Quản trị công ty tốt gắn với nâng hạng thị trường
Tại Diễn đàn “Vì một mùa đại hội cổ đông đổi mới và hiệu quả” tổ chức cuối tuần qua, ông Dominic Screven, Chủ tịch Hội đồng quản trị Tập đoàn Dragon Capital, Phó chủ tịch Hội đồng quản trị Viện Thành viên Hội đồng quản trị Việt Nam (VIOD) chia sẻ, nâng cao năng lực quản trị công ty là chặng hành trình có điểm khởi đầu nhưng không có điểm kết thúc, bởi các quy định pháp lý ngày càng được hoàn thiện và các thông lệ quản trị tốt cũng không ngừng nâng cấp.
Theo đó, các doanh nghiệp cần có cam kết và chiến lược hành động trong việc nâng cao công tác quản trị doanh nghiệp, gắn với các yêu cầu mới như yếu tố ESG (môi trường, xã hội, quản trị), các thông lệ quốc tế và xu hướng mới. Điều này cũng góp phần trợ giúp hiện thực hóa hiệu quả của nâng hạng thị trường chứng khoán Việt Nam.
Năm 2024 là năm đầu tiên thực hiện Chiến lược phát triển thị trường chứng khoán đến năm 2030, trong đó nâng hạng thị trường là chủ trương đã được Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo quyết liệt và Bộ Tài chính cùng các bộ, ngành có liên quan đang tập trung triển khai.
Với nỗ lực chung của Ủy ban Chứng khoán Nhà nước cùng các bộ, ngành có liên quan, Việt Nam đã có nhiều cải thiện và đạt được nhiều tiêu chí quan trọng theo đánh giá của các tổ chức xếp hạng quốc tế và định chế tài chính quốc tế lớn. Tuy nhiên, để nâng hạng thị trường chứng khoán, trước mắt cần tập trung cải thiện hai nhóm vấn đề trọng yếu là yêu cầu ký quỹ trước giao dịch (prefunding) và giới hạn sở hữu nước ngoài.
Theo bà Vũ Thị Chân Phương, Chủ tịch Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, bên cạnh hai yếu tố kỹ thuật trên, việc nâng hạng thị trường chứng khoán còn phụ thuộc vào trải nghiệm thực tế của nhà đầu tư nước ngoài khi tham gia thị trường. Nói cách khác, mục tiêu này chỉ có thể thực hiện được khi nhận được sự chung sức của các đơn vị tư vấn và cộng đồng doanh nghiệp niêm yết tại Việt Nam. Bản thân các doanh nghiệp trên thị trường chứng khoán cần có cam kết và kế hoạch hành động để nâng cao công tác quản trị công ty gắn với ESG phù hợp với thông lệ quốc tế và xu hướng trong khu vực, cũng như công bố thông tin minh bạch, chất lượng, và có báo cáo bằng tiếng Anh.
Bên cạnh đó, việc từng doanh nghiệp tự nâng cao năng lực quản trị công ty, định hướng rõ chiến lược ESG không chỉ giúp tăng niềm tin của doanh nghiệp trong mắt nhà đầu tư, mà còn góp phần trợ giúp nâng hạng thị trường một cách đồng bộ. Điều này cũng đồng thời góp phần nâng cao điểm số/xếp hạng của Việt Nam trong chương trình đánh giá về quản trị công ty trong khu vực ASEAN (Thẻ điểm quản trị công ty ASEAN, gọi tắt là ACGS, 2 năm đánh giá một lần).
Cùng chung quan điểm, ông Phan Lê Thành Long, Tổng giám đốc VIOD cho biết, trong khuôn khổ ACGS 10 năm qua, chất lượng quản trị công ty Việt Nam tăng từ thấp lên trung bình trong những năm gần đây, nhưng vẫn đang đứng ở mức thấp và kém xa so với nhiều nước ASEAN khác.
Năm nay, chương trình ACGS sẽ được tiến hành với việc đánh giá kết quả thực hiện năm 2023 và mùa đại hội đồng cổ đông 2024. Đáng chú ý, năm 2024, VIOD và các viện thành viên hội đồng quản trị khu vực ASEAN sẽ đánh giá quản trị công ty theo tiêu chí mới được sửa đổi để phán ánh xu hướng quản trị công ty toàn cầu, có hiệu lực từ tháng 10/2023.
Quan sát từ thẻ điểm quản trị công ty ASEAN, quản trị công ty Việt Nam so với khu vực có nhiều vấn đề cần cải thiện. Trong đó, yếu tố “quyền cổ đông” và “đối xử công bằng giữa các cổ đông” gần tiệm cận mặt bằng chung trong khu vực do đã được quy định trong văn bản pháp luật. Yếu tố “vai trò các bên hữu quan đối với quản trị công ty” được cập nhật và thay đổi theo các nguyên tắc mới kể từ năm 2023. “Công bố thông tin và minh bạch” có thể tiệm cận khu vực nếu cải thiện chất lượng công bố thông tin. “Trách nhiệm của hội đồng quản trị” là thách thức thực sự và cần quyết tâm lớn hơn để cải thiện.
Dựa vào thực tế này, có một số trọng tâm quản trị cần cải thiện trong chương trình đánh giá ACGS năm nay.
Với yếu tố công bố thông tin và minh bạch, cần nâng cao chất lượng công bố thông tin, công bố các thông tin quan trọng bao gồm thù lao của từng thành viên hội đồng quản trị, mức chi phí trả cho các dịch vụ, đặc biệt là công bố thông tin bằng tiếng Anh. Theo khảo sát của Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, hiện chỉ có 10% công ty niêm yết công bố thông tin báo cáo bằng tiếng Anh.
Ông Phan Lê Thành Long cho hay, tại mỗi kỳ đánh giá ACGS, 100 doanh nghiệp tại mỗi quốc gia tham dự sẽ được lựa chọn để chấm điểm. Tuy nhiên, do tình trạng công bố thông tin bằng tiếng Anh còn hạn hẹp, Việt Nam chỉ có thể lựa chọn 87 doanh nghiệp tham gia chấm điểm. Chưa kể, khoảng cách về thực hành quản trị và công bố thông tin của các doanh nghiệp rất lớn, vậy nên điểm trung bình bị kéo xuống thấp.
Với yếu tố đảm bảo trách nhiệm của hội đồng quản trị, trọng tâm cần cải thiện là tỷ lệ của thành viên hội đồng quản trị độc lập, bộ quy tắc ứng xử, đạo đức, đào tạo phát triển năng lực thành viên hội đồng quản trị và kế nhiệm, thành lập các uỷ ban chuyên trách.
Một điểm mới với chương trình ACGS năm nay là việc tích hợp phát triển bền vững trong quản trị công ty. Trong đó, cần thành lập cấu trúc quản trị công ty gắn với ESG, biến đổi khí hậu và các vấn đề ESG trọng yếu, báo cáo ESG theo khung chuẩn mực quốc tế; lượng hoá các mục tiêu ESG, đo lường đánh giá và công bố chỉ số thực hiện mục tiêu ESG.
Khởi động từ mùa đại hội cổ đông 2024
Nâng cao năng lực quản trị công ty là chặng hành trình có điểm khởi đầu nhưng không có điểm kết thúc.
Xét riêng việc tổ chức đại hội đồng cổ đông thường niên, không ít doanh nghiệp Việt Nam vẫn chưa thực hiện đầy các yêu cầu tuân thủ quy định pháp lý, chưa nói tới việc thực hành theo thông lệ quản trị tốt.
Cụ thể, trong số 511 doanh nghiệp niêm yết trong Cuộc bình chọn Doanh nghiệp niêm yết (VLCA), có 71% tổ chức đại hội cổ đông trong vòng 4 tháng kể từ ngày kết thúc năm tài chính theo quy định và 29% không tổ chức đại hội đúng thời gian.
Nhiều quy định đang được các doanh nghiệp tuân thủ ở mức thấp. Chẳng hạn, chỉ 15% số doanh nghiệp trong VLCA 2023 có tài liệu họp đại hội cổ đông cung cấp đầy đủ thông tin về các ứng viên mới cho hội đồng quản trị và ban kiểm soát (nếu có) tối thiểu 10 ngày trước ngày khai mạc đại hội; chỉ 8% biên bản/tài liệu đại hội cổ đông có nội dung chủ toạ đại hội tóm lược tình hình thực hiện nghị quyết đại hội cổ đông năm trước, báo cáo các nội dung đã được thông qua tại các nghị quyết đại hội cổ đông trước đó mà chưa thực hiện được tại kỳ họp thường niên gần nhất.
Trên phương diện đáp ứng các thông lệ tốt, số lượng doanh nghiệp thực hành theo các tiêu chí thực hành tốt còn thấp hơn. Chỉ có 3% doanh nghiệp niêm yết trong VLCA 2023 có tổ chức đại hội cổ đông theo phương thức kết hợp trực tiếp và trực tuyến, đồng thời duy trì hồ sơ theo dõi các câu hỏi/nhận xét của cổ đông từ xa thông qua các kênh trực tuyến; 12% công ty có tạo điều kiện cho cổ đông đóng góp ý kiến bên ngoài khuôn khổ các kỳ đại hội cổ đông (các hội nghị nhà đầu tư, các chương trình gặp gỡ…); 14% biên bản đại hội cổ đông có công bố danh sách thành viên hội đồng quản trị, ban kiểm soát, tổng giám đốc tham dự; 16% công ty có thành lập bộ phận quan hệ nhà đầu tư (IR) và có công bố chi tiết thông tin liên lạc của bộ phận phụ trách IR.
“Để đại hội đồng cổ đông có thể phát huy hết vai trò, hội đồng quản trị và doanh nghiệp cần vượt lên trên sự tuân thủ, không nên chỉ dừng lại ở việc tổ chức đúng số lượng, đúng thời điểm, mà còn cần chuyển từ góc nhìn từ định lượng sang định tính, tập trung vào mong muốn của các cổ đông và nhà đầu tư”, ông Long nhấn mạnh.
Theo đó, ngay từ kỳ đại hội cổ đông 2024 đang bắt đầu, các doanh nghiệp có thể tập trung cải thiện một số điểm như tổ chức họp kết hợp trực tuyến và trực tiếp, tạo điều kiện cho các cổ đông có thể tham gia và nắm bắt thông tin từ đại hội; duy trì hồ sơ câu hỏi/nhận xét trực tuyến; thư mời cổ đông đóng góp ý kiến trước đại hội; cung cấp thông tin ứng viên mới; tóm lược tình hình nghị quyết năm trước; thiết lập bộ phận IR và công bố thông tin liên lạc.