Theo số liệu mới nhất được Bộ Lao động Mỹ công bố ngày 11/1/2024, trong tháng 12/2023, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tại quốc gia này tăng 3,4% so với cùng kỳ và tăng 0,3% so với tháng 11. Lạm phát của Mỹ tăng tốc ngay khi các quan chức Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) dự báo áp lực giá cả đang hạ nhiệt. CPI lõi tháng 12/2023 tăng 3,9% so với cùng kỳ và tăng 0,3% so với tháng liền trước. Con số này cao hơn so với dự báo tăng 3,8% và 0,3% từ các chuyên gia kinh tế.
Thông tin trên đáng chú ý bởi CPI cao hơn dự báo khiến kỳ vọng vào việc Fed có thêm cơ sở để thực hiện kế hoạch giảm lãi suất năm 2024 không còn như trước. CPI là mục tiêu mà Fed muốn kiểm soát trong suốt thời gian qua. Việc CPI tăng trở lại sẽ tác động lên quyết định của Fed.
Tuy nhiên, xu hướng dài hạn của CPI vẫn là giảm. Trong bài phát biểu tháng trước, Chủ tịch Fed Jerome Powell nói rằng, lạm phát sẽ còn lâu mới về mức 2%, nhưng Fed vẫn đưa ra kịch bản giảm lãi suất trong năm 2024. Do đó, thông tin về CPI Mỹ tháng 12/2023 được nhận định không ảnh hưởng nhiều đến chính sách của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam trong thời gian tới.
VN-Index đã bứt phá khỏi vùng đi ngang 1.080 - 1.130 điểm |
Hiện dòng tiền trên thị trường là yếu tố cần đặc biệt quan tâm, vì ở giai đoạn thiếu thông tin hỗ trợ như hiện nay, dòng tiền tốt sẽ giúp thị trường bền vững hơn. Các yếu tố cụ thể mà nhà đầu tư cần quan tâm là hoạt động tín dụng, giao dịch ký quỹ (margin) và động thái mua bán của khối ngoại. Bên cạnh đó, kết quả kinh doanh quý IV và cả năm 2023 của doanh nghiệp là những thông tin có ảnh hưởng lớn đến từng nhóm ngành và các cổ phiếu riêng lẻ. Sau nhịp thị trường điều chỉnh mạnh vào tháng 9/2023, nhà đầu tư thận trọng hơn, nên kết quả kinh doanh cuối mỗi quý sẽ là câu chuyện giúp định hướng dòng tiền tốt hơn.
Thực tế, chứng khoán thường đi trước kinh tế từ 3 - 6 tháng, hay nói cách khác, chứng khoán chạm đáy trước khi kết quả kinh doanh của doanh nghiệp chạm đáy từ 3 - 6 tháng. Đến nay, nhà đầu tư nào cũng thấy nền kinh tế vừa bước qua 2 năm khó khăn. Kết quả kinh doanh của phần lớn các doanh nghiệp suy giảm cùng với chu kỳ của nền kinh tế trong nửa cuối năm 2022 và nửa đầu năm 2023. Với kết quả chạm đáy vào nửa đầu năm 2023 và dần phục hồi trong các quý tiếp theo, có thể nhìn nhận thời kỳ khó khăn nhất của các doanh nghiệp đã qua.
Năm 2024, với nền tảng hỗ trợ vĩ mô vững chắc hơn và các chính sách hỗ trợ thẩm thấu vào nền kinh tế, nhu cầu trên toàn cầu cũng như nội địa phục hồi, kết quả kinh doanh sẽ tăng trưởng tốt so với nền so sánh thấp của năm 2023, từ đó gỡ bỏ thêm nhiều khó khăn cho doanh nghiệp và mở ra các động lực thúc đẩy cơ hội đầu tư cho thị trường chứng khoán. Khi kinh tế bắt đầu trở lại giai đoạn hồi phục thì chứng khoán sẽ bước vào xu hướng tăng.
Tuần qua củng cố thêm dữ liệu về việc dòng tiền chảy mạnh vào nhóm ngân hàng. Trong cơ cấu VN-Index, ngành ngân hàng chiếm 31% giá trị vốn hóa thị trường, do ngành này đóng vai trò cốt lõi trong nền kinh tế Việt Nam và các cổ phiếu ngân hàng thường có quy mô vốn hóa thị trường lớn.
Đồ thị tuần giai đoạn 2020 - 2022 cho thấy sự tương quan giữa nhóm ngân hàng và VN-Index. Gần đây, nhóm ngân hàng có diễn biến rất đáng chú ý khi tăng mạnh từ ngày 2/1/2024. Diễn biến đó xảy ra cùng lúc với việc thị trường chung bứt phá khỏi vùng đi ngang 1.080 - 1.130 điểm để chinh phục đỉnh cao mới. Nếu đà tăng của nhóm cổ phiếu ngân hàng không đi kèm với thanh khoản cải thiện thì rất dễ xảy ra hiện tượng “xanh vỏ, đỏ lòng”, làm chỉ số kéo xanh nhưng không mang tính bền vững. Dù vậy, gần đây VN-Index có sự cải thiện về dòng tiền, thể hiện rõ nhất ở việc khối lượng giao dịch tăng lên, phần nào giải tỏa yếu tố lo ngại về thanh khoản. Ngoài ra, dòng tiền vẫn lan tỏa ở nhóm cổ phiếu khác như chứng khoán, bất động sản, thép, đầu tư công…