thức này trong nội bộ?
Yếu tố kiến thức, những người cần được ưu tiên trang bị trước hết là các thành viên HĐQT.
Quy trình tác nghiệp, rủi ro luôn đi với kiểm soát. Một hệ thống kiểm soát nội bộ tốt sẽ giúp cải thiện hiệu quả kinh tế của hoạt động QTRR.
Về công cụ: hiện có những công cụ (phần mềm) công nghệ thông tin có thể hỗ trợ CTCK trong việc phân tích định lượng và mô hình hóa các loại rủi ro mang tính tài chính, cũng như trong thực thi cơ chế báo cáo. Nên xem xét rõ nhu cầu (tương xứng với quy mô hoạt động của CTCK) trước khi quyết định đầu tư mua các công cụ này.
QTRR là một trong các chức năng về quản lý rủi ro, kiểm soát và tuân thủ của DN. CTCK nên rà soát lại phạm vi trách nhiệm của từng chức năng, bộ phận. Việc quy định rõ điều này sẽ giúp tiết kiệm đáng kể các chi phí kiểm soát trong DN. Việc rà soát các chức năng này cũng có thể mang lại đáp án cho vấn đề kiêm nhiệm trong điều kiện giới hạn về nhân sự.
Theo kinh nghiệm của ông, thường CTCK phải mất bao lâu để xây dựng hoàn chỉnh hệ thống QTRR?
Không có chuẩn về thời gian do các ràng buộc về con người, kiến thức, quy trình và công cụ như đã nêu. Trung bình, CTCK có thể cần khoảng 3 tháng để bổ sung kiến thức nội bộ, xây dựng các thước đo về rủi ro. Việc quyết định khả năng chấp nhận rủi ro, các định mức cũng có thể mất thời gian cho HĐQT và tiểu ban QTRR. CTCK sẽ cần khoảng 6 tháng để hoàn chỉnh xây dựng điều lệ QTRR, các quy trình thủ tục và biểu mẫu báo cáo, có thể tiến hành làm đánh giá rủi ro lần đầu. Việc xây dựng các chỉ số về rủi ro (KRIs) sau đó có thể được xúc tiến. Khung thời gian này đòi hỏi sự hiện diện của cán bộ chuyên trách về QTRR và sự cam kết thực hiện của HĐQT và ban giám đốc.
Tìm hiểu của ĐTCK tại các CTCK cho thấy, đang có sự “không cân sức” giữa các CTCK trong thiết lập hệ thống QTRR theo quy định của Bộ Tài chính và Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCK). Trong khi các CTCK lớn, có tiềm lực tài chính, công nghệ mạnh, hoạt động có lãi đang chi tiền tỷ cho thiết lập hệ thống QTRR, thì các CTCK nhỏ đang “toát mồ hôi” tìm cách đáp ứng các yêu cầu của UBCK về thiết lập hệ thống QTRR. Tổng giám đốc một CTCK có vốn điều lệ gần 150 tỷ đồng cho biết, Công ty khá lúng túng trong triển khai hệ thống QTRR. Lý do là để làm việc này theo đúng quy định, Công ty phải bỏ tiền ra thuê tư vấn, tuyển nhân sự, chứ không thể làm theo kiểu nghiệp dư như lâu nay, trong khi kinh phí đang rất eo hẹp.
Không chỉ các CTCK nhỏ đang đau đầu với bài toán chi phí, mà ngay cả các CTCK lớn cũng đang phải co kéo chi tiêu, để dành ra một khoản chi phí không nhỏ để thuê tư vấn, mua công nghệ và tuyển dụng đội ngũ chuyên trách cho bộ phận QTRR. Điều này đang gia tăng sức ép lên các CTCK trong bối cảnh kinh doanh khó khăn.
Ý kiến của các CTCK còn cho thấy, một số nội dung còn chung chung tại Quyết định 105/2013 về hướng dẫn việc thiết lập và vận hành hệ thống quản trị rủi ro cho CTCK, cũng khiến CTCK gặp khó trong triển khai hệ thống QTRR. Đơn cử như quy định buộc CTCK phải tính hạn mức rủi ro cho cả công ty, cho các bộ phận nghiệp vụ kinh doanh và cá nhân tham gia vào các giao dịch chịu rủi ro…, nhưng không hề có những quy định mang tính gợi mở cách thức xác định hạn mức rủi ro, khiến CTCK không thể tự làm, mà phải bỏ tiền ra thuê tư vấn với chi phí đắt đỏ. |