Đường bao biển Trần Quốc Nghiễn tạo nên nét quyến rũ cho TP. Hạ Long (Quảng Ninh). Ảnh: Đỗ Phương

Đường bao biển Trần Quốc Nghiễn tạo nên nét quyến rũ cho TP. Hạ Long (Quảng Ninh). Ảnh: Đỗ Phương

Quán quân PCI và những đòi hỏi cải thiện không giới hạn

Ngôi vị quán quân PCI 3 năm liên tiếp của Quảng Ninh là thông điệp mạnh mẽ nhất về nỗ lực trong cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh gửi tới các nhà đầu tư, doanh nghiệp. Nhưng thời thế đang đòi hỏi nỗ lực này không có giới hạn, cả về chiều sâu và gia tốc.
 

Lời cảm ơn của vị Chủ tịch

Lễ công bố Bảng xếp hạng Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) 2019 là một sự kiện khác biệt trong nhiều sự kiện của những người làm PCI và có thể của cả những vị lãnh đạo địa phương.

Đây là lễ công bố lần thứ 15 của PCI, tính từ năm 2006 - lần đầu tiên PCI xếp hạng đủ 63 tỉnh, thành phố, nhưng chỉ có 20 người tham dự trực tiếp, bởi quy định giãn cách xã hội do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19.

Song, đây là lần đầu tiên, Lễ công bố PCI có hơn 1.000 người theo dõi sự kiện, qua các nền tảng Internet và không chỉ từ 63 tỉnh, thành phố, mà còn có nhiều người theo dõi trực tuyến từ các quốc gia khác.

Ông Nguyễn Văn Thắng, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh đã không bỏ lỡ cơ hội đặc biệt này khi dành lời đầu tiên trong bài phát biểu của quán quân PCI 2019.    

“Tôi dành lời cảm ơn đầu tiên đến các doanh nghiệp, những người đã góp phần vào sự phát triển kinh tế của địa phương, đóng góp vào công tác điều hành của chính quyền địa phương”, ông Thắng nói.

Cùng với đó, ông Thắng đưa ra những con số mà ông gọi là hiện thực hóa tiềm năng, thế mạnh của địa phương.

Năm 2019, tốc độ tăng trưởng GRDP của Quảng Ninh đạt 12,1%, vượt chỉ tiêu đề ra và cao nhất trong 10 năm trở lại đây; tổng sản phẩm bình quân đầu người gấp đôi bình quân chung cả nước. Thu ngân sách năm 2019 của Quảng Ninh đã đạt 46.641 tỷ đồng, trong đó thu nội địa đạt hơn 34.000 tỷ đồng.

Cũng trong năm 2019, tổng vốn đầu tư toàn xã hội trên địa bàn ước đạt 76.400 tỷ đồng, tăng 11,3% so với cùng kỳ, chiếm 41,2% GRDP. Trong đó, vốn từ khu vực ngoài nhà nước là 48.000 tỷ đồng, chiếm 62,8%, tăng 14,9%; vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) 5.400 tỷ đồng, chiếm 7,2%, tăng 11,5% so với cùng kỳ. 30% còn lại thuộc về vốn nhà nước, với giá trị 22.900 tỷ đồng...

Mặc dù Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh không nhắc tới cụ thể doanh nghiệp nào, nhưng phải thừa nhận, hình ảnh của Quảng Ninh, dấu ấn kinh tế của Quảng Ninh đang gắn liền với sự phát triển lớn mạnh của nhiều thương hiệu, doanh nghiệp lớn của Việt Nam.

TS. Trần Đình Thiên, thành viên Tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng Chính phủ đã nhắc tên các doanh nghiệp tư nhân như Tuần Châu, Mường Thanh, Sun Group, Vingroup... khi nói đến những vị trí đẹp nhất, khách sạn đẹp nhất, công trình lớn nhất ở Quảng Ninh. Ông cũng nhắc đến cơ hội đầu tư với những chuẩn mực mới khi sân bay Vân Đồn, cao tốc Hải Phòng - Hạ Long - Vân Đồn... đi vào hoạt động.

Thực ra, giới chuyên gia kinh tế cũng đánh giá, sự hấp dẫn của Quảng Ninh là đương nhiên, do nằm ở vị trí vàng của phát triển, với ưu thế gần như không có đối thủ về vị trí địa lý, tài nguyên thiên nhiên, diện tích và nguồn nhân lực.

Nhưng cách đây hơn 10 năm, những đánh giá, tên tuổi trên không có trong các báo cáo tình hình  kinh tế - xã hội của Quảng Ninh. Năm 2009, phần nội dung về các doanh nghiệp nhà nước, tập đoàn kinh tế lớn hoạt động trên địa bàn khá đậm nét. Trong năm này, vốn đầu tư các doanh nghiệp nhà nước vẫn chiếm tỷ trọng lớn trong tổng đầu tư trên địa bàn (60-70%) với giá trị khoảng 22.600 tỷ đồng. Vốn đầu tư của dân cư và doanh nghiệp ngoài quốc doanh chỉ khoảng 4.600 tỷ đồng...

Đặc biệt, mặc dù là năm có tổng thu ngân sách cao nhất so với giai đoạn trước đó, là một trong 8 địa phương được thưởng vì có thành tích thu, nhưng năm 2009, Quảng Ninh mới thu được khoảng 18.500 tỷ đồng.

PCI năm 2009 của Quảng Ninh cũng ở vị trí khá thấp, 26/63 tỉnh, thành phố, tăng hơn 1 bậc so với PCI 2006, 2008. Đây là các vị trí thấp nhất trong PCI của Quảng Ninh trong 15 năm xếp hạng.

Điều ước giản dị của doanh nghiệp

Khi chia sẻ về PCI sau 15 năm công bố, ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) đã nhắc đến điều ước giản dị mà ông nói không chỉ của riêng ông, mà của cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam.

“Giá như doanh nghiệp Việt không phải gian nan đối phó với thủ tục, để toàn tâm, toàn ý đối diện với thị trường, thì đất nước sẽ phát triển rất xa nữa”, ông Lộc nói khi nhắc đến các thủ tục đất đai, thuế, phí, tính minh bạch của địa phương... mà doanh nghiệp cả nước vẫn coi là những rào cản hàng đầu.

Ngay cả con số khoảng 50% doanh nghiệp chấp nhận bỏ chi phí không chính thức, dù thấp nhất trong nhiều năm, nhưng vẫn là con số nhức nhối...

Từng là doanh nhân, nên Chủ tịch UBND Quảng Ninh Nguyễn Văn Thắng chia sẻ quan điểm này một cách rõ ràng.

Ông Thắng nói: “Sự sáng tạo, linh hoạt, chủ động của chính quyền là bệ đỡ vững chắc cho hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp tư nhân, để nguồn vốn của tư nhân sử dụng hiệu quả, đem lại giá trị cao cho doanh nghiệp, Nhà nước và người dân...”.

Cầu thị, lắng nghe ý kiến của doanh nghiệp, trăn trở với những biến động bất lợi, khó khăn, thách thức mà doanh nghiệp phải đương đầu. Đó là tinh thần mà chính quyền tỉnh Quảng Ninh xây dựng và triển khai trong các nỗ lực cải thiện môi trường kinh doanh, cùng doanh nghiệp duy trì và cải thiện năng lực cạnh tranh.

- Ông Nguyễn Văn Thắng, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh

Đặc biệt, ông Thắng cũng nhắc đến quyết tâm chính trị, khát khao hiện thực hóa tiềm năng, thế mạnh của địa phương thành những con số ấn tượng về tăng trưởng kinh tế, thu ngân sách, về thu nhập của người dân và tốc độ giảm nhanh của tỷ lệ hộ nghèo... khi nói về các nỗ lực cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, về các kế hoạch thu hút đầu tư theo hình thức PPP, các kế hoạch hỗ trợ doanh nghiệp làm ăn, kinh doanh.

Cũng phải nói rõ, Bảng xếp hạng PCI đã loại bỏ các yếu tố mang tính chất lợi thế tự nhiên, điều kiện hạ tầng, nguồn nhân lực..., chỉ tập trung đánh giá chất lượng điều hành. Điều đáng nói là chất lượng này do các doanh nghiệp nhìn nhận, trên cơ sở cảm nhận thực tiễn, không phải từ các quy định, hệ thống văn bản điều hành.

Hay nói một cách hình ảnh hơn, PCI là tiếng nói của khu vực kinh tế tư nhân, là cánh chim không mỏi của tinh thần cải cách trong việc truyền tải những thông điệp, những kỳ vọng và những khuyến nghị từ khu vực tư nhân đến với các cấp chính quyền để nâng cao năng lực điều hành của các địa phương.

Bởi vậy, nhìn vào Bảng xếp hạng PCI qua 15 năm, sẽ thấy thái độ của chính quyền địa phương với khu vực kinh tế tư nhân. Nên khi PCI 2019 ghi nhận mức điểm cao nhất, với tỷ lệ 54,1% đánh giá tích cực về sự năng động, sáng tạo của chính quyền địa phương (mức tăng khá so với tỷ lệ 48,3% vào năm 2006 và rất cao so với mức đáy là 35,1% vào năm 2015), ông Lộc đã rất vui mừng.

“Vào thời điểm mọi người đang nói về sự phục hồi, về việc hoạt động trở lại, nhưng sẽ không thể là trở lại như ngày hôm qua, không phải là vẫn làm theo cách cũ do thế giới sau đại dịch sẽ khác với thế giới của ngày hôm nay. Các địa phương sẽ có cơ hội vàng để đón nhận các dòng vốn đầu tư mới với chất lượng cao hơn. Và cải cách thể chế, cải thiện Chỉ số PCI, nâng cao năng lực cạnh tranh sẽ là nền tảng quan trọng nhất để chúng ta đón nhận dòng đầu tư đó”, ông Lộc tiếp tục đặt kỳ vọng vào những nỗ lực mới của chính quyền các địa phương, trong đó đặc biệt nhắm đến các ngôi sao cải cách về PCI.

Kế hoạch cho diện mạo một Quảng Ninh mới 

Ông Trần Đình Thiên đang đặt kỳ vọng rất lớn vào diện mạo đô thị du lịch xanh, hiện đại và là nơi đến của các dự án đầu tư chuẩn mực cao của Quảng Ninh, cũng như của Đà Nẵng, Nha Trang   (Khánh Hòa)...

“Điểm chung rõ nhất của các địa phương này là có chiến lược thu hút đầu tư theo cách chọn “đại bàng”. Tôi thấy điều đó khi Nha Trang chọn nhà đầu tư để có Vinpearl, Đà Nẵng chọn dự án Bà Nà Hill, Quảng Ninh chọn dự án sân bay Vân Đồn...”, ông Thiên lý giải.

Trên thực tế, các địa phương đều có chiến lược thu hút đầu tư, lựa chọn nhà đầu tư dựa trên chiến lược tổng thể của nền kinh tế, nhưng việc xác định nhà đầu tư chiến lược, nhà đầu tư đi cùng với các kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của địa phương sẽ tạo nên chuẩn mực trong thu hút đầu tư.

Riêng với Quảng Ninh, ông Trần Đình Thiên cho rằng, khi Sun Group đầu tư sân bay Vân Đồn, thì Hạ Long, Quảng Ninh bừng nở, nhiều nhà đầu tư lớn sẽ tìm đến với những dự án đẳng cấp cao, chứ không thể là những tour tuyến 0 đồng, các dự án nhỏ lẻ. Nhưng chính quyền cũng phải nhìn vào dự án như cao tốc Hải Phòng - Hạ Long - Vân Đồn mà Sun Group đầu tư 25.000 tỷ đồng để kêu gọi các nguồn đầu tư song hành, khai thác hệ thống hạ tầng mới.

Cũng có nghĩa, đòi hỏi về nỗ lực cải thiện môi trường kinh doanh, sự năng động của địa phương cũng ở đẳng cấp cao hơn, mạnh mẽ hơn, nhanh hơn và quan trọng là không có bất cứ giới hạn nào.

“Đây là lúc chính quyền địa phương phải nghĩ đến việc thu hút, mời gọi doanh nghiệp trong vai trò giải quyết các vấn đề lớn của phát triển, đặt họ vào đúng vị trí, chứ không thể chỉ là nguồn nộp ngân sách, tạo việc làm”, ông Thiên đề xuất.

Một lần nữa, điểm số về tính năng động của Quảng Ninh cần được soi xét kỹ. Quảng Ninh có được mức tăng đều trong 3 năm đứng ở vị trí số 1 PCI, từ 6,35 điểm trong PCI 2017, đến 7,69 điểm trong PCI 2019. Tuy nhiên, đây chưa phải là điểm số cao nhất ở chỉ số này trong PCI 2019.

Dư địa cải cách với chính quyền tỉnh Quảng Ninh còn nhiều, dù không dễ dàng.

Tin bài liên quan