Bộ Thông tin và Truyền thông cho biết, Nếu để tồn tại SIM rác, sẽ không cấp phép các dịch vụ mới cho nhà mạng
Trước đó, Cục Viễn thông đã có công văn số 3505/VT-HTKN gửi Tổng cục Quản lý thị trường về việc hỗ trợ thanh tra, kiểm tra hoạt động mua bán SIM trên thị trường, nhằm ngăn chặn tình trạng SIM rác, SIM kích hoạt sẵn trên thị trường hiện nay.
Tổng cục Quản lý thị trường vừa có văn bản yêu cầu lực lượng Quản lý thị trường các địa phương kiểm tra, kiểm soát hoạt động mua bán, lưu thông trên thị trường SIM thuê bao di động đã được nhập sẵn thông tin thuê bao, kích hoạt sẵn dịch vụ di động trả trước;
Các đơn vị được yêu cầu sẽ tiến hành kiểm tra việc mua, bán, cung cấp SIM thuê bao di động cho các cá nhân, tổ chức tại các điểm cung cấp dịch vụ viễn thông không được các doanh nghiệp viễn thông ủy quyền.
Tổng cục Quản lý thị trường yêu cầu Quản lý thị trường các địa phương báo cáo kết quả kiểm tra, xử lý (nếu có) về Tổng cục Quản lý thị trường qua Cục Nghiệp vụ Quản lý thị trường để Cục tổng hợp, báo cáo.
Theo báo cáo của Bộ Thông tin và Truyền thông, hiện ước tính chỉ còn khoảng 6,8 triệu SIM nghi vấn có thông tin không chính xác đang lưu thông (chiếm dưới 5% tổng số thuê bao đang hoạt động).
Hiện tổng số thuê bao của 5 doanh nghiệp viễn thông tại Việt Nam là hơn 129 triệu thuê bao. Trong số đó, Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam (VNPT) có 31.772.194 thuê bao, Tập đoàn Công nghiệp-Viễn thông Quân đội (Viettel) có 67.426.866 thuê bao; Tổng Công ty Viễn thông MobiFone có 26.020.172 thuê bao; Công ty Cổ phần Viễn thông Di động Vietnamobile có 4.406.018 thuê bao; Công ty Cổ phần Viễn thông Di động toàn cầu Gtel có 229.977 thuê bao.
Trong trong đợt thanh tra diện rộng thông tin thuê bao di động mới đây, lực lượng chức năng đã xử phạt hành chính tổng cộng 777 triệu đồng đồng thời tịch thu 6.900 SIM được đăng ký thông tin thuê bao, kích hoạt sẵn dịch vụ.
Theo đại diện Thanh tra Bộ Thông tin và Truyền thông, tình trạng SIM kích hoạt sẵn hay còn gọi là SIM "rác" vẫn tồn tại bởi nhiều nguyên nhân. Thứ nhất, do các điểm cung cấp dịch vụ viễn thông ủy quyền thực chất trước đây là các hộ kinh doanh bán SIM, thẻ cào, điện thoại di động,... được một doanh nghiệp khác thiết lập thành địa điểm kinh doanh trực thuộc.
Ngoài ra, các điểm cung cấp dịch vụ viễn thông này đã lợi dụng "kẽ hở" của Nghị định số 49/2017/NĐ-CP ngày 24/4/2017 của Chính phủ không quy định hạn chế số lượng SIM để đăng ký sử dụng nhiều thuê bao. Các điểm cung cấp dịch vụ viễn thông cũng lợi dụng thông tin cá nhân của khách hàng đã đăng ký sử dụng dịch vụ trước đây để tiếp tục giao kết hợp đồng theo mẫu, điều kiện giao dịch chung…
Từ giữa năm 2019, nhằm tăng tính chính xác thông tin thuê bao, ba doanh nghiệp viễn thông là Tập đoàn VNPT, Tổng Công ty Viễn thông MobiFone, Tập đoàn Viettel đã áp dụng công nghệ trí tuệ nhân tạo trong việc đăng ký thông tin thuê bao di động trả trước.
Nhằm hạn chế tình trạng SIM rác và tin nhắn rác gây phiền toái cho người dân, từ ngày 1/6/2020, cả ba nhà mạng lớn tuyên bố chính thức ngừng bán bộ hòa mạng (hay còn gọi là KIT) tại các đại lý ủy quyền. Đặc biệt, các nhà mạng dừng quyền đấu nối số thuê bao (tức kích hoạt SIM của các đại lý) và nhà mạng chỉ tập trung việc bán SIM, đăng ký thông tin thuê bao tại các điểm cung cấp dịch vụ viễn thông của chính nhà mạng.