Nói về tầm quan trọng của dữ liệu, TS. Nguyễn Xuân Hoài, Giám đốc Học viện AI Việt Nam đưa AI (trí tuệ nhân tạo) làm dẫn chứng. Theo ông Hoài, AI đang hiện hữu ở mọi ngóc ngách của cuộc sống và được ví như một loại “dầu mỏ” mới, có thể thay đổi chiến lược kinh doanh, đường hướng phát triển của một doanh nghiệp. Nhưng để làm được điều này, AI phải có dữ liệu, đặc biệt là dữ liệu chất lượng.
"Trong cạnh tranh, doanh nghiệp nào có nhiều dữ liệu chất lượng hơn thì doanh nghiệp đó sẽ chiếm lợi thế", ông Hoài nhấn mạnh. Đồng quan điểm, ông Lâm Quang Nam, Chủ tịch HĐQT CTCP Giải pháp quản lý SSG cho rằng, nếu như việc lên kế hoạch và thực hiện một dự án về áp dụng các ứng dụng quản lý trong doanh nghiệp thường đòi hỏi một quá trình dài và khó khăn như quá trình thai nghén và sinh ra một đứa trẻ, thì các dự án về công nghệ mới như AI, Big Data (dữ liệu lớn), Blockchain (công nghệ chuỗi khối)... còn hơn cả vậy.
Theo ông Nam, không như những đứa trẻ bình thường, đứa trẻ "công nghệ mới" mang theo nhiều điều mà chúng ta còn chưa biết nên cần được nuôi dưỡng trong thời gian dài hơn, trước khi biết kết quả sẽ ra sao. Mặc dù không thể chắc chắn về mọi thứ, nhưng có một yếu tố bắt buộc khi doanh nghiệp quyết định đầu tư áp dụng các công nghệ mới, đó là chất lượng dữ liệu.
"Dữ liệu cũng như nguồn thức ăn cho những đứa trẻ này, nếu chất lượng tốt sẽ đảm bảo cho chúng phát triển tốt", ông Nam nhấn mạnh.
Quản trị dữ liệu được xem là một lĩnh vực mới ở châu Á cũng như Việt Nam. Một trong thách thức là làm sao để các doanh nghiệp hiểu được tầm quan trọng của việc quản trị dữ liệu trong sự phát triển của doanh nghiệp.
Ông Pierre Bonnet, Giám đốc vận hành Orchestra Networks, Giám đốc điều hành Orchestra Networks Việt Nam - 1 trong 3 công ty trên thế giới có cung cấp giải pháp quản trị dữ liệu MDM (Master Data Management) cho rằng, dữ liệu phát triển nhanh đến mức chúng ta đang phải “vật lộn” để theo sát được quá trình đó. Khi nhà quản lý quản lý được dữ liệu cũng đồng nghĩa quản lý được doanh nghiệp của mình.
Theo đại diện Orchestra Networks, quy luật về sự minh bạch, khả năng tìm nguồn gốc và cách quản trị dữ liệu phù hợp là điều kiện tiên quyết cho thành công trong thực hiện các quy định vận hành của doanh nghiệp.
"Trong thời đại công nghệ thông tin bùng nổ và thế giới phẳng, năng lực doanh nghiệp sẽ không chỉ được đánh giá qua doanh thu, lợi nhuận, nhân sự hay khách hàng, mà còn là dữ liệu. Có thể nói, dữ liệu là một trong những tài sản quan trọng nhất của doanh nghiệp. Sự thịnh vượng của một doanh nghiệp phụ thuộc vào khả năng quản lý thông tin như một tài sản thực thụ", vị này nhấn mạnh.
Bà Tyna Giang Huỳnh, CEO Biophap - một doanh nghiệp chuyên về nông nghiệp hữu cơ cho biết, Biophap xây dựng chuỗi giá trị cho thực phẩm hữu cơ từ trồng trọt, chế biến đến phân phối sản phẩm cả trong và ngoài nước.
Mỗi công đoạn đòi hỏi phải tuân thủ nghiêm ngặt quy trình và nguyên tắc sản xuất hữu cơ quốc tế để đảm bảo chất lượng dinh dưỡng của từng sản phẩm khi giao đến tay người tiêu dùng.
Vì thế, Biophap đã áp dụng giải pháp quản lý dữ liệu từ trang trại đến tay người tiêu dùng, giúp khách hàng có thể dễ dàng tiếp cận thông tin về sản phẩm."Ứng dụng EBX của Orchestra Networks có thể kết nối và tích hợp với các phần mềm quản lý sẵn có của Biophap, giúp cho các bộ phận trong Công ty và các đối tác trong chuỗi có thể cùng chia sẻ kinh nghiệm.
Nông nghiệp hữu cơ là lĩnh vực có nhiều yếu tố khó lường trước, việc áp dụng công nghệ MDM có thể giúp Biophap quản lý dữ liệu hiệu quả, tăng khả năng cạnh tranh, giảm thiểu rủi ro thông qua tính toán theo thời gian thực và mở rộng kinh doanh dễ dàng", bà Tyna Giang Huỳnh nói.
Theo các chuyên gia công nghệ, hạn chế của doanh nghiệp trong ứng dụng công nghiệp 4.0 hiện nay đó là khó khăn trong quản lý dữ liệu bởi chưa có giải pháp để kết nối dữ liệu với dữ liệu, dữ liệu với con người, cách phân biệt dữ liệu thật hay giả...
Đây là vấn đề cần được các cơ quan quản lý, doanh nghiệp... chú trọng và có giải pháp xử lý hiệu quả. Lựa chọn quản trị dữ liệu một cách thông minh, phù hợp với định hướng sẽ đảm bảo cho sự ổn định và hữu ích của hệ thống, hay nói cách khác là đảm bảo cho sự phát triển lành mạnh của doanh nghiệp.