Câu chuyện tại Tập đoàn Hòa Bình gợi ra nhiều bài học quản trị cho các doanh nghiệp đại chúng.

Câu chuyện tại Tập đoàn Hòa Bình gợi ra nhiều bài học quản trị cho các doanh nghiệp đại chúng.

Quản trị công ty đại chúng: Thấy gì từ mâu thuẫn cấp cao ở Hòa Bình?

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Những ồn ào quanh chuyện nội bộ của Công ty cổ phần Tập đoàn Xây dựng Hòa Bình (mã HBC) tuần qua thu hút sự quan tâm của các nhà đầu tư và nhiều lãnh đạo doanh nghiệp khác.

Khác biệt về “đồng thuận”

Vào thời điểm Hòa Bình công bố thông tin về việc ông Lê Viết Hải từ nhiệm chức danh Chủ tịch Hội đồng quản trị Tập đoàn và giữ chức Chủ tịch Hội đồng Sáng lập, đã có những băn khoăn về vai trò của hội đồng sáng lập trong một công ty đại chúng niêm yết.

Trong thông báo có tiêu đề “Ông Lê Viết Hải sẽ giữ chức vụ Chủ tịch Hội đồng Sáng lập từ ngày 1/1/2023” trên trang web chính thức của Hòa Bình, thông báo Nghị quyết số 50/2022/NQ – HĐQT.HBC chấp thuận đơn xin từ nhiệm của ông Lê Viết Hải từ ngày 1/1/2023 cũng như sẽ thành lập Hội đồng Sáng lập do ông Hải làm Chủ tịch có nêu: “Theo Quy chế tổ chức và hoạt động của Hội đồng Sáng lập Tập đoàn Xây dựng Hòa Bình thì đây là cơ quan tham mưu, tư vấn và phản biện cho Hội đồng quản trị và Ban điều hành về chiến lược kinh doanh và các quyết sách trong hoạt động quan trọng của Tập đoàn, nhằm đảm bảo cho Hòa Bình, một Thương hiệu quốc gia đang giữ vị trí số 1 trong ngành xây dựng Việt Nam tiếp tục phát triển mạnh mẽ đúng với hoài bão, sứ mệnh, triết lý kinh doanh và các giá trị cốt lõi đã xác định trong tuyên ngôn giá trị của Tập đoàn. Đồng thời, Hội đồng Sáng lập sẽ tham mưu, tư vấn, phản biện và thông qua các vấn đề quan trọng theo nguyên tắc đồng thuận nhằm bảo vệ tốt nhất quyền và lợi ích hợp pháp của các cổ đông, đảm bảo sự hài hòa, công bằng và lợi ích của các bên. Cụ thể như sửa đổi Điều lệ Công ty; bất kỳ các thay đổi quan trọng nào trong hoạt động kinh doanh của Công ty hoặc bắt đầu một loại hình kinh doanh mới; các hợp đồng mua bán, sáp nhập công ty, các dự án đầu tư trị giá 100 tỷ đồng trở lên; việc cấp bảo lãnh có giá trị trên 20 tỷ đồng; bổ nhiệm, thay thế hoặc thay đổi Chủ tịch, Tổng giám đốc Tập đoàn và các công ty thành viên, công ty liên kết… Chủ tịch Hội đồng Sáng lập và Chủ tịch Hội đồng quản trị sẽ cùng nhau thảo luận các giải pháp chung đối với các vấn đề trọng yếu của Tập đoàn cũng như thảo luận để định hướng cho hoạt động của Tập đoàn ngày càng phát triển hơn cũng theo nguyên tắc đồng thuận”.

Trả lời báo chí về những mâu thuẫn trong Hội đồng quản trị phát sinh khiến phải hoãn thi hành Nghị quyết 50 và hoãn chuyển giao chức Chủ tịch Hội đồng quản trị cho ông Nguyễn Công Phú, ông Lê Viết Hải khẳng định: “Họ đã xác định với tôi là sẽ phối hợp chặt chẽ, bàn thảo kỹ lưỡng và làm việc với nhau trên nguyên tắc đồng thuận. Nhưng ngay việc này họ đã thể hiện sự không giữ lời hứa”, ông Hải nói.

Còn trong cuộc gặp với báo chí vừa qua, ông Nguyễn Công Phú cho biết: “Chỉ thống nhất thành lập Hội đồng Sáng lập để vinh danh ông Hải và cùng tham vấn, đồng thuận về những vấn đề đặc biệt quan trọng. Đồng ý là luôn đồng thuận ở mức độ cao nhất nhưng không có nghĩa là đồng thuận 100%, vì trên thực tế không thể có đồng thuận 100%. Hội đồng Sáng lập không thể đứng trên Hội đồng quản trị và không đồng ý thì Hội đồng quản trị không được làm”.

Không nói đến những nội dung thỏa thuận mà ông Hải và ông Phú nêu ra về vai trò, nhiệm vụ của Hội đồng sáng lập có khoảng cách xa nhau, là một trong lý do dẫn đến mâu thuẫn hai bên, thì Hội đồng sáng lập là định chế không có trong quy định của pháp luật Việt Nam về hoạt động của doanh nghiệp. Việc này có thể có tiền lệ tốt ở nước ngoài nhưng chưa có tiền lệ tốt ở Việt Nam,

Nhất là trong hoàn cảnh cụ thể, ông Hải là cổ đông lớn chiếm khoảng trên 20% cổ phần của Tập đoàn Hòa Bình, trong khi ông Phú là thành viên Hội đồng quản trị độc lập, không sở hữu cổ phần HBC.

Thử thách niềm tin

Tại cuộc gặp gỡ báo chí cuối tuần trước, ông Nguyễn Công Phú, thành viên Hội đồng quản trị độc lập Tập đoàn Hòa Bình cho biết, việc có khởi kiện ông Hải hay không phải để sau cuộc họp Hội đồng quản trị dự kiến diễn ra vào ngày 10/1/2023.

Trả lời câu hỏi của Đầu tư Chứng khoán về việc nếu cổ đông triệu tập đại hội cổ đông bất thường để bầu lại Hội đồng quản trị mà các thành viên độc lập không được bầu lại thì sao, ông Phú chia sẻ, việc tổ chức đại hội cổ đông bất thường phải theo các trình tự quy định. “Nhưng nếu đại hội cổ đông không bầu lại tôi và ông Hải thì… Amen” (ông Phú biểu hiện sự chấp nhận).

Điều đó có nghĩa là với một công ty có tính đại chúng cao như Hòa Bình, gia đình người sáng lập Lê Viết Hải chỉ giữ trên 20% cổ phần, thì các cổ đông bên ngoài, nhóm cổ đông không điều hành giữ vai trò lớn.

Trong tình huống ông Hải và ông Phú không giải quyết được mâu thuẫn với nhau thì có thể một đại hội cổ đông, bất thường hoặc thường niên vào đầu năm 2023, sẽ được triệu tập để bầu lại thành viên Hội đồng quản trị, khép lại mẫu thuẫn nội bộ.

Trong tình huống ông Hải và ông Phú không giải quyết được mâu thuẫn thì rất có thể một đại hội đồng cổ đông, bất thường hoặc thường niên vào đầu năm 2023 sẽ được triệu tập để bầu lại thành viên Hội đồng quản trị. Nếu ông Hải tiếp tục ở lại tham gia quản trị Tập đoàn Hòa Bình thì cũng cần giải trình với cổ đông về các nghi vấn mà phía ông Phú và ông Dương Văn Hùng, thành viên Hội đồng quản trị độc lập đã đơn phương nêu ra trước dư luận.

Giữa một người sáng lập, nhiều kinh nghiệm trong nghề như ông Hải và những người tham gia Hội đồng quản trị Hòa Bình từ năm 2021, có lý lịch như đã công bố khi ứng cử, cổ đông sẽ chọn ai? Làm thế nào bổ sung những nhân tố mới, khắc phục các điểm yếu của Tập đoàn Hòa Bình hiện nay để phát triển vững mạnh hơn?

Đó có lẽ mới là trọng tâm của câu chuyện quản trị cần giải quyết ở Tập đoàn Hòa Bình lúc này, mà trách nhiệm và quyền lực cao nhất thuộc về đại hội đồng cổ đông, trong đó có không ít cổ đông và nhóm cổ đông đã gắn bó với Hòa Bình nhiều năm nay.

Cho đến thời điểm này, cả ông Phú, ông Hùng đều xác nhận với báo Đầu tư Chứng khoán rằng, không có nhóm cổ đông nào đứng đằng sau các cổ đông này để gây sức ép với ông Hải, nhằm mục đích thâu tóm Hòa Bình.

Ông Phú cũng cho biết, nếu làm Chủ tịch Hội đồng quản trị Hòa Bình, cũng giữ vị thế độc lập chứ “không mua, sở hữu cổ phiếu HBC”.

Tin bài liên quan