Quản lý thuế sẽ được quy định tại một văn bản duy nhất

0:00 / 0:00
0:00
Toàn bộ nội dung, quy trình, thủ tục, hồ sơ, mẫu biểu... về quản lý thuế sẽ được quy định tại một văn bản duy nhất đang được Bộ Tài chính hoàn thiện.

Theo bà Lê Thị Duyên Hải, Vụ trưởng Vụ Kê khai và Kế toán thuế (Tổng cục Thuế), tinh thần chính của hoạt động quản lý thuế là phải tạo điều kiện tối đa cho doanh nghiệp.

Ngành thuế đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính nhằm tạo thuận lợi tối đa cho doanh nghiệp thực hiện nghĩa vụ với ngân sách nhà nước (NSNN), nhưng việc hoàn lại tiền doanh nghiệp nộp thừa thì vẫn còn phiền hà, thưa bà?

Bà Lê Thị Duyên Hải, Vụ trưởng Vụ Kê khai và Kế toán thuế (Tổng cục Thuế)

Bà Lê Thị Duyên Hải, Vụ trưởng Vụ Kê khai và Kế toán thuế (Tổng cục Thuế)

Chính vì vậy, Luật Quản lý thuế năm 2019 đã quy định, doanh nghiệp (người nộp thuế) có số tiền thuế, tiền chậm nộp, tiền phạt đã nộp lớn hơn số tiền thuế, tiền chậm nộp, tiền phạt phải nộp, thì được tự động bù trừ số tiền còn nợ hoặc trừ vào số tiền phải nộp của lần tiếp theo, hoặc được hoàn trả số tiền nộp thừa khi không còn nợ NSNN.

Trường hợp đề nghị bù trừ giữa số tiền nộp thừa với số tiền còn nợ, thì không tính tiền chậm nộp tương ứng với khoản tiền bù trừ trong khoảng thời gian từ ngày phát sinh khoản nộp thừa đến ngày cơ quan quản lý thuế thực hiện bù trừ. Trường hợp sau khi bù trừ chưa hết, doanh nghiệp có quyền yêu cầu hoàn trả số tiền nộp thừa.

Quy định này đã đặt vị trí của doanh nghiệp và ngân sách nhà nước bình đẳng với nhau.

NSNN có hoàn lại ngay tiền nộp thừa không, hay doanh nghiệp vẫn phải chờ đợi?

Từ trước tới nay, sau khi bù trừ, nếu không hết, thì doanh nghiệp phải chờ đợi thêm ít nhất 6 tháng xem trong khoảng thời gian này có phát sinh nghĩa vụ thuế với NSNN không, nếu có thì tiếp tục bù trừ, còn không thì mới được hoàn trả.

Tuy nhiên, theo hướng dẫn quy định về quản lý thuế đang được Tổng cục Thuế hoàn thiện để trình Bộ trưởng Bộ Tài chính ban hành trong thời gian tới, khoản tiền này sẽ hoàn trả lại “ngay và luôn” khi doanh nghiệp có yêu cầu.

Trong hướng dẫn quản lý thuế, chúng tôi sẽ quy định cụ thể trách nhiệm của cơ quan quản lý thuế, thời gian, thủ tục thực hiện bù trừ giữa số thuế nộp thừa và số thuế còn thiếu, cũng như việc hoàn trả lại tiền thuế cho doanh nghiệp.

Thưa bà, liệu có xảy ra trường hợp NSNN không trả lại số tiền nộp thừa cho doanh nghiệp?

NSNN sẽ không hoàn lại tiền nộp thừa trong trường hợp cơ quan thuế đã thông báo cho doanh nghiệp về số tiền thuế nộp thừa được hoàn trả, nhưng doanh nghiệp từ chối nhận lại với nhiều lý do, trong đó có lý do là số tiền hoàn trả không lớn, doanh nghiệp không muốn mất thời gian.

Trường hợp doanh nghiệp không hoạt động tại địa chỉ đã đăng ký kinh doanh, đã được cơ quan thuế thông báo về số tiền nộp thừa trên phương tiện thông tin đại chúng mà sau một năm không yêu cầu hoàn trả, thì cũng không được NSNN hoàn trả.

Trường hợp nữa là khoản nộp thừa quá thời hạn 10 năm mà doanh nghiệp không bù trừ nghĩa vụ thuế và không đề nghị hoàn thuế. Định kỳ, sau ngày 31/3 hàng năm, cơ quan thuế thực hiện rà soát và lập danh sách doanh nghiệp có khoản nộp thừa quá thời hạn 10 năm, gửi thông báo về khoản nộp thừa quá thời hạn 10 năm để doanh nghiệp biết và thực hiện hoàn thuế. Sau 15 ngày kể từ ngày gửi thông báo mà cơ quan thuế không nhận được phản hồi của doanh nghiệp, thì sẽ ra quyết định không hoàn trả khoản nộp thừa.

Mặc dù đã quản lý rất chặt chẽ, nhưng tình trạng chiếm đoạt tiền thuế qua hoàn thuế giá trị gia tăng vẫn diễn ra khá phổ biến và mức độ vi phạm ngày càng nghiêm trọng. Quy định mới về quản lý thuế liệu có ngăn chặn được tình trạng này không?

Tất cả văn bản quy phạm pháp luật về quản lý thuế đều hướng đến mục tiêu ngăn chặn tình trạng gian lận thuế, né thuế, trốn thuế, đặc biệt là chiếm đoạt tiền thuế thông qua việc hoàn thuế giá trị gia tăng.

Hướng dẫn quản lý thuế mới cũng hướng đến hoàn thiện hệ thống văn bản pháp luật để ngăn chặn tình trạng này. Vì vậy, trong hồ sơ đề nghị hoàn thuế giá trị gia tăng, chúng tôi sẽ quy định cụ thể doanh nghiệp bắt buộc phải có những loại giấy tờ gì. Chẳng hạn, đối với trường hợp hoàn thuế giá trị gia tăng cho dự án đầu tư thì bắt buộc phải có bản sao giấy chứng nhận đăng ký đầu tư hoặc giấy chứng nhận đầu tư hoặc giấy phép đầu tư; bản sao chứng từ góp vốn điều lệ; bảng kê hóa đơn, chứng từ hàng hóa, dịch vụ mua vào; văn bản ủy quyền của chủ dự án đầu tư đối với trường hợp chủ dự án đầu tư không thực hiện thủ tục hoàn thuế…

Với quy định ngày một chặt chẽ, hy vọng tình trạng chiếm đoạt tiền ngân sách nhà nước thông qua hoàn thuế giá trị gia tăng sẽ giảm.

Ngăn chặn tình trạng chiếm đoạt tiền ngân sách qua hoàn thuế giá trị gia tăng, nhưng cũng phải có cách tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp xuất khẩu trong trường hợp bị thu hồi lại tiền hoàn thuế, thưa bà?

Hàng hóa, dịch vụ xuất khẩu được hoàn thuế giá trị gia tăng, nhưng rất nhiều doanh nghiệp, hiệp hội doanh nghiệp cho biết, họ gặp khó khăn do bị thu hồi tiền hoàn thuế và phải nộp tiền chậm nộp trong trường hợp hàng hóa xuất khẩu bị trả lại vì lý do nào đó.

Về nguyên tắc, khi hàng hóa bị trả lại, doanh nghiệp phải trả lại tiền hoàn thuế cho NSNN. Việc này, không doanh nghiệp nào thắc mắc, nhưng doanh nghiệp phàn nàn việc phải nộp tiền chậm nộp cho số tiền hoàn thuế.

Hàng hóa xuất khẩu bị trả lại gây thiệt hại cho doanh nghiệp và nếu phải nộp tiền chậm nộp kể từ khi được hoàn thuế giá trị gia tăng thì đúng là càng gây khó khăn cho doanh nghiệp. Chính vì vậy, chúng tôi đang nghiên cứu và đề xuất có thể chỉ yêu cầu doanh nghiệp nộp tiền chậm nộp kể từ khi hàng hóa phải nhập khẩu trở lại, hoặc kể từ khi nhận được thông báo của đối tác về việc trả lại hàng hóa, thay vì tính từ khi doanh nghiệp được hoàn thuế.

Tin bài liên quan