Vào thời kỳ hoàng kim của ngành bất động sản, công ty A có góp vốn bằng tiền mặt và mảnh đất nhà máy với một doanh nghiệp bất động sản (sau đây gọi tắt là “công ty B”) để thành lập một liên doanh cho dự án cao ốc văn phòng chung cư xây dựng trên mảnh đất của công ty A. Dự án vốn không thuộc ngành nghề kinh doanh cốt lõi của công ty A.
Trong hai kỳ ĐHCĐ, công ty A báo cáo về dự án với những thông tin sơ sài, không có bất cứ báo cáo nghiên cứu khả thi, tổng vốn đầu tư, phương án tài chính, thời gian thu hồi vốn và tỷ suất sinh lời nào cho dự án. Bản báo cáo của HĐQT chỉ nêu duy nhất tiền thương quyền công ty A sẽ nhận được là hơn 300.000 USD mỗi năm từ công ty B.
Trong ĐHCĐ, một số cổ đông đã cho ý kiến về việc cần có bản nghiên cứu dự án chi tiết nhằm cung cấp cho cổ đông cơ sở để chấp thuận đầu tư, đồng thời nêu một số bất cập của việc đầu tư ngoài ngành mà công ty không có kiến thức chuyên môn.
Trước ý kiến này, HĐQT yêu cầu cổ đông chấp thuận chủ trương đầu tư, còn chi tiết về dự án sẽ trình bày cho cổ đông sau. Tuy nhiên, sau đó công ty A không cung cấp thêm thông tin gì cho cổ đông về dự án.
Sau 3 năm, khi dự án đã động thổ và đang được xây dựng, công ty A quyết định thoái vốn khỏi dự án bằng cách nhận lại từ công ty B một khoản tiền mặt và một số căn hộ trong dự án sẽ hình thành trong tương lai, với tổng giá trị thu lại thấp hơn rất nhiều so với giá trị tiền mặt và mảnh đất công ty A đã góp vốn vào dự án.
Hơn nữa, công ty A chưa từng được nhận số tiền thương quyền hơn 300.000 USD mỗi năm như đã báo cáo với cổ đông. Công ty A có lấy ý kiến của cổ đông bằng văn bản để thông qua việc thoái vốn và cổ đông nhỏ lẻ có gửi thư nêu ý kiến về giá trị rút vốn quá thấp, gây thiệt hại cho cổ đông. Tuy nhiên, nghị quyết về việc thoái vốn vẫn được các cổ đông lớn thông qua.
TS. Nguyễn Thu Hiền, Giám đốc Chương trình Cao học Quản trị kinh doanh Maastricht MBA, Đại học Bách khoa TP. HCM, chuyên gia quản trị công ty Việt Nam
Công ty có đặc điểm là tập trung sở hữu và tập trung kiểm soát cao (HĐQT, Ban giám đốc và cổ đông nhà nước chiếm 60% cổ phần), đây cũng là thực tế được quan sát tại một bộ phận doanh nghiệp đại chúng tại Việt Nam. Trong nhiều trường hợp, các công ty đại chúng này là công ty cổ phần hóa từ DNNN, do vậy cách thức kinh doanh vẫn mang hơi hướng của DNNN, thực hiện các hợp đồng kinh tế không đặt mục tiêu kinh tế hay lợi ích tài chính lên trên hết. Cơ chế xem xét phương án kinh doanh cũng không được thực hiện minh bạch, công khai, thiếu các cơ sở kinh tế. Như trong trường hợp trên, hợp đồng kinh tế đã không được phân tích, dự án đầu tư không được đánh giá khả thi và quyết định của HĐQT vẫn được thông qua mà không có ý kiến của các bên độc lập. Mặc dù công ty có mức độ tập trung sở hữu và tập trung kiểm soát cao, nhưng HĐQT vẫn cần thực thi trách nhiệm của mình đối với lợi ích công ty, lợi ích cổ đông đại chúng và đối xử công bằng giữa các nhóm cổ đông, trong trường hợp này là giữa cổ đông lớn và cổ đông nhỏ. Khi thực hiện các giao dịch trọng yếu, cần có ý kiến của các bên độc lập. Theo thông lệ quản trị công ty tốt của khu vực ASEAN, để đảm bảo công khai, minh bạch, các giao dịch với các bên liên quan trọng yếu cần có tiểu ban bao gồm các thành viên HĐQT độc lập xem xét, đánh giá tính hợp lý, cũng như các tác động của các giao dịch này đối với công ty và cổ đông. Để bảo vệ quyền lợi của mình, các cổ đông nhỏ cần dồn phiếu đủ tỷ lệ (10% theo Luật Doanh nghiệp) được phép yêu cầu tổ chức ĐHCĐ để xem xét cụ thể vấn đề này: Yêu cầu minh bạch về cơ sở kinh tế của hợp đồng thương quyền lô đất trên, của lợi ích từ hợp đồng thương quyền và việc vi phạm trách nhiệm thực hiện hợp đồng (không thanh toán thương quyền). Quyết định thoái vốn cần được phân tích, cần có bên độc lập xem xét đánh giá và cho ý kiến về lợi ích cũng như tính khách quan của quyết định này. Ngoài ra, cổ đông cần yêu cầu minh bạch về mối liên hệ giữa HĐQT công ty A với công ty B. Nếu có bằng chứng là HĐQT có quyền lợi liên quan với công ty B thì các quyết định mà HĐQT thông qua đã không được thực hiện đúng theo tinh thần quản trị tốt và không đúng theo luật định đối với các giao dịch với bên liên quan. |
Luật sư Hồ Anh Khoa, Công ty Luật BASICO Trừ trường hợp Điều lệ Công ty có quy định khác, Luật Doanh nghiệp năm 2005 không có quy định cụ thể cổ đông phổ thông có quyền trực tiếp yêu cầu HĐQT giải trình, cung cấp thông tin về một vấn đề trong hoạt động kinh doanh của công ty. Nhưng căn cứ vào nghĩa vụ chuẩn bị đầy đủ tài liệu khi triệu tập họp ĐHCĐ của chủ tịch HĐQT theo quy định tại khoản 7, Điều 97 về “Thẩm quyền triệu tập họp ĐHCĐ” và khoản 2, Điều 100 về “Mời họp ĐHCĐ”, Luật Doanh nghiệp năm 2005, cổ đông có thể yêu cầu HĐQT thực hiện nghĩa vụ này. Trong trường hợp có căn cứ xác định HĐQT vi phạm nghiêm trọng quyền của cổ đông, nghĩa vụ của người quản lý, căn cứ vào quy định tại khoản 3, Điều 79 về “Quyền của cổ đông phổ thông”, Luật Doanh nghiệp năm 2005, cổ đông, hoặc nhóm cổ đông sở hữu trên 10% tổng số cổ phần phổ thông (hoặc tỷ lệ nhỏ hơn theo Điều lệ) trong thời hạn liên tục ít nhất 6 tháng có thể triệu tập họp ĐHCĐ để yêu cầu HĐQT giải trình đầy đủ về phương án hợp tác kinh doanh; đồng thời xem xét và xử lý các vi phạm của HĐQT nếu gây thiệt hại cho cổ đông, công ty. Căn cứ vào điểm d, khoản 2, Điều 79 về “Quyền của cổ đông phổ thông”, Luật Doanh nghiệp năm 2005, cổ đông, hoặc nhóm cổ đông sở hữu trên 10% tổng số cổ phần phổ thông (hoặc tỷ lệ nhỏ hơn theo Điều lệ) trong thời hạn liên tục ít nhất 6 tháng có thể yêu cầu Ban kiểm soát kiểm tra vấn đề này. Yêu cầu phải bằng văn bản; phải có họ, tên, địa chỉ thường trú, quốc tịch, số chứng minh nhân dân, hộ chiếu hoặc chứng thực cá nhân hợp pháp khác đối với cổ đông là cá nhân; tên, địa chỉ thường trú, quốc tịch, số quyết định thành lập hoặc số đăng ký kinh doanh đối với cổ đông là tổ chức; số lượng cổ phần và thời điểm đăng ký cổ phần của từng cổ đông, tổng số cổ phần của cả nhóm cổ đông và tỷ lệ sở hữu trong tổng số cổ phần của công ty; vấn đề cần kiểm tra, mục đích kiểm tra. Về mặt pháp lý, pháp luật không quy định cụ thể trong trường hợp này của công ty A, HĐQT phải cung cấp những tài liệu gì. Nhưng xét về nguyên tắc kinh doanh, càng đầy đủ thông tin về phương án hợp tác (như cách thức phối hợp, cơ chế quản lý hợp tác, phân chia lợi nhuận, các rủi ro hợp tác...) thì quyết định đưa ra sẽ càng chắc chắn và minh bạch. Do vậy, dù HĐQT có thể lập luận về việc cung cấp thông tin dự án không đầy đủ của mình, nhưng xét về mặt trách nhiệm với hiệu quả kinh doanh của công ty, HĐQT đã chưa làm tròn; nhất là khi có dấu hiệu cho sự không minh bạch, bảo vệ lợi ích nhóm cổ đông lớn ở trường hợp này. Nếu phương án hợp tác không hiệu quả, gây tổn thất cho công ty, thì các cổ đông là người chịu thiệt hại lớn nhất. |
(Còn nữa)