Nhiều DNNN sau cổ phần hóa đã có những bước chuyển mình rõ rệt như Vinamilk, REE, Coteccons…

Nhiều DNNN sau cổ phần hóa đã có những bước chuyển mình rõ rệt như Vinamilk, REE, Coteccons…

Quản trị doanh nghiệp sau cổ phần hóa: Cần thay đổi lớn

(ĐTCK) Đối với các DNNN sau cổ phần hóa, do có sự thay đổi hình thức sở hữu và quản lý, từ một doanh nghiệp được điều hành theo sự chỉ đạo của Nhà nước chuyển sang hình thức đa sở hữu và có sự tham gia của các thành phần kinh tế tư nhân, nước ngoài, nên hoạt động quản trị công ty phải có những thay đổi lớn để đáp ứng.

Khó khăn của doanh nghiệp sau cổ phần hóa

Thứ nhất, với các doanh nghiệp vẫn còn vốn nhà nước, sau cổ phần hóa, Nhà nước thực thi vai trò tại doanh nghiệp với tư cách cổ đông thông qua người đại diện vốn. Quyền và nghĩa vụ của Nhà nước tương ứng với số cổ phần mà Nhà nước nắm giữ và thông qua đó thực hiện quyền biểu quyết của cổ đông. Tuy nhiên, không ít doanh nghiệp sau cổ phần hóa vẫn có tình trạng Nhà nước (đại diện bởi các tổng công ty) thực hiện chỉ đạo hoạt động doanh nghiệp thông qua các văn bản hành chính như trước đây.

Thứ hai, hầu hết DNNN sau cổ phần hóa giữ nguyên bộ máy lãnh đạo cũ, sự tham gia điều hành của các thành phần khác rất hạn chế. Nếu ban lãnh đạo này vẫn nhận thức việc điều hành giống như DNNN thì về bản chất, quản trị công ty không có gì khác so với DNNN. Ngoài ra, nhiều trường hợp ban lãnh đạo công ty đồng thời được cử làm người đại diện phần vốn nhà nước.

Điều này dẫn đến tình trạng “vừa đá bóng, vừa thổi còi”, thiếu cơ chế giám sát đối với Ban giám đốc từ Hội đồng quản trị và cổ đông. Trong những trường hợp này, ban lãnh đạo ít quan tâm đến quyền lợi của cổ đông bên ngoài, không lắng nghe ý kiến của cổ đông, mà vẫn điều hành hoạt động như một DNNN.

Thứ ba, các DNNN sau khi cổ phần hóa thường xảy ra tình trạng phân biệt đối xử giữa cổ đông nhà nước và cổ đông khác. Trong một số đợt phát hành cổ phần của các công ty cổ phần mà Nhà nước chiếm tỷ lệ chi phối, giá phát hành cho cổ đông nhà nước thấp hơn so với giá phát hành cho các cổ đông khác.

Thứ tư, có tình trạng bất cân xứng thông tin hoặc thiếu minh bạch, thậm chí doanh nghiệp vẫn thực hiện cơ chế báo cáo cho đơn vị đại diện sở hữu giống như khi là DNNN. Các đại diện sở hữu nhà nước (tổng công ty, người đại diện vốn) có quyền tiếp cận thông tin ưu tiên so với các cổ đông thiểu số. Điều này hạn chế khả năng của các nhóm cổ đông khác thực thi các quyền của cổ đông và hạn chế việc kiểm tra, giám sát về quản trị doanh nghiệp đối với ban điều hành.

Thứ năm, người đại diện vốn nhà nước có những hạn chế nhất định. Thông thường, người đại diện vốn nhà nước được cử từ các cơ quan nhà nước. Tiêu chí đánh giá hiệu quả làm việc của người đại diện vốn tại các doanh nghiệp sau cổ phần hóa không có. Do đó, lợi ích, khen thưởng của người đại diện vốn trong nhiều trường hợp không gắn liền với hiệu quả kinh doanh của doanh nghiệp, mà phụ thuộc vào cơ quan chủ quản. Việc này dẫn đến tình trạng người đại điện vốn không hiểu hết tình hình kinh doanh của doanh nghiệp, sợ trách nhiệm nên không dám đưa ra quyết định, hoặc đưa ra quyết định rất chậm, ảnh hưởng đến chiến lược kinh doanh của doanh nghiệp.

Thứ sáu, một số trường hợp doanh nghiệp cổ phần hóa có vốn nhỏ, ban lãnh đạo công ty hơn ai hết là người hiểu về hoạt động kinh doanh của công ty đã hạn chế cung cấp thông tin, điều chỉnh lợi nhuận nhằm mục đích mua thâu tóm công ty từ Nhà nước, hoặc các cổ đông khác với giá rẻ. 

Những tiến bộ đáng ghi nhận

Bên cạnh một số khó khăn, hạn chế nêu trên, thực tế cũng cho thấy, nhiều DNNN sau cổ phần hóa đã có những bước chuyển mình rõ rệt như Vinamilk, REE, Coteccons…, trở thành những công ty hàng đầu tại Việt Nam. Sự thành công của các công ty này cho thấy vai trò của người lãnh đạo với tư duy đổi mới, nhạy bén, quyết liệt và quan trong hơn hết là khả năng cân bằng lợi ích giữa các nhóm cổ đông, tận dụng được các nguồn lực tài chính, cũng như sự ủng hộ của cổ đông để tập trung cho sự phát triển của doanh nghiệp.

Các DNNN sau cổ phần hóa đang niêm yết trên TTCK có sự phát triển bền vững có thể kể đến NTP, BMP, VNM, REE, VNM, CTD… Điểm chung của các công ty này là Nhà nước không còn nắm giữ cổ phần chi phối (dưới 51%), ban lãnh đạo có một tỷ lệ sở hữu cổ phần tương đối lớn ở công ty và có sự tham gia của nhiều thành phần cổ đông, đặc biệt là các quỹ đầu tư nước ngoài.

Việc tham gia của các nhà đầu tư nước ngoài mặc dù không trực tiếp điều hành công ty, nhưng có tác dụng tốt, gây sức ép lên ban điều hành trong việc định hướng chiến lược, áp dụng các thông lệ tốt về quản trị công ty và minh bạch thông tin, đối xử bình đẳng với các cổ đông.

Trong giai đoạn đầu khi mới chuyển từ DNNN sang công ty cổ phần, sức ép từ cổ đông chính là nhân tố chính buộc ban lãnh đạo phải chuyển đổi mô hình quản lý cho phù hợp. Vai trò của các nhà đầu tư nước ngoài trong giai đoạn đầu cổ phần hóa là khá quan trọng khi các cổ đông trong nước chưa hoàn toàn ý thức được quyền của cổ đông, chưa có kinh nghiệm và đủ kiến thức để yêu cầu ban lãnh đạo công ty phải thực hiện các quyền của cổ đông.

Đối với khối doanh nghiệp mà Nhà nước vẫn nắm giữ cổ phần lớn như các công ty thuộc “họ” dầu khí: PVD, PVS, DPM, GAS…; các doanh nghiệp thuộc Tập đoàn Hóa chất Việt Nam: DRC, PAC, LIX…; các doanh nghiệp thuộc Tập đoàn Điện lực Việt Nam: PPC, TBC…, hoạt động kinh doanh sau cổ phần hóa cũng có những cải thiện rõ rệt.

Tuy nhiên, do Nhà nước vẫn còn giữ cổ phần chi phối nên việc quản trị doanh nghiệp còn mang dáng dấp nhà nước, phần nào phụ thuộc vào sự chỉ đạo của tổng công ty, chưa hoàn toàn chủ động và linh hoạt theo cơ chế thị trường. Về mặt quản trị doanh nghiệp, đâu đó vẫn có những quyết định phụ thuộc vào ý chí của cổ đông lớn (Nhà nước), chứ chưa hoàn toàn đảm bảo được lợi ích bình đẳng và thông tin minh bạch giữa các cổ đông. 

Khuyến nghị

Quản trị công ty là một hệ thống các luật lệ, quy trình, thông lệ mà thông qua đó, công ty được định hướng và kiểm soát. Quản trị công ty là đảm bảo cân đối hài hòa giữa các nhóm lợi ích trong công ty, bao gồm cổ đông, ban điều hành, ngân hàng, khách hàng, nhà cung cấp, chính phủ và cộng đồng.

Đối với các DNNN sau cổ phần hóa, do có sự thay đổi hình thức sở hữu và quản lý, từ một doanh nghiệp được điều hành theo sự chỉ đạo của Nhà nước chuyển sang hình thức đa sở hữu và có sự tham gia của các thành phần kinh tế tư nhân, nước ngoài, nên hoạt động quản trị công ty phải có những thay đổi lớn để đáp ứng.

Từ thực trạng hoạt động quản trị tại các doanh nghiệp sau cổ phần hóa nêu trên, để nâng cao hiệu quả hoạt động này, chúng tôi có một số khuyến nghị sau:

Thứ nhất, Nhà nước nên giảm tỷ lệ sở hữu tại các doanh nghiệp. Khuyến khích nhiều thành phần kinh tế mua cổ phần và tham gia vào hội đồng quản trị, ban kiểm soát. Cổ đông, người có lợi ích sát sườn sẽ là người giám sát tốt nhất đối với ban lãnh đạo công ty trong việc quản trị doanh nghiệp.

Thứ hai, khi chuyển đổi mô hình sang công ty cổ phần, cần có những khóa tập huấn cơ bản đối với ban lãnh đạo công ty về quyền cổ đông, mô hình hoạt động công ty cổ phần và thông lệ quản trị công ty tốt.

Thứ ba, xây dựng cơ chế khen thưởng để gắn bó lợi ích của người lao động với công ty. Khuyến khích ban lãnh đạo có cổ phần trong công ty thông qua các chương trình ESOP.

Thứ tư, đại diện vốn nhà nước cần có chỉ số đánh giá hiệu quả (KPI), gắn liền với hiệu quả hoạt động kinh doanh của công ty và công tác quản trị công ty. Cổ đông nhà nước phải nắm rõ được điều hành của doanh nghiệp sau cổ phần hóa là việc thực hiện quyền cổ đông theo Luật Doanh nghiệp, tuyệt đối bỏ tình trạng điều hành theo mệnh lệnh hành chính.

Thứ năm, hệ thống pháp luật doanh nghiệp cần tăng cường các quy định bảo vệ cổ đông thiểu số, có các chế tài xử phạt đối với các hành vi vi phạm quyền của cổ đông đối với ban điều hành. Nên trao thêm quyền cho Ủy ban Chứng khoán Nhà nước trong việc thi hành luật.

Tin bài liên quan