Rối ren ở nhiều doanh nghiệp
Từ tháng 8/2022, cổ đông của Công ty cổ phần Tư vấn xây dựng công nghiệp và đô thị Việt Nam (mã CCV) gần như không thể giao dịch cổ phiếu do công ty này bị Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội (HNX) hạn chế, chỉ được giao dịch vào thứ Sáu.
Nguyên nhân của tình trạng này là Công ty chưa có phương án tổ chức đại hội cổ đông thường niên 2022 và cũng chưa công bố thông tin về hoạt động quan trọng này.
CCV có 51% vốn của Tổng công ty Tư vấn xây dựng Việt Nam (VNCC) nhưng quản trị doanh nghiệp gặp nhiều vấn đề, mâu thuẫn giữa Hội đồng quản trị, Ban điều hành... kéo dài.
Năm 2021, mãi tới cuối tháng 11, Công ty mới tổ chức được đại hội cổ đông thường niên. Cuộc họp diễn ra từ 9h đến tận 22h ngày 21/11/2021. Từ ý kiến của các cổ đông tại cuộc họp cho thấy nội bộ doanh nghiệp rối ren.
Ông Nguyễn Văn Bằng, Ủy viên Hội đồng quản trị dẫn chứng, các báo cáo tài chính của Công ty được Ban điều hành trình thẳng lên công ty mẹ VNCC mà không thông qua Hội đồng quản trị CCV; lương của Tổng giám đốc và các lãnh đạo cao trong khi lương của nhân viên rất thấp, Hội đồng quản trị yêu cầu cấp số liệu báo cáo tài chính để điều chỉnh quỹ lương nhưng Ban điều hành không cấp.
Gần hết 8 tháng năm 2022, đến nay, CCV vẫn chưa tổ chức được đại hội cổ đông thường niên năm 2022 với lý do chưa thống nhất được các nội dung đại hội.
Cùng với quản trị doanh nghiệp yếu kém, hoạt động sản xuất - kinh doanh của CCV có dấu hiệu tuột dốc khi năm 2019 đạt lợi nhuận trước thuế 16,4 tỷ đồng, năm 2020 đạt 13,9 tỷ đồng (trên vốn điều lệ 18 tỷ đồng), đến năm 2021 ước đạt 8,4 tỷ đồng (đến nay Công ty chưa có báo cáo tài chính 2021).
Ở Công ty cổ phần Tư vấn công nghệ, thiết bị và kiểm định xây dựng (Coninco, mã CNN), doanh nghiệp có gần 20% vốn của VNCC, cổ đông phản ánh nhiều vấn đề liên quan đến quản trị doanh nghiệp như quy trình bầu Chủ tịch Hội đồng quản trị và Tổng giám đốc Công ty có những điểm không tuân thủ Luật Doanh nghiệp.
Chẳng hạn, tại đại hội cổ đông thường niên 2022 diễn ra ngày 29/4/2022, biên bản kiểm phiếu bầu Hội đồng quản trị được lập lúc 10h. Ông Nguyễn Văn Công, (Chủ tịch Hội đồng quản trị Coninco hiện nay - PV) triệu tập cuộc họp Hội đồng quản trị thứ nhất nhiệm kỳ 2022 – 2027 vào 10h45 phút để bầu Chủ tịch Hội đồng quản trị, phiên họp diễn ra chóng vánh và kết thúc vào 10h50 phút. Sau đó, biên bản họp đại hội cổ đông thường niên 2022 của Coninco mới được thông qua lúc 11h.
Cuộc họp đại hội cổ đông chưa kết thúc, nghị quyết đại hội chưa thông qua mà cuộc họp Hội đồng quản trị lần thứ nhất đã kết thúc, khiến nhiều cổ đông đặt câu hỏi vậy việc “bầu bán” này có tuân thủ quy định pháp luật?
Quy trình bầu Chủ tịch Hội đồng quản trị và Tổng giám đốc Coninco không tuân thủ Luật Doanh nghiệp.
Theo luật sư Hoàng Trọng Điểm, Đoàn luật sư Hà Nội, căn cứ vào khoản 2, Điều 150, và khoản 1, Điều 152, Luật Doanh nghiệp thì biên bản đại hội cổ đông phải được thông qua trước khi kết thúc cuộc họp; và nghị quyết đại hội cổ đông có hiệu lực kể từ ngày được thông qua hoặc có hiệu lực kể từ ngày được ghi trên nghị quyết đó. Như vậy, thành viên Hội đồng quản trị chính thức được công nhận kể từ thời điểm biên bản và/hoặc Nghị quyết đại hội cổ đông được thông qua. Quy trình bầu Chủ tịch Hội đồng quản trị ở Coninco, căn cứ vào các quy định trên là vi phạm Luật Doanh nghiệp.
Tương tự là quy trình triệu tập họp Hội đồng quản trị ở Coninco. Ngày 29/4, ông Nguyễn Văn Công ký văn bản triệu tập cuộc họp Hội đồng quản trị lần thứ hai vào ngày 4/5/2022 để bầu chức danh tổng giám đốc. Trong khi, tại khoản 42, Điều 29, Điều lệ của Coninco quy định “thời gian thông báo triệu tập họp Hội đồng quản trị trước ít nhất 3 ngày làm việc so với thời gian cuộc họp dự kiến diễn ra”.
Tại khoản 6, Điều 157 Luật Doanh nghiệp 2020 cũng quy định: “Chủ tịch Hội đồng quản trị hoặc người triệu tập họp Hội đồng quản trị phải gửi thông báo mời họp chậm nhất là 3 ngày làm việc trước ngày họp nếu Điều lệ công ty không có quy định khác”.
Từ ngày 29/4 đến ngày 4/5, thời điểm được chỉ định ngày họp bầu Tổng giám đốc Coninco có tới 4 ngày nghỉ, trong đó có 2 ngày nghỉ thứ Bảy và Chủ Nhật, 2 ngày nghỉ bù lễ 30/4 và 1/5.
Nhận xét về quy trình triệu tập cuộc họp Hội đồng quản trị lần thứ 2 của Coninco, luật sư Điểm cho rằng vi phạm Điều lệ và Luật Doanh nghiệp.
Những sự “tùy tiện” như trên, theo nhận xét của ông Tô Hồng Sơn, nhà đầu tư có hơn 20 năm kinh nghiệm trên thị trường chứng khoán, một phần đến từ sự buông lỏng của cổ đông nhà nước, là cổ đông lớn ở doanh nghiệp. Câu chuyện rối ren ở các công ty có vốn của VNCC là ví dụ.
Ông Sơn là nhà đầu tư chủ động, tích cực đưa ra nhiều góp ý với các hành vi vi phạm về quản trị công ty ở nhiều doanh nghiệp có vốn nhà nước mà ông mua cổ phần.
Chẳng hạn, ở Tổng công ty Phong Phú - CTCP (mã PPH), công ty mẹ từng quyết định việc sáp nhập công ty con là Công ty cổ phần Dệt gia dụng Phong Phú, tỷ lệ hoán đổi cổ phần là 1:1, trong khi Dệt Gia dụng Phong Phú hoạt động kinh doanh hiệu quả hơn, thu nhập trên mỗi cổ phần (EPS) trong năm trước sáp nhập cao gấp đôi EPS của PPH. Hay PPH từng xóa khoản dự phòng giảm giá đầu tư tài chính khoảng 230 tỷ đồng trong báo cáo tài chính năm tự lập...
Tại Công ty cổ phần Thủy điện Cần Đơn (mã SJD), nhiều cổ đông cá nhân vẫn ấm ức về việc doanh nghiệp bị cổ đông lớn là Tổng công ty Sông Đà - CTCP giữ hàng trăm tỷ đồng tiền bán điện cho Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN). Theo hợp đồng giữa SJD và Sông Đà, sau khi nhận được tiền điện từ EVN thì trong vòng 10 ngày, Sông Đà sẽ thanh toán cho SJD. Hiện tại, Sông Đà sở hữu 50,96% vốn điều lệ SJD và nhận trách nhiệm thu tiền bán điện cho EVN thay cho SJD.
Theo báo cáo tài chính hợp nhất của SJD, tính tới ngày 30/6/2022, Sông Đà còn nợ SJD 797 tỷ đồng. Số nợ này chưa bao gồm tiền lãi mà Tổng công ty Sông Đà phải thanh toán cho SJD vì chậm thanh toán.
Cần cải thiện để tốt hơn
Theo TS. Phạm Tường Vân, Viện Chiến lược và chính sách tài chính, quản trị công ty ở các doanh nghiệp có vốn nhà nước cần được chú trọng hơn để góp phần nâng cao kết quả hoạt động kinh doanh của các doanh nghiệp, gia tăng giá trị tài sản Nhà nước tại doanh nghiệp.
TS. Vũ Đình Ánh, chuyên gia kinh tế cũng cho rằng, để cải thiện quản trị công ty tại các doanh nghiệp này, trước mắt, cần sử dụng Luật Kiểm toán Nhà nước, bởi theo quy định, đối tượng kiểm toán nhà nước là việc quản lý, sử dụng tài chính công, tài sản công và các hoạt động có liên quan đến việc quản lý, sử dụng tài chính công, tài sản công. Doanh nghiệp dù chỉ có 2-3% vốn nhà nước vẫn là đối tượng được kiểm toán nhà nước vì đang quản lý, sử dụng tài chính công, tài sản công.
Hàng năm, hoặc định kỳ, Kiểm toán Nhà nước có trách nhiệm đánh giá và xác nhận tính đúng đắn, trung thực của các thông tin tài chính công, tài sản công, hoặc báo cáo tài chính liên quan đến quản lý, sử dụng tài chính công, tài sản công; việc chấp hành pháp luật và hiệu quả của doanh nghiệp.
“Tài chính công, tài sản công, dù chỉ là một đồng cũng phải giám sát, kiểm soát chặt chẽ, bởi đây là tài sản, là mồ hôi, công sức của người dân, để thất thoát là có tội với dân. Tăng cường thanh tra, kiểm tra, giám sát, kiểm toán, nhưng không gây phiền hà, không làm ảnh hưởng đến hoạt động bình thường của doanh nghiệp, không gây khó dễ cho doanh nghiệp, sẽ tăng cường tính tuân thủ pháp luật ở các doanh nghiệp”, ông Ánh nêu quan điểm.
Tại cuộc họp tháng 8 của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ đã đề xuất bổ sung dự án Luật Quản lý, sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất - kinh doanh tại doanh nghiệp (sửa đổi) vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2023.
Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long cho biết, Chính phủ đề nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, đưa dự án luật này vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2023, trình Quốc hội cho ý kiến tại kỳ họp thứ 5 (tháng 5/2023), thông qua tại kỳ họp thứ 6 (tháng 10/2023).
Có 4 chính sách lớn được xem xét sửa đổi, bao gồm: đầu tư vốn Nhà nước vào doanh nghiệp; cơ cấu lại vốn Nhà nước tại doanh nghiệp; quản lý vốn Nhà nước đầu tư tại doanh nghiệp; quyền, trách nhiệm của đại diện chủ sở hữu vốn nhà nước tại doanh nghiệp.