Ông Phạm Trung Minh

Ông Phạm Trung Minh

Quản lý tận chân tài khoản của NĐT, bao giờ?

(ĐTCK-online) Một trong những nội dung quan trọng tại Thông tư số 43/2010/TT-BTC ngày 25/3/2010 sửa đổi, bổ sung Quy chế đăng ký, lưu ký, bù trừ và thanh toán chứng khoán ban hành kèm theo Quyết định số 87/2007/QĐ-BTC là Trung tâm Lưu ký chứng khoán (VSD) phải quản lý đến từng tài khoản NĐT, thay vì quản lý thông qua tài khoản tổng của CTCK như trước đây. ĐTCK đã có cuộc trao đổi với ông Phạm Trung Minh, Trưởng phòng Đăng ký chứng khoán của VSD xung quanh nội dung này.

Minh bạch trong quản lý tài khoản, đặc biệt là quản lý đến từng tài khoản NĐT là yêu cầu bức thiết của thị trường những năm qua. Theo ông, vì sao đến nay chúng ta mới có quy định về vấn đề này?

Việc quản lý tách bạch tài khoản đã được quy định rõ trong Quy chế đăng ký, lưu ký, thanh toán bù trừ ban hành kèm theo Quyết định 87/2007/QĐ-BTC. Theo đó, tổng số dư trên các tài khoản lưu ký chứng khoán của khách hàng mở tại thành viên lưu ký (TVLK) phải luôn khớp với số dư các tài khoản lưu ký của TVLK mở tại VSD và thành viên có trách nhiệm quản lý tách bạch tài khoản cho từng khách hàng. Tuy nhiên, do hệ thống phần mềm tại VSD thời gian qua chỉ xây dựng để quản lý theo mô hình tài khoản tổng của thành viên, nên việc theo dõi quản lý đến từng tài khoản NĐT chưa thực hiện được.

Hiện nay, hệ thống mới mà VSD chuẩn bị đưa vào áp dụng đã có thêm chức năng theo dõi đến từng tài khoản của khách hàng và Thông tư 43 sửa đổi lần này cũng đã quy định cụ thể hơn: "Số dư chi tiết trên tài khoản lưu ký chứng khoán của từng khách hàng tại TVLK phải khớp với số liệu sở hữu của khách hàng đó tại VSD".

Sắp tới, khi triển khai theo quy định mới, TVLK sẽ phải đối chiếu và khớp số dư thêm đến chi tiết từng tài khoản NĐT, với số liệu sở hữu chứng khoán của NĐT tại VSD. Điều này có ý nghĩa rất quan trọng, vì giúp VSD phát hiện các trường hợp thừa, thiếu chứng khoán, sai sót trong giao dịch tại các CTCK và có hướng xử lý kịp thời. Đồng thời giúp UBCK giám sát tốt hơn hoạt động giao dịch, quản lý tài sản của NĐT tại các CTCK.

 

Ông có thể cho biết, công nghệ của VSD và các CTCK liệu đã cho phép thực hiện được điều này?

Có thể hình dung thế này: hệ thống của CTCK và của VSD chạy độc lập với nhau, nhưng đều thực hiện các hạch toán các hoạt động lưu ký, thanh toán bù trừ căn cứ trên cùng bộ chứng từ. Vì vậy, về mặt lý thuyết, số liệu tại 2 hệ thống này sẽ giống nhau. Mấu chốt nằm ở chỗ, làm sao thực hiện đối chiếu được với nhau để so khớp số liệu giữa hai hệ thống. Để giải quyết việc này, trong hệ thống mới VSD đã có thêm chức năng cổng kết nối điện tử để thực hiện trao đổi số liệu, báo cáo và hoạt động nghiệp vụ. VSD sẽ gửi cho các TVLK số dư tài khoản tổng và số dư chi tiết đến từng khách hàng qua cổng kết nối này và yêu cầu TVLK xác nhận. Các TVLK có trách nhiệm đối chiếu và thông báo lại VSD nếu có sự chênh lệch số liệu. Nếu TVLK không có phản hồi thì số liệu mà VSD gửi được coi là chính xác. Sau này, nếu có sai sót gì (chênh lệch, thừa hoặc thiếu chứng khoán) thì TVLK phải chịu trách nhiệm.

Có thể nói, việc kết nối hệ thống của các CTCK với VSD không có vấn đề gì lớn, khi trên nền tảng công nghệ hiện tại, các công ty chỉ phải lắp thêm cổng kết nối, chứ không phải chỉnh sửa hệ thống. Hiện chúng tôi đã thực hiện triển khai xong việc kết nối cổng giao tiếp điện tử với 102 trên tổng số 110 TVLK và sẽ triển khai chính thức trong thời gian sắp tới.

 

Việc cho phép bán chứng khoán ngày T+2 có thể thực hiện ngay trên hệ thống công nghệ mà VSD đã đầu tư và chạy thử nghiệm không, thưa ông?

Chúng tôi đã đầu tư và xây dựng hệ thống này cách đây hơn 1 năm, trong khi việc bán chứng khoán ngày T+2 là "bài toán" mà Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCK) vừa đặt ra cho VSD. Do đó, để thực hiện được nghiệp vụ này, chúng tôi cần phải chỉnh sửa phần mềm một chút. Thay đổi, chỉnh sửa hệ thống để thực hiện cho bán T+2 không quá khó, nhưng cần có sự thống nhất chung về cách thức hạch toán, theo dõi tại VSD và các TVLK. Đây là vấn đề mấu chốt cần xử lý, vì nó sẽ là căn cứ để thực hiện việc quản lý, giám sát hoạt động này. Khi thực hiện bán chứng khoán ngày T+2, thì với VSD, vấn đề là hệ thống phải theo dõi và quản lý được. Còn với các CTCK, hệ thống phải kiểm soát được hoạt động này để có thể quản trị rủi ro. Với việc theo dõi đến từng tài khoản NĐT thì việc sửa phần mềm để theo dõi các CTCK bán chứng khoán T+2 ra sao, VSD có thể thực hiện được. Qua buổi tọa đàm với các CTCK về vấn đề này mới đây, việc chỉnh sửa công nghệ của CTCK cho phù hợp với VSD không phải là vấn đề lớn.

 

Vậy thì bao giờ NĐT có thể thực hiện việc bán chứng khoán ngày T+2, thưa ông?

Theo tôi, việc triển khai thực hiện bán trước chứng khoán không nên nóng vội để tránh rủi ro. Trước đây, có thể có một số CTCK cho phép bán trước, nhưng đó là với một số ít NĐT, đối với một vài mã chứng khoán và một số giao dịch, nên dễ theo dõi, không quá phức tạp. Nhưng khi thực hiện đại trà, tức là có nhiều giao dịch nhỏ, với nhiều mã chứng khoán và nhiều NĐT, nếu các CTCK không tính toán và chuẩn bị hệ thống kỹ càng, thì có thể dẫn đến sai sót, gây rủi ro cho cả hệ thống của họ và hệ thống thanh toán của VSD. Việc chạy thử nghiệm trong môi trường dữ liệu thật như thế nào cũng là vấn đề lớn, trong bối cảnh vẫn phải đảm bảo thị trường vận hành an toàn, ổn định. Khoảng 2 tuần nữa các TVLK sẽ gửi báo cáo về thực trạng công nghệ, quy trình quản lý rủi ro, khả năng và thời gian triển khai tại mỗi công ty về UBCK. Căn cứ vào đó, UBCK sẽ tổng hợp ý kiến chung của các TVLK và có hướng chỉ đạo VSD thực hiện. Vì vậy, thời gian triển khai sắp tới không chỉ phụ thuộc vào VSD, mà còn phụ thuộc vào nỗ lực chung của các TVLK.