Quản trị “dòng máu” thời đại dịch

Quản trị “dòng máu” thời đại dịch

(ĐTCK) Đại dịch Covid -19 đang đặt ra thách thức lớn với doanh nghiệp trong quản trị dòng tiền, vốn được coi như dòng máu trong cơ thể con người.

Dịch Covid-19 với tốc độ lây lan nhanh chóng và mức độ nguy hiểm đã ảnh hưởng nghiêm trọng tới nền kinh tế toàn cầu từ đầu năm 2020 tới nay.

Tại Trung Quốc, theo kết quả khảo sát của Trường Ðại học Nhân dân Thanh Hoa và Trường Ðại học Bắc Kinh, có khoảng 85% doanh nghiệp vừa và nhỏ sẽ mất thanh khoản trong vòng 3 tháng tới nếu dịch bệnh không được kiểm soát.

Trước tình hình đó, Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc đã công bố cung cấp gói vay ưu đãi trị giá 42 tỷ USD để hỗ trợ cho các doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh.

Tại Việt Nam, theo ước tính của Ngân hàng Nhà nước, có khoảng 2 triệu tỷ đồng dư nợ tín dụng sẽ bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19.

Một lượng lớn doanh nghiệp bắt buộc phải thu hẹp phạm vi hoặc tạm dừng hoạt động kinh doanh hoặc chuỗi cung ứng bị ảnh hưởng nghiêm trọng bởi các sắc lệnh phong tỏa của nhiều quốc gia.

Nguyễn Ðức Nghĩa, Giảng viên Khoa Kế toán Kiểm toán - Trường Ðại học Ngoại Thương Hà Nội, Chủ tịch Ủy ban Kiểm toán - Công ty Bảo hiểm Việt Nam Campuchia.

Những doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực du lịch, khách sạn, giải trí, vận chuyển sẽ gặp khó khăn về dòng tiền trong ngắn hạn.

Trong khi đó, những doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực bán lẻ, hàng tiêu dùng sẽ bị tác động dài hạn hơn, đặc biệt với những doanh nghiệp có hoạt động xuất nhập khẩu với các quốc gia bị ảnh hưởng lớn bởi đại dịch.

Ðiều này đặt ra một thử thách lớn cho các doanh nghiệp trong việc quản trị dòng tiền, đặc biệt với những doanh nghiệp có quỹ dự trữ tiền mặt thấp hoặc luồng tiền từ hoạt động kinh doanh không ổn định.

Theo Khoa Quản trị và kinh doanh, Viện Kế toán Công chứng Anh và xứ Wales (ICAEW), doanh nghiệp cần thực hiện một số hoạt động để quản trị dòng tiền hiệu quả trong thời dịch bệnh.

Ðó là, tăng cường quản trị dòng tiền ra - vào doanh nghiệp; xin tư vấn từ các chuyên gia tài chính, hiệp hội nghề nghiệp; tiếp cận với những nguồn vốn hỗ trợ của chính phủ, các định chế tài chính, ngân hàng; cập nhật dự báo dòng tiền thường xuyên.

Ðồng thời, ICAEW cung cấp một danh mục công việc cần thiết để tăng cường hiệu quả quản trị tài chính thời dịch Covid.

Tái cơ cấu hệ thống doanh nghiệp: Công việc này đòi hỏi doanh nghiệp phải tái cấu trúc hệ thống theo hướng tinh gọn và tối giản để giảm tối đa tác động của dịch bệnh đến dòng tiền.

Quản trị thay đổi hiệu quả và áp dụng công nghệ thông tin là yếu tố tiên quyết để quá trình tái cấu trúc hệ thống đạt hiệu quả.

Quản trị dòng tiền và thanh khoản liên tục: Doanh nghiệp cần xây dựng mô hình tài chính phù hợp, xây dựng các kịch bản khác nhau và cập nhật dự báo dòng tiền ngay khi có những thông tin mới của dịch bệnh ảnh hưởng đến doanh nghiệp.

Thông tin dự báo này cần được truyền tải nhanh chóng, xuyên suốt doanh nghiệp để có những hành động ứng phó kịp thời, phù hợp với tình hình thực tế.

Quản trị vốn lưu động và tài chính ngắn hạn: Doanh nghiệp cần chủ động tiếp cận các nguồn tài chính ngắn hạn từ ngân hàng, Chính phủ để có thể duy trì hoạt động khi cần thiết.

Bên cạnh đó, doanh nghiệp cần xây dựng phương án quản lý vốn lưu động phù hợp trong thời kỳ dịch bệnh để đảm bảo luồng tiền duy trì hoạt động như giảm giá bán đề kích cầu, tăng cường thu hồi nợ (đặc biệt các khoản phải thu quá hạn), điều chỉnh chính sách tín dụng, tăng chiết khấu thanh toán, chủ động trao đổi với các nhà cung cấp về những khó khăn của doanh nghiệp trong giai đoạn này, tận dụng tối đa chính sách tín dụng từ các nhà cung cấp…

Quản trị tài chính trung và dài hạn: Chủ động trao đổi tình hình tài chính với các cổ đông để đưa ra phương hướng giải quyết như giảm tỷ lệ chi trả cổ tức, huy động vốn góp của chủ sở hữu, tăng tỷ lệ đòn bẩy…

Quản trị rủi ro: Doanh nghiệp cần đánh giá lại toàn diện các rủi ro doanh nghiệp cần phải đối mặt trong thời kỳ này, xác định lại khẩu vị rủi ro và xây dựng chiến lược ứng phó tương ứng.

Kiểm soát tài chính: Bên cạnh việc tái cấu trúc tinh gọn hệ thống, doanh nghiệp cần rà soát lại quy trình kiểm soát tài chính tại đơn vị.

Ðối với những nhóm chi phí chiếm tỷ trọng lớn, doanh nghiệp cần cân nhắc bổ sung các chốt kiểm soát (ví dụ như giảm hạn mức duyệt chi tương ứng từng cấp, bổ sung thêm chốt kiểm soát duyệt chi…) nhằm đảm bảo giảm tối đa các khoản chi không cần thiết hoặc lãng phí.

Quản trị chiến lược, kế hoạch và ngân sách: Doanh nghiệp cần rà soát tính phù hợp của chiến lược trung và dài hạn trong giai đoạn này như cắt giảm kế hoạch mở rộng (nếu cần thiết), tiếp cận với những cơ hội mới (như việc áp dụng các công cụ, dịch vụ trực tuyến vào các hoạt động của đơn vị), đa dạng hóa chuỗi cung ứng (như đa dạng hóa sản phẩm, kênh phân phối, tập khách hàng mục tiêu…).

Mô hình tài chính cần được rà soát để đảm bảo đủ linh hoạt phản ánh các thay đổi thị trường. Theo đó, ngân sách cũng cần được cập nhật tương ứng, rà soát kỹ lưỡng và truyền tải nhanh chóng, xuyên suốt doanh nghiệp để đảm bảo việc vận hành đồng bộ.

Những bài học được đúc kết từ những sự kiện “Thiên nga đen” trước đó như Brexit (2016), phá giá đồng Nhân dân tệ (2015), thảm họa hạt nhân Fukushima (2011), vụ khủng bố ngày 11/9 (2011) tại Mỹ… vẫn có giá trị lớn trong thời kỳ dịch Covid-19.

Theo đó, doanh nghiệp cần xây dựng khung quản trị rủi ro chuỗi cung ứng, quản trị chuỗi cung ứng là thử thách lớn trong thời kỳ này.

Một mắt xích quan trọng trong chuỗi cung ứng gặp vấn đề có thể ảnh hưởng lớn đến hoạt động của toàn bộ các doanh nghiệp trong chuỗi. Việc này đòi hỏi doanh nghiệp phải đánh giá rủi ro toàn diện đối với tất cả các thành phần tham gia chuỗi cung ứng và phối hợp chặt chẽ để có phương án ứng phó tối ưu.

Bên cạnh đó, doanh nghiệp cần rà soát lại cấu trúc chi phí của doanh nghiệp để đảm bảo phù hợp trong giai đoạn này, bao gồm các phương án giảm định mức biến phí hoặc chuyển định phí thành biến phí.

Ví dụ, giảm định mức lương, thuê máy móc thiết bị thay vì sở hữu… Các phương án này có thể không được ưu tiên nhưng cần thiết để quản trị dòng tiền nếu dịch bệnh kéo dài.

Trong tình huống kinh doanh bình thường, các doanh nghiệp thông thường quan tâm hơn đến lợi nhuận. Tuy nhiên, trong những giai đoạn khủng hoảng, việc quản trị vốn lưu động phải được ưu tiên.

Các doanh nghiệp cần chuyển hướng sự tập trung từ báo cáo kết quả hoạt động kinh doanh sang bảng cân đối kế toán, đặc biệt là các khoản mục vốn lưu động (bao gồm phải thu khách hàng, phải trả nhà cung cấp và hàng tồn kho).

Doanh nghiệp cũng cần xây dựng văn hóa tư duy tài chính trong doanh nghiệp, đặc biệt đối với những cán bộ quản lý tầm trung.

Thông thường, những cán bộ quản lý tầm trung có xu hướng chỉ quan tâm đến các vấn đề vận hành hàng ngày như thiếu hụt hàng tồn kho, nguyên liệu sản xuất, các kênh vận chuyển bị gián đoạn, các kênh phân phối bị cắt giảm… mà chưa quan tâm đến các vấn đề tài chính, nguồn vốn của doanh nghiệp.

Do đó, việc đào tạo và xây dựng văn hóa tư duy tài chính xuyên suốt doanh nghiệp là việc làm quan trọng trong các thời kỳ khủng hoảng để mọi người đều nhận thức sự ảnh hưởng và đồng lòng hỗ trợ doanh nghiệp vượt qua giai đoạn khó khăn.

Trong thời kỳ dịch Covid-19, mỗi doanh nghiệp sẽ có những bài toán quản trị tài chính cần phải giải quyết khác nhau để tối ưu được dòng tiền.

Tuy nhiên, để tối ưu được dòng tiền, không chỉ cần tập trung vào tình hình hoạt động trước mắt như mức hàng tồn kho, mức tiền mặt… mà cần nhìn vào tổng thể hệ sinh thái và chuỗi cung ứng giá trị của doanh nghiệp.

Những nỗ lực giảm hàng tồn kho bằng mọi cách có thể không mang lại nhiều lợi ích, mà còn gây ra những rủi ro lớn cho chuỗi cung ứng khi doanh nghiệp cố gắng chuyển gánh nặng tài chính sang khách hàng và nhà cung cấp.   

Những nỗ lực giảm hàng tồn kho bằng mọi cách có thể không mang lại nhiều lợi ích mà còn gây ra những rủi ro lớn cho chuỗi cung ứng khi doanh nghiệp cố gắng chuyển gánh nặng tài chính sang khách hàng và nhà cung cấp.

Tình huống tương tự có thể cũng xảy ra đối với các hoạt động và khoản mục khác trên báo cáo tài chính.

Thậm chí, nếu nhà cung cấp quan trọng nhất trong chuỗi cung ứng của doanh nghiệp gặp khó khăn nghiêm trọng về tài chính, doanh nghiệp có thể cần phải cân nhắc các phương án hỗ trợ (như góp vốn, sáp nhập, cho vay…) để đảm bảo an toàn cho chuỗi cung ứng, đặc biệt với những trường hợp chưa có phương án thay thế.

Tin bài liên quan