Ông A là đại diện theo pháp luật của NĐT tổ chức và được ĐHCĐ Công ty bầu vào HĐQT. Thời điểm ông A được bầu vào HĐQT là sau khi hợp đồng thương mại được ký kết. Trong vai trò thành viên HĐQT, ông A tích cực tham vấn cho các hoạt động kinh doanh của Công ty.
Trong quá trình thực hiện hợp đồng thương mại, NĐT tổ chức và Công ty phát sinh một số mâu thuẫn và tranh chấp. Lúc này, ông A, với tư cách là đại diện pháp luật của tổ chức này đã cùng Công ty đàm phán để đưa ra hướng giải pháp tranh chấp. Tuy nhiên, các bên vẫn không dàn xếp được. Sau đó, Chủ tịch HĐQT Công ty triệu tập cuộc họp HĐQT với nội dung tìm phương án giải quyết tranh chấp thương mại nói trên, mà không mời ông A.
HĐQT đã thông qua Nghị quyết trình ĐHCĐ miễn nhiệm tư cách thành viên HĐQT của ông A với lý do mâu thuẫn lợi ích (trên cơ sở lập luận ông A là đại diện cho tổ chức hiện là bên có quyền lợi đối lập với Công ty trong vụ tranh chấp thương mại). Bất ngờ trước quyết định này, ông A đã gửi văn bản với tư cách là thành viên HĐQT của Công ty, phản đối nghị quyết nêu trên, nhưng HĐQT không có văn bản trả lời cho ông A. Việc miễn nhiệm ngay sau đó được ĐHCĐ của Công ty thông qua bằng hình thức lấy ý kiến bằng văn bản.
Nhiều ý kiến cho rằng, việc miễn nhiệm nói trên đã vi phạm một số quy định của Luật Doanh nghiệp năm 2005. Trước hết, thành viên HĐQT chỉ có thể bị miễn nhiệm trong một số trường hợp theo luật định (khoản 1 Điều 115 Luật Doanh nghiệp 2005) hoặc theo quyết định của ĐHCĐ tại bất cứ thời điểm nào (khoản 2 Điều 115 Luật Doanh nghiệp 2005).
Nếu căn cứ vào khoản 1 Điều 115 Luật Doanh nghiệp thì “mâu thuẫn lợi ích” không phải là cơ sở cho việc miễn nhiệm thành viên HĐQT. Tuy nhiên, cũng cần xem xét Điều lệ của Công ty có điều khoản quy định về việc “mâu thuẫn lợi ích” là căn cứ miễn nhiệm thành viên HĐQT hay không. Mặc dù vậy, việc chiếu đến “mâu thuẫn lợi ích” có sự nhầm lẫn giữa các tư cách pháp lý của ông A.
Ông A cùng lúc giữ vị trí đại diện theo pháp luật của tổ chức nói trên và thành viên HĐQT Công ty, nhưng trong vai trò là đại diện theo pháp luật, ông A có trách nhiệm quản lý và điều hành hoạt động của tổ chức này; còn với tư cách là thành viên HĐQT của Công ty, được ĐHCĐ biểu quyết bầu vào HĐQT, ông A đại diện cho quyền lợi của tất cả các cổ đông, có nhiệm vụ định hướng và phát triển hoạt động kinh doanh của Công ty, chứ không nhân danh bất cứ tổ chức nào (kể cả tổ chức mà ông A là đại diện theo pháp luật). Do vậy, Công ty cho rằng, ông A là đại diện cho NĐT tổ chức trong HĐQT và có mâu thuẫn lợi ích với Công ty là không đúng.
Nếu Công ty căn cứ vào khoản 2 Điều 115 Luật Doanh nghiệp để miễn nhiệm ông A theo quyết định của ĐHCĐ thì theo khoản 2 Điều 104 Luật Doanh nghiệp 2005, Công ty phải tiến hành triệu tập cuộc họp ĐHCĐ và việc miễn nhiệm phải được thông qua bằng hình thức biểu quyết tại cuộc họp. Nhưng cũng cần xem xét lại Điều lệ của Công ty trong trường hợp có quy định về việc miễn nhiệm, bãi nhiệm thành viên HĐQT có thể được thông qua bằng hình thức lấy ý kiến bằng văn bản của ĐHCĐ hay không.
Như vậy, nếu Điều lệ Công ty không có quy định khác với Luật Doanh nghiệp, thì việc HĐQT Công ty thông qua Nghị quyết để lấy ý kiến bằng văn bản của ĐHCĐ miễn nhiệm tư cách thành viên HĐQT trên cơ sở mâu thuẫn lợi ích và bằng hình thức lấy ý kiến chấp thuận bằng văn bản của ĐHCĐ là trái với quy định của Luật Doanh nghiệp 2005.
“Nguy cơ xung đột lợi ích không phải là cơ sở hợp lý để đề nghị miễn nhiệm”
TS. Nguyễn Thu Hiền, Giám đốc Chương trình Cao học Quản trị kinh doanh Maastricht MBA, Đại học Bách khoa TP. HCM, chuyên gia quản trị công ty Việt Nam
Việc tránh mời ông A sẽ cho phép các quyết định được khách quan hơn. Quy định không cho phép các thành viên có xung đột lợi ích được bỏ phiếu biểu quyết trong các vấn đề này được nêu rõ trong Thông tư 121/2012/TT-BTC - Điều 23, khoản 5. Ngoài ra, theo thông lệ quốc tế trong khu vực ASEAN, ở một số nước (Malaysia, Thái Lan, Philippines) còn quy định các thành viên HĐQT có quyền lợi liên quan không được có mặt trong các cuộc họp của HĐQT thảo luận và biểu quyết về các giao dịch có xung đột lợi ích.
Tuy nhiên, quy trình bãi nhiệm vai trò thành viên HĐQT đối với ông A thông qua Nghị quyết HĐQT là không đúng với quy định của Luật Doanh nghiệp 2005. Quy trình bãi nhiệm thành viên HĐQT thuộc về cổ đông, thông qua tổ chức biểu quyết tại cuộc họp ĐHCĐ (Điều 104.2.d Luật Doanh nghiệp). Do vậy, tôi đồng ý với quan điểm trên rằng, việc bãi nhiệm thành viên HĐQT đối với ông A là trái với quy định của Luật Doanh nghiệp 2005. Tư cách thành viên HĐQT của ông A cần được phục hồi. Việc xem xét tư cách thành viên HĐQT đối với ông A cần được cân nhắc kỹ. Nguy cơ xung đột lợi ích không phải là cơ sở hợp lý để đề nghị miễn nhiệm ông A. Luật pháp có quy định rõ về cách thức xây dựng các cơ chế ngăn ngừa xung đột lợi ích trong các giao dịch với các bên có quyền lợi liên quan. Ngoài ra, luật pháp cũng quy định các chế tài (Nghị định 85/2010/NĐ-CP hoặc Nghị định 108/2013/NĐ-CP thay thế Nghị định 85) để phạt các hành vi vi phạm hành chính. Trong trường hợp này, chưa có bằng chứng là ông A vi phạm các quy định về quản trị công ty dẫn đến xung đột lợi ích và gây thiệt hại cho Công ty, cổ đông. |
Trường hợp 3: Xung đột lợi ích trong giao dịch với bên liên quan