Áp lực công việc tăng nhiều lần
Bỏ dở suất cơm tối, anh Trần Việt Thanh, Trưởng Ban quản lý chung cư Bellza (quận 7, TP.HCM) cuống quýt chuẩn bị cho công tác lấy mẫu xét nghiệm toàn chung cư, bởi trước đó vài phút, chủ tịch phường Phú Mỹ gọi điện thông báo “15 phút nữa sẽ xuống phong tỏa tháp E”.
“Choáng! Tự nhiên như có một luồng điện chạy dọc sống lưng. Vẫn biết trong tình hình dịch giã sẽ có lúc phải đối diện với những tin tức như thế này, nhưng khi đến lượt mình thì một cảm giác khó tả dâng trào. Lo lắng, bồn chồn, hết nghĩ khôn lại dồn đến dại”, anh Thanh nhớ lại cảm giác của mình vào cuối tuần trước.
Rất nhanh chóng, các lực lượng chức năng đã có mặt, tháp E của chung cư Belleza bị phong tỏa vì có ca nhiễm Covid-19. 20h30, loa phóng thanh của chung cư Belleza ọ ẹ như người ngạt mũi thông báo cho mọi người xuống sảnh chung cư lấy mẫu xét nghiệm. Từng nhóm 5 người một vào lấy mẫu, lớp người xếp hàng rồng rắn tiến vào, chẳng ai nói chuyện với ai, im lặng chờ đến lượt mình dưới sự hướng dẫn của Ban quản lý chung cư và nhân viên y tế.
Lường trước được những tính huống như thế này sẽ xảy ra, anh Thanh cùng anh em trong Ban quản lý chung cư đã xây dựng trước các biện pháp phòng dịch. Hơn một tháng qua, anh không về nhà, phần vì túc trực để đảm bảo xử lý nhanh các tình huống xấu xảy ra bất chợt, phần vì đảm bảo an toàn cho các thành viên trong gia đình.
“Kể từ thời điểm chung cư có ca dương tính đầu tiên, công việc của Ban quản lý chung cư tăng gấp nhiều lần, những nhân viên Ban quản lý tòa nhà cũng buộc phải mang bộ đồ bảo hộ khi thực hiện công việc. Nóng nực, bí bách, nhiều thời điểm rối bời, nhưng vẫn phải giữ vững tinh thần, phối hợp cùng chính quyền để hỗ trợ, ổn định tâm lý cư dân”, anh Thanh nói.
Với những người làm nghề quản lý, vận hành tòa nhà như anh Thanh, giãn cách tuyệt đối là điều không thể và đặc thù nghề nghiệp của các nhân sự ngành này luôn làm việc trong những môi trường “nhạy cảm”, tiếp xúc hết người này đến người kia. Do vậy, lo cho các nhân sự trong ban an toàn chưa đủ, để các cư dân trong khu chung cư mà họ quản lý an toàn mới thực sự là vấn đề nan giải.
Gần tròn 1 tháng kể từ khi tỉnh Bình Dương áp dụng Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ, cũng là khoảng thời gian các thành viên trong Ban quản lý Khu chung cư Phú Đông Premier căng mình chống dịch.
Là trung gian giữa đội ngũ y tế và cư dân, các thành viên trong Ban quản lý đã túc trực liên tục tại tòa nhà để đảm bảo vận hành được thông suốt và ứng biến nhanh trước mọi tình huống có thể xảy ra, đồng thời tham gia công tác phòng, chống dịch.
Ông Nguyễn Đức Ngọc, Trưởng Phòng Quản lý dịch vụ Phú Đông Group kiêm Trưởng Ban quản lý dự án Phú Đông Premier chia sẻ, từ ngày áp dụng Chỉ thị 16, để đảm bảo an toàn cho cư dân, toàn bộ đội ngũ cán bộ Ban quản lý, Ban quản trị và phòng dịch vụ với gần 40 nhân sự đã tạm gác lại gia đình nhỏ để thực hiện phương án “3 tại chỗ”, bám sát địa bàn làm việc 24/24 giờ.
“Những ngày này, khối lượng công việc của anh chị em tăng 200-300%”, anh Ngọc nói và cho biết, mọi người vừa phải đảm bảo công việc bình thường, vừa phải tuân thủ nghiêm ngặt các quy định phòng chống dịch như phun xịt khử khuẩn liên tục, đo thân nhiệt, phối hợp với các tổ chức y tế thực hiện xét nghiệm sàng lọc, tăng cường công tác giám sát, kiểm tra, nhắc nhở cư dân nâng cao tinh thần phòng chống dịch, cấp phát phiếu đi lại, giải thích và phổ biến những quy định mới nhất về phòng chống dịch cho cư dân…
Cần chính sách ưu tiên
“Trong quá trình điều phối hoạt động, lực lượng nhân sự của ban quản trị, ban quản lý chung cư được xem như tuyến đầu, đối diện nguy cơ rủi ro lây nhiễm rất cao”, ông Hán Duy Thế, Trưởng Ban quản lý Khu dân cư Him Lam - Phú Đông (Bình Dương) nói và phân tích, trong khi cư dân được ở yên trong nhà và chỉ ra ngoài khi có việc cần, các công việc văn phòng bình thường khác làm việc online, thì đội ngũ ban quản lý, ban quản trị, dịch vụ chung cư phải làm việc trực tiếp tại hiện trường.
Ông Thế cho biết, lực lượng ban quản lý chung cư không chỉ tiếp xúc với các cư dân trong tòa nhà, mà còn với người bên ngoài hàng trăm lượt mỗi ngày, nên nguy cơ tiếp xúc với mầm bệnh rất cao.
“Ban quản lý chúng tôi phải tự trang bị các dụng cụ phòng hộ để đảm bảo an toàn cho bản thân trong điều kiện nơi ăn chốn ở dã chiến thiếu thốn. Mặc dù vậy, tất cả anh chị em đều làm việc nhiệt tình và đầy trách nhiệm vì chúng tôi tin rằng, đây là lúc cống hiến vì lợi ích chung của cư dân, của cộng đồng”, ông Thế nói.
Vai trò của các ban quản lý trong công tác phòng, chống dịch bệnh ở các chung cư là điều không thể bàn cãi, nhưng theo ông Nguyễn Duy Thành, Tổng giám đốc Công ty Quản lý nhà Toàn Cầu (Global Home), hoạt động của bộ phận này đang gặp nhiều khó khăn. Ông Thành cho biết, tại nhiều quốc gia, vai trò của ban quản lý chung cư trong công tác phòng chống dịch bệnh rất được xem trọng, họ được thừa nhận chính thức là lực lượng hỗ trợ phòng chống dịch trong các khu chung cư, các khu tập trung đông người.
Tuy nhiên, tại Việt Nam, quản lý - vận hành nhà chung cư hiện chưa được coi là ngành nghề thiết yếu, chưa được ưu tiên trong công tác phòng chống dịch bệnh. Đây là một thiệt thòi rất lớn của ngành nói chung và các ban quản lý chung cư nói riêng - nơi có mật độ cư dân đông và nguy cơ lây nhiễm dịch bệnh rất cao hiện nay.
“Tôi cho rằng, cơ quan quản lý nhà nước và chính quyền địa phương cần có những giải pháp thiết thực, hỗ trợ kịp thời đối với các ban quản lý vận hành nhà chung cư trong giai đoạn dịch bệnh đang bùng phát mạnh hiện nay”, ông Thành nói và kiến nghị, các cơ quan quản lý nhà nước và chính quyền địa phương cần có văn bản pháp lý chính thức thừa nhận các ban quản lý chung cư tham gia hỗ trợ công tác phòng chống dịch.
Mặt khác, các cơ quan quản lý cũng cần ban hành cẩm nang hướng dẫn cụ thể ban quản lý, ban quản trị và cư dân biết để thống nhất quy trình kiểm soát dịch bệnh tại các khu chung cư trong phạm vị áp dụng của tỉnh/thành phố để phù hợp với từng giai đoạn kiểm soát dịch bệnh.
“Quản lý, vận hành chung cư cần được xem là ngành nghề thiết yếu được ưu tiên tiêm phòng vắc-xin và được sự ủng hộ, hỗ trợ của địa phương trong công tác hoạt động”, ông Thành nói và cho rằng: “Hiện nay, Bộ Y tế và các sở, ban, ngành rất quan tâm, ưu tiên hoạt động của các ban quản lý khu chế xuất, khu công nghiệp. Tuy nhiên, vai trò rất quan trọng của các ban quản lý, vận hành khu chung cư lại bị ‘bỏ quên’, điều này đã và đang gây khó khăn rất lớn cho công tác phòng chống dịch bệnh tại các khu chung cư”.
Mới đây, UBND TP. Thủ Đức (TP.HCM) đã có công văn về việc khẩn trương lập danh sách các đối tượng tiêm vắc-xin Covid-19, trong đó ban quản lý chung cư, nhân viên bảo vệ, tạp vụ, dọn dẹp vệ sinh chung cư là đối tượng ưu tiên trong đợt này. Đây là tin vui, song nhiều ý kiến cho rằng, phạm vi áp dụng mới bó hẹp ở một địa phương, cần có văn bản hướng dẫn để áp dụng rộng rãi trên cả nước, bởi dịch bệnh còn phức tạp và trong hành trình phòng chống dịch, lực lượng các ban quản lý các khu chung cư là một trong những tuyến đầu chống dịch, đóng góp giá trị to lớn vào công tác phòng chống và dập tắt dịch bệnh trên cả nước.