Bức tranh nợ xấu không quá xấu
Đoàn công tác Điều IV của Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) đã khuyến nghị Việt Nam trong một báo cáo gần đây rằng: “Các quy định cho phép cơ cấu lại nợ mà vẫn giữ nguyên nhóm nợ không nên được gia hạn áp dụng sau thời hạn tháng 6/2022, vì điều này sẽ làm chậm trễ việc ghi nhận các tài sản xấu và có thể làm trầm trọng thêm tình trạng phân bổ tín dụng sai lệch và chấp nhận rủi ro quá mức”.
Khuyến nghị của IMF liên quan đến Thông tư 01/2020/TT-NHNN, nay là Thông tư số 14/2021/TT-NHNN sửa đổi, bổ sung thông tư này, quy định việc tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi suất, phí và giữ nguyên nhóm nợ đã hết hiệu lực vào ngày 30/6/2022.
Quan ngại của IMF không phải là không có cơ sở. TS. Cấn Văn Lực, Kinh tế trưởng BIDV, thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính - tiền tệ Quốc gia cho biết, theo tính toán của Viện Đào tạo nghiên cứu BIDV, dự báo nợ xấu nội bảng năm 2022 sẽ được đẩy lên mức 2% và nợ xấu gộp ở mức khoảng 6%.
“Mặc dù nợ xấu nội bảng hiện ở mức 1,4% nhưng Thông tư 14/2021 đã hết hiệu lực từ cuối tháng 6/2022 nên những khoản lẽ ra không phải chuyển nhóm nợ sẽ phải chuyển nhóm, nên đương nhiên nợ xấu sẽ tăng”, TS. Lực nói.
Số liệu từ báo cáo tài chính hiện có cho thấy, tính đến nay, tổng dự phòng rủi ro của các ngân hàng niêm yết đã tăng nhẹ tầm 7%, chưa bao gồm số liệu của VietinBank (mã CTG) và BIDV (mã BID). Theo dự đoán của các công ty chứng khoán, khi 2 ngân hàng này công bố, khả năng dự phòng rủi ro của hệ thống sẽ giảm nhẹ và trong tổng thể, trích lập dự phòng 6 tháng đầu năm 2022 sẽ đi ngang.
Báo cáo tài chính cho thấy, một số ngân hàng như Sacombank (mã STB), Saigonbank (SGB), VietBank (VBB)… đã tăng mạnh trích lập dự phòng rủi ro, xấp xỉ 200-300%. Cụ thể, trong quý I/2022, chi phí dự phòng rủi ro tín dụng của Sacombank là 704 tỷ đồng, nhưng đến quý II/2022 đã lên 2.204 tỷ đồng (cùng kỳ năm trước là 985 tỷ đồng), nâng tổng mức dự phòng lũy kế 6 tháng đầu lên 2.908 tỷ đồng (cùng kỳ năm trước là 1.461 tỷ đồng).
Tương tự, VietBank trích lập dự phòng 73 tỷ đồng trong quý I/2022 và tăng lên 94 tỷ đồng trong quý II/2022 (cùng kỳ năm trước là 31 tỷ đồng), lũy kế 6 tháng đầu năm là 168 tỷ đồng (cùng kỳ năm trước là 27 tỷ đồng). Con số này tại Saigonbank là 78 tỷ đồng trong quý I/2022; 103 tỷ đồng trong quý II/2022 (cùng kỳ năm trước là 35 tỷ đồng) và 181 tỷ đồng lũy kế 6 tháng đầu năm (cùng kỳ năm trước là 31 tỷ đồng).
Một số ngân hàng khác ghi nhận mức tăng trích lập dự phòng thấp hơn đáng kể như LienVietPostBank (mã LPB) xấp xỉ 60%, VPBank (mã VPB) khoảng 33%... Cụ thể, chi phí dự phòng quý II/2022 của LienVietPostBank là 637 tỷ đồng, tăng 57% so với cùng kỳ năm trước (405 tỷ đồng), nâng chi phí dự phòng 6 tháng đầu năm lên 949 tỷ đồng, tăng 54% cùng kỳ.
Tại VPBank, trong quý II/2022 thu về 13.286 tỷ đồng doanh thu và 4.177 tỷ đồng lãi trước thuế, tuy vẫn ghi nhận mức tăng 10% ở chỉ tiêu doanh thu nhưng lãi trước thuế đã giảm 17% so với cùng kỳ năm trước, nguyên nhân chủ yếu do chi phí dự phòng rủi ro tín dụng trong kỳ tăng 33% lên gần 5.600 tỷ đồng.
Đáng chú ý, nhiều ngân hàng lớn lại giảm dự phòng. Đơn cử, Vietcombank (mã VCB) ghi nhận chi phí dự phòng rủi ro tín dụng lũy kế 6 tháng đầu năm 2022 giảm 9% xuống 5.007 tỷ đồng. Techcombank có chi phí dự phòng giảm đáng kể 56,1% do tình hình tài chính của nhiều khách hàng phục hồi và các khoản trích lập dự phòng trước đây được hoàn nhập.
Với ACB, trong quý II/2022, ngân hàng này được hoàn nhập hơn 267 tỷ đồng dự phòng rủi ro tín dụng, trong khi cùng kỳ trích dự phòng hơn 1.386 tỷ đồng. Kết quả, ACB báo lãi trước thuế hơn 4.914 tỷ đồng, tăng 51% so với cùng kỳ 2021.
Room tín dụng ít, lợi nhuận giảm tốc nhanh
Nhiều ngân hàng gần như cho vay 100% (96-97%) tiền huy động được, trong khi quy định chỉ cho phép 80%, số huy động còn lại rất ít nên rủi ro thanh khoản rất lớn.
Ông Nguyễn Quốc Hùng, Tổng thư ký Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam cho biết, theo số liệu Hiệp hội tổng hợp được, có hàng triệu tỷ đồng bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh, song nợ cơ cấu chỉ rơi vào khoảng 300.000 tỷ đồng. Thực tế, nguy cơ nợ xấu của các ngân hàng cao hơn nhiều so với số liệu trên sổ sách kế toán. Dừng thực hiện Thông tư 14/2021 sẽ khiến các ngân hàng đối mặt rõ hơn với nợ xấu.
Một báo cáo gần đây của Công ty Chứng khoán VNDirect cũng lưu ý, ngành ngân hàng đã phải đối mặt với những khó khăn do lo ngại về lạm phát, biên lãi ròng (NIM) thu hẹp và nợ xấu tăng nhanh sau khi Thông tư 14/2021 kết thúc.
“Tuy nhiên, các sự kiện nói trên sẽ không đem lại những hệ quả nghiêm trọng và các ngân hàng Việt Nam có thể vượt qua mọi rủi ro về chất lượng tài sản nhờ vào bộ đệm dự phòng lớn và việc giải ngân vào phân khúc bất động sản có rủi ro cao được kiểm soát chặt chẽ”, báo cáo của VNDirect nhấn mạnh.
Bà Trần Thị Khánh Hiền, Giám đốc Khối Phân tích VNDirect nêu quan điểm, đa số các ngân hàng lớn đã trích lập đủ dự phòng rủi ro trước khi Thông tư 14/2021 hết hiệu lực, đồng nghĩa với việc nợ xấu mới không phát sinh thêm quá nhiều.
Ông Trần Đăng Phi, Phó chánh thanh tra Cơ quan Thanh tra giám sát, Ngân hàng Nhà nước trấn an, bên cạnh nền kinh tế đã ổn định, quy mô dư nợ tín dụng của các đối tượng được cơ cấu nợ theo Thông tư 14/2021 chỉ chiếm 5% tổng dư nợ nền kinh tế, nên việc dừng thực hiện cũng không khiến tín dụng toàn hệ thống bị ảnh hưởng.
Tuy nhiên, chia sẻ với Báo Đầu tư Chứng khoán, phó tổng giám đốc một ngân hàng cổ phần cho biết, “đối mặt” với Thông tư 14/2021 hết hạn, phần lớn ngân hàng đã tăng trích lập dự phòng từ trước và điều này sẽ làm giảm lợi nhuận, nhưng không mạnh. Song, ở thời điểm này, việc hạn mức (room) tăng trưởng tín dụng ít khiến lợi nhuận giảm tốc nhanh mới là điều đáng quan ngại.
TS. Lê Xuân Nghĩa, chuyên gia kinh tế cũng cho hay: “Room tín dụng của các ngân hàng từ nay đến cuối năm còn rất ít và Ngân hàng Nhà nước đã phát đi thông điệp rất rõ ràng là kiên định với mục tiêu tăng trưởng tín dụng 14% trong năm nay, bởi tính đến ngày 11/7/2022, tín dụng đã tăng 9,06%, nghĩa là chỉ cần nới chút xíu thì room sẽ hết ngay trong quý III này, vậy đến quý IV là thời điểm sôi động nhất của nền kinh tế sẽ còn gì? Điều này buộc Ngân hàng Nhà nước phải cân nhắc trong hành động”.
Theo TS. Nghĩa, nhiều ngân hàng đề phòng Thông tư 14/2021 hết thời hiệu đúng hạn (ngày 30/6/2022) nên đã trích lập dự phòng rủi ro sớm từ quý IV/2021 và quý I/2022, nên lợi nhuận những ngân hàng này sẽ giảm không nhiều. Trong khi đó, các ngân hàng trích lập muộn sẽ cùng lúc chịu tác động bởi 2 vấn đề: Một là tỷ lệ cho vay thấp và hai là trích lập dự phòng rủi ro tăng lên, do đó lợi nhuận sẽ giảm mạnh trong 2 quý cuối năm 2022.
“Đây là điều không có gì lạ. Các ngân hàng cần trở lại tình trạng bình thường”, TS. Nghĩa nhấn mạnh.
Trong một diễn biến có liên quan, TS. Nghĩa tiết lộ: “Hiện hệ thống đang đối mặt với tình trạng căng thẳng liên quan đến tỷ lệ cho vay trên huy động. Nhiều ngân hàng gần như cho vay 100% (96-97%) tiền huy động được, trong khi quy định chỉ cho phép 80%, số huy động còn lại rất ít nên rủi ro thanh khoản rất lớn”.