Sức cầu tín dụng chậm, tín dụng toàn nền kinh tế đến cuối tháng 5 chỉ tăng 3,44% so với cuối năm 2023

Sức cầu tín dụng chậm, tín dụng toàn nền kinh tế đến cuối tháng 5 chỉ tăng 3,44% so với cuối năm 2023

Quan ngại sức cầu tín dụng

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK)  Tính đến ngày 16/5/2024, hàng loạt ngân hàng vẫn ghi nhận mức tăng trưởng tín dụng âm so với đầu năm. Thông điệp được lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước đưa ra, cơ quan quản lý sẽ điều chuyển chỉ tiêu tín dụng của những ngân hàng không sử dụng hết “room” cho các ngân hàng có điều kiện, khả năng tăng trưởng tín dụng tốt trong thời gian tới.

Những con số đáng chú ý

Theo tìm hiểu của Báo Đầu tư Chứng khoán, ABBank là ngân hàng tăng trưởng tín dụng âm nặng nhất trong hệ thống, khi tổng giá trị cho vay tại thời điểm giữa tháng 5 chỉ đạt 80.000 tỷ đồng, âm gần 22% so với đầu năm.

SeABank cũng thuộc nhóm ngân hàng tăng trưởng tín dụng âm, nhưng mức độ âm nhẹ hơn, với gần 2,5% so với đầu năm, tương ứng tổng giá trị cho vay đạt xấp xỉ 172.000 tỷ đồng. Cùng thời điểm, Ngân hàng TMCP Việt Nam Thương Tín (VietBank) có dư nợ tín dụng đạt khoảng 80.000 tỷ đồng, âm gần 1,5% so với đầu năm.

Danh sách những ngân hàng tăng trưởng tín dụng âm tính đến ngày 16/5/2024 còn có Vietcombank (âm hơn 0,3%), Agribank (âm trên 0,1%), TPBank (âm gần 0,9%), SaigonBank (âm gần 1%), PGBank (âm xấp xỉ 0,1%)...

Ở chiều ngược lại, nhiều ngân hàng tăng trưởng tín dụng mạnh trong cùng giai đoạn. Cụ thể, LPBank ghi nhận tổng giá trị cho vay khoảng 305.000 tỷ đồng, tăng gần 11% so với đầu năm. Ngân hàng TMCP Quốc dân có dư nợ cho vay gần 61.000 tỷ đồng, tăng hơn 10% so với đầu năm. Techcombank cũng đạt tỷ lệ tăng trưởng tín dụng gần 10%, với dư nợ xấp xỉ 590.000 tỷ đồng.

Dư nợ tín dụng của Kienlongbank đạt gần 60.000 tỷ đồng, tăng trưởng xấp xỉ 9% so với đầu năm. Hay HDBank tăng trưởng dư nợ tín dụng trên 8%, với gần 370.000 tỷ đồng; ACB tăng trưởng tín dụng gần 7%, với dư nợ xấp xỉ 520.000 tỷ đồng… Các ngân hàng như EIB, MSB, NAB, OCB ghi nhận tỷ lệ tăng trưởng tín dụng khoảng 5%.

Ông Trần Minh Bình, Chủ tịch Hội đồng quản trị VietinBank cho biết, dư nợ tín dụng của Ngân hàng tính giữa tháng 6 đạt trên 1,54 triệu tỷ đồng, tăng khoảng 5% so với đầu năm. Dự kiến đến cuối tháng 6, tăng trưởng tín dụng có thể đạt 5,5 - 6%.

“VietinBank tiếp tục là ngân hàng trong nhóm các ngân hàng có vốn Nhà nước dẫn đầu về tăng trưởng tín dụng. Năm 2023, VietinBank là ngân hàng tăng trưởng tín dụng mạnh mẽ nhất và từ đầu năm 2024 đến nay luôn duy trì mức tăng trưởng tín dụng gấp đôi mức tăng toàn ngành”, ông Bình nói.

Số liệu của Ngân hàng Nhà nước cho biết, tính đến cuối tháng 5/2024, dư nợ tín dụng cả nước đạt trên 14 triệu tỷ đồng, tăng 3,44% so với cuối năm 2023, tăng 13,96% so với cùng kỳ năm 2023 (cùng kỳ năm 2023 tăng 3,29%); tốc độ tăng trưởng tín dụng cải thiện dần qua các tháng. Tăng trưởng tín dụng cuối các tháng 1, 2, 3, 4 lần lượt là: -1,03%; -0,72%; 1,34%, 2,06%.

Bình luận về những con số trên, ông Lê Hoài Ân, chuyên gia đào tạo và tư vấn hoạt động ngân hàng, Công ty cổ phần Giải pháp tài chính tích hợp nhận định, tín dụng của toàn hệ thống ngân hàng tiếp tục tăng trưởng với mức chậm, thậm chí đến thời điểm này mới đạt 20% kế hoạch tăng trưởng của cả năm. Nút thắt chủ yếu đến từ các ngân hàng có vốn Nhà nước chi phối, khi mức tăng trưởng của nhóm này vẫn ở mức rất thận trọng, trong đó mức tăng trưởng thấp nhất đang thuộc về Agribank và Vietcombank.

“Hai ngân hàng này chuyên cho vay bán lẻ với quy mô lớn, do đó, mức tăng trưởng thấp từ các tổ chức tín dụng này là một điều rất quan ngại”, ông Ân nhận định.

Cũng theo ông Ân, động lực chính duy trì tăng trưởng tín dụng của ngành ngân hàng là các ngân hàng thương mại chuyên cho vay doanh nghiệp, như Techcombank, HDBank hay LPBank. Điểm đáng lưu ý đối với nhóm này là sự phục hồi tín dụng của MBBank sau khi ghi nhận mức tăng trưởng tín dụng âm trong quý đầu năm. Trong khi đó, những ngân hàng định hướng cho vay bán lẻ như VIB hay STB vẫn có mức tăng trưởng rất thấp trước sức cầu yếu từ khu vực gia đình. ACB đang là điểm sáng trong nhóm ngân hàng tập trung bán lẻ khi duy trì mức tăng trưởng ổn định trong hơn 5 tháng đầu năm. Định hướng kinh doanh của ACB đang chuyển dịch từ cho vay bán lẻ sang hướng cho vay các doanh nghiệp quy mô lớn hơn, với những định hướng chiến lược cho từng tập ngành.

Ông Ân nhận định, nhìn chung, sức cầu tín dụng của toàn thị trường vẫn còn rất yếu. Trong bối cảnh kinh tế khó khăn, người tiêu dùng vẫn “thắt lưng, buộc bụng” và hạn chế các khoản chi tiêu lớn để không ảnh hưởng tiêu cực đến tình hình tài chính của gia đình. Xu hướng này có khả năng sẽ được duy trì đến hết năm nay, do đó, động lực tăng trưởng tín dụng vẫn trông chờ vào các hoạt động đầu tư công của Chính phủ khi các dự án được đẩy mạnh giải ngân.

“Trong bối cảnh các mục tiêu kinh doanh của phần lớn ngân hàng được điều chỉnh thận trọng thì rõ ràng các ngân hàng đã lường trước một năm tăng trưởng tín dụng khó khăn và việc quản trị nội bộ một cách hiệu quả giai đoạn này vẫn là mục tiêu hàng đầu của các ngân hàng”, ông Ân nói.

Sẽ điều chuyển chỉ tiêu tín dụng

Bà Hà Thu Giang, Vụ trưởng Vụ Tín dụng các ngành kinh tế, Ngân hàng Nhà nước nhận định, nửa cuối năm 2024, tình hình thế giới, khu vực tiếp tục diễn biến phức tạp và khó lường, cạnh tranh nước lớn ngày càng gia tăng, sự phục hồi của các đối tác thương mại lớn còn chậm, Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) chưa có dấu hiệu hạ lãi suất, rủi ro gián đoạn chuỗi cung ứng, chuỗi sản xuất toàn cầu... Trong nước, nền kinh tế còn đối mặt với nhiều thách thức: Sản xuất công nghiệp phục hồi chậm; sản xuất nông nghiệp gặp khó khăn do ảnh hưởng của thời tiết, khí hậu; thị trường bất động sản còn những tồn tại chậm khắc phục; áp lực lạm phát, tỷ giá có xu hướng tăng; thị trường tài chính, tiền tệ vẫn tiềm ẩn rủi ro; hoạt động sản xuất - kinh doanh của doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp nhỏ và vừa còn khó khăn...

“Tuy nhiên, cũng có những thời cơ, thuận lợi, nhất là xu hướng phục hồi của nền kinh tế trong 5 tháng. Các quy định pháp luật mới sẽ có hiệu lực thi hành và những chỉ đạo quyết liệt hành động của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, bộ ngành tiếp tục phát huy hiệu quả”, bà Giang nói.

Là ngân hàng có mức tăng trưởng tín dụng khá thấp, gần 2%, với xấp xỉ 540.000 tỷ đồng tính đến giữa tháng 5/2024, VPBank đang rà soát, tiếp tục đưa ra nhiều sản phẩm số hóa, đơn giản hóa thủ tục cho vay cá nhân, tăng khả năng tiếp cận vốn cho khách hàng. Bà Lưu Thị Thảo, Phó tổng giám đốc VPBank kỳ vọng, với dự báo kinh tế hồi phục cùng với giải pháp tích cực của Ngân hàng, ngay trong tháng 6 này, cho vay cá nhân sẽ tăng trưởng mạnh trở lại. Ngoài ra, Ngân hàng tiếp tục tập trung vào phân khúc khách hàng FDI – được xem là động lực tăng trưởng của Ngân hàng sau khi hợp tác với SMBC.

Trong nỗ lực thúc đẩy tăng trưởng tín dụng, bà Nguyễn Linh Chi, đại diện Ban lãnh đạo PVcomBank cho biết, Ngân hàng sẽ thực hiện tiết giảm chi phí để giảm lãi suất cho vay, đồng thời triển khai các gói vay ưu đãi, đẩy mạnh áp dụng công nghệ, tự động hóa quy trình cho vay, đơn giản hóa quá trình giải ngân… giúp khách hàng tiếp cận vốn dễ dàng hơn.

Còn tại ABBank, ông Phạm Duy Hiếu, Quyền Tổng giám đốc chia sẻ: “Ngân hàng sẽ tăng cường triển khai các gói tín dụng ưu đãi cho khách hàng cá nhân cũng như khách hàng doanh nghiệp, đồng thời tiếp tục thực hiện chấm điểm tín dụng khách hàng để lựa chọn khách hàng tốt. Theo đó, ABBank sẽ tăng trưởng tín dụng dương vào tháng 7/2024, đến cuối năm sẽ hoàn thành mức room được Ngân hàng Nhà nước cấp”.

Từ phía cơ quan quản lý, Phó thống đốc thường trực Ngân hàng Nhà nước Đào Minh Tú cho biết, với những số liệu về tăng trưởng tín dụng được cập nhật, Ngân hàng Nhà nước đánh giá, cần có những biện pháp tích cực hơn hỗ trợ doanh nghiệp, người dân, thúc đẩy tín dụng tăng trưởng mạnh hơn, đáp ứng những mục tiêu đặt ra đầu năm.

“Ngân hàng Nhà nước tiếp tục tạo điều kiện thuận lợi hơn nữa trong vấn đề hạ lãi suất trên cơ sở tiết giảm chi phí của các ngân hàng thương mại và điều hành lãi suất của Ngân hàng Nhà nước ổn định, để hỗ trợ người dân và doanh nghiệp”, ông Tú chia sẻ về định hướng chính sách tiền tệ trong nửa cuối năm 2024.

Đáng chú ý, liên quan đến hạn mức tăng trưởng tín dụng, Phó Thống đốc Đào Minh Tú cho biết, Ngân hàng Nhà nước sẽ theo dõi, giám sát, đánh giá ngân hàng nào tăng trưởng tín dụng không đạt chỉ tiêu chủ động điều chuyển cho ngân hàng có điều kiện, khả năng tăng trưởng tín dụng tốt trong thời gian tới.

“Việc điều chuyển trên đảm bảo mục tiêu kiểm soát lạm phát, kiểm soát vĩ mô, cũng như đảm bảo chất lượng tăng trưởng tín dụng của các tổ chức tín dụng. Như vậy, việc điều chuyển chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng là một trong những nhiệm vụ chủ động linh hoạt của Ngân hàng Nhà nước, không phụ thuộc vào câu chuyện xin - cho của các ngân hàng”, ông Tú nhấn mạnh.

Tăng trưởng được tín dụng là thành công

Ông Nguyễn Thanh Tùng, Tổng giám đốc Vietcombank
Ông Nguyễn Thanh Tùng, Tổng giám đốc Vietcombank

Tính đến hết ngày 17/6, tăng trưởng tín dụng tại Vietcombank đạt 2,4%, tương đương 29.000 tỷ đồng. Nguyên nhân tăng trưởng tín dụng chậm là do tình hình kinh tế thế giới khó khăn, đứt gãy chuỗi cung ứng toàn cầu dẫn đến nhu cầu mua hàng trên toàn cầu sụt giảm đã ảnh hưởng đến nhu cầu tín dụng của nhóm khách hàng FDI, doanh nghiệp sản xuất, xuất khẩu…

Đối với tín dụng bán lẻ, dư nợ tiêu dùng với bất động sản là phần lớn, trong khi thời gian qua, thị trường bất động sản vẫn còn nhiều khó khăn, thu nhập của người dân bị hạn chế… dẫn đến người dân e dè trong việc đầu tư, mua sắm. Bên cạnh đó, tăng trưởng tín dụng thấp có một phần nguyên nhân là vướng mắc tại địa phương. Vietcombank đã ký nhiều cam kết tín dụng lớn, nhưng đến khi tới địa phương thì lại gặp khó khăn trong giải quyết các giấy phép con như phòng cháy chữa cháy... Những yếu tố này vượt quá khả năng của Ngân hàng. Trong bối cảnh như vậy, đạt được mức tăng trưởng tín dụng này đã là thành công với Vietcombank.

Thời gian tới, Vietcombank và các ngân hàng thương mại nhà nước sẽ xem xét tiếp tục giảm lãi suất cho vay, tuy nhiên, trong bối cảnh hiện nay sẽ vô cùng khó khăn khi lãi suất huy động đang tăng lên. Đồng thời, tiếp tục đồng hành cùng các bộ, ngành, địa phương, doanh nghiệp tháo gỡ khó khăn cho các dự án. Mục tiêu xuyên suốt của Vietcombank là hướng dòng vốn vào các dự án lớn, các dự án trọng điểm có tác động đến phát triển kinh tế - xã hội bền vững. Đồng thời, doanh nghiệp FDI và các khách hàng sản xuất hàng xuất khẩu vẫn là khách hàng mục tiêu và khách hàng mang tính đặc thù của Vietcombank thời gian tới. Lộ trình tăng trưởng tín dụng của Vietcombank đến hết ngày 30/6/2024 dự kiến đạt 4,3%, đến hết ngày 30/9 đạt 8,2% và đến hết ngày 31/12/2024 đạt 12%.

BIDV rất muốn cho vay, thậm chí là sốt ruột

Ông Lê Ngọc Lâm, Tổng giám đốc BIDV
Ông Lê Ngọc Lâm, Tổng giám đốc BIDV

Tăng trưởng tín dụng của BIDV cập nhật hết 17/6/2024 là 4,7%, tương ứng dư nợ 1,87 triệu tỷ đồng, tăng 81.000 tỷ đồng so với cuối năm 2023. Tính theo doanh số giải ngân là 3,4 triệu tỷ đồng, vòng quay vốn là 2,78 lần.

Cuối năm ngoái, tín dụng tăng trưởng khá nhanh nên trong tháng 1 và 2 tăng trưởng âm và mới bắt đầu dương trở lại vào tháng 5, nhưng dư nợ so với cùng kỳ năm ngoái tăng 15,6%, con số này không phải thấp. Xét theo địa bàn, tín dụng Hà Nội tăng trưởng 9,6%, TP.HCM tăng 4,1%, Nam Trung Bộ tăng 6,3%. Những khu vực còn lại tăng thấp, có cụm âm. Để thúc đẩy tăng trưởng tín dụng, BIDV hiện có 16 gói tín dụng quy mô 80.000 - 90.000 tỷ đồng, lãi suất thấp hơn 0,5 - 2,5%/năm so với khách hàng thông thường. Đồng thời, trong gần 6 tháng, Ngân hàng giảm lợi nhuận 3.500 tỷ đồng để hỗ trợ khách hàng.

Mặt bằng lãi suất đang ở mức thấp, song tín dụng gặp nhiều khó khăn. Ngân hàng rất muốn cho vay, thậm chí là sốt ruột nhưng sức hấp thụ vốn kém, nên tín dụng tăng trưởng chậm. Nhìn số liệu doanh nghiệp rút khỏi thị trường hoặc tạm ngừng kinh doanh, giải thể tăng cao do gặp phải khó khăn thời hậu Covid-19 cho thấy sức khỏe doanh nghiệp đã giảm sút nhiều, dẫn đến cầu tín dụng giảm.

Ngân hàng sẽ thúc đẩy các chi nhánh tích cực tăng trưởng tín dụng trong 6 tháng cuối năm như tổ chức làm việc, đối thoại, kết nối giữa doanh nghiệp với ngân hàng để tìm ra khó khăn, tháo gỡ vướng mắc; tiếp tục triển khai các gói tín dụng, giảm lãi suất để hỗ trợ thúc đẩy tăng trưởng tín dụng theo các chương trình và chỉ đạo của Ngân hàng Nhà nước.

Agribank đã tăng trưởng tín dụng tốt hơn so với cùng kỳ năm trước

Ông Phạm Toàn Vượng, Tổng giám đốc Agribank
Ông Phạm Toàn Vượng, Tổng giám đốc Agribank

Tính đến ngày 31/5/2024, tổng tài sản của Agribank đạt trên 2 triệu tỷ đồng; trong đó, dư nợ đạt 1,57 triệu tỷ đồng, tăng 1,24%. Dự kiến đến hết 30/6/2024, tín dụng của Ngân hàng sẽ tăng 2,5% và hết năm tăng trưởng 8,5%.

Một số ngành, lĩnh vực có tăng trưởng cho vay cao như: bán buôn, bán lẻ tăng 5,1%; công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 3,1%; sản xuất điện tăng 2,8%. Chương trình nhà ở xã hội đã phê chuẩn 11 dự án với 39 khách hàng, kết quả cao nhất trong các ngân hàng thương mại. Agribank đã triển khai thêm 13 dự án với dư nợ dự kiến 50.000 tỷ đồng. Nông thủy sản đã tăng gói tín dụng từ 5.000 tỷ đồng lên 8.000 tỷ đồng và đến 31/5/2024 đã đạt 6.200 tỷ đồng, dự kiến đến cuối tháng 6 sẽ hết chương trình. Mặc dù tín dụng của Agribank tăng trưởng thấp, nhưng với đặc thù tín dụng, tệp khách hàng thì đây cũng là một kết quả tốt.

Thời gian tới, Agribank tiếp tục triển khai quyết liệt, các giải pháp đẩy mạnh tăng trưởng tín dụng an toàn, hiệu quả; tập trung vốn tín dụng vào các lĩnh vực là động lực phát triển (xuất khẩu, đầu tư, tiêu dùng), tiếp tục tiếp cận và đầu tư vốn đối với các dự án nhà ở xã hội, lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn (lúa gạo, lâm thuỷ sản). Chúng tôi sẽ tiếp tục triển khai các chương trình tín dụng ưu đãi lãi suất cho từng đối tượng khách hàng và có chính sách lãi suất phù hợp nhằm hỗ trợ khách hàng vượt qua giai đoạn khó khăn, phục hồi hoạt động sản xuất - kinh doanh, tăng khả năng tiếp cận vốn tín dụng; tăng cường công tác giám sát và thực hiện nghiêm túc kỷ luật trong xử lý vi phạm trong công tác cho vay.

Dự kiến, từ quý III, tốc độ tăng trưởng tín dụng sẽ tốt hơn

Ông Phạm Như Ánh, Tổng giám đốc MB
Ông Phạm Như Ánh, Tổng giám đốc MB

Tăng trưởng tín dụng của MB đến giữa tháng 6 đạt khoảng 4,5%, tăng khoảng 26.000 tỷ đồng so với đầu năm. So với các năm trước đây, tốc độ này chậm hơn. Nguyên nhân chính là nhu cầu tín dụng của doanh nghiệp và cá nhân hạn chế. Tiếp đến là do tín dụng tháng cuối năm 2023, đặc biệt là 15 ngày cuối năm 2023 tăng mạnh và dòng tiền này được giải ngân trong tháng đầu năm 2024. Dòng tiền bơm ra rất lớn là nguyên nhân tăng trưởng tín dụng trong quý I/2024 của các ngân hàng phần lớn ở trạng thái âm và mới quay lại tăng trưởng dương trong quý II/2024.

Dự kiến quý III - IV/2024, tốc độ tăng trưởng tín dụng sẽ tốt hơn khi sức hấp thụ của nền kinh tế cải thiện trong bối cảnh thị trường bất động sản có dấu hiệu ấm lên ở một số phân khúc.

Tín dụng bất động sản gồm 4 lĩnh vực: cho người dân vay mua nhà ở, cho vay các chủ đầu tư dự án khu công nghiệp; cho vay chủ đầu tư dự án nhà ở; cho vay đầu tư bất động sản nghỉ dưỡng. Trong 6 tháng đầu năm, 4 lĩnh vực này đều gặp khó khăn. Các ngân hàng cho vay lớn nhất là mua nhà để ở, nhưng do kinh tế khó khăn và thu nhập của người dân bị ảnh hưởng nên nhu cầu mua nhà, chuyển đổi nhà trong 6 tháng đầu năm khá chậm.

Lĩnh vực khó khăn thứ hai là bất động sản nghỉ dưỡng. Lượng khách du lịch mới phục hồi một phần so với trước đại dịch Covid-19, nhưng lượng cung của bất động sản nghỉ dưỡng quá lớn trong giai đoạn trước nên mảng này vẫn đang gặp nhiều khó khăn.

Bất động sản khu công nghiệp có thể nói là điểm sáng của thị trường bất động sản 6 tháng đầu năm. Cơ bản các ngân hàng đẩy mạnh hoạt động cho vay trong lĩnh vực bất động sản công nghiệp đều tăng trưởng được. Trong bối cảnh các dự án bất động sản khu công nghiệp cơ bản cũng được tháo gỡ các vướng mắc về mặt pháp lý, NHNN cũng hạ hệ số rủi ro tín dụng bất động sản công nghiệp từ 200% xuống 160%, khuyến khích các ngân hàng cho vay. MB là một ngân hàng cho vay nhiều trong mảng bất động sản công nghiệp.

Với phân khúc bất động sản nhà ở, nhiều năm nay gặp vướng mắc liên quan đến pháp lý và vừa qua, Chính phủ cùng các bộ, ban, ngành đã tập trung tháo gỡ vấn đề này. Hy vọng đến quý III/2024, những khó khăn trong các lĩnh vực bất động sản được tháo gỡ sẽ tạo hiệu ứng chung cho thị trường bất động sản, tăng trưởng tín dụng sẽ tốt hơn.

Dự kiến đến hết tháng 6/2024, tín dụng của MB tăng trưởng từ 6 - 6,5%. Với mục tiêu năm nay tăng trưởng khoảng 15,5%, chúng tôi cần tăng trưởng khoảng 8% nữa trong 6 tháng cuối năm và khả năng sẽ hoàn thành mục tiêu vào đầu hoặc giữa quý IV/2024.

Tin bài liên quan