Quản lý quỹ ngoại thâm nhập thị trường nhà đầu tư đại chúng

Quản lý quỹ ngoại thâm nhập thị trường nhà đầu tư đại chúng

(ĐTCK) Vào thời điểm tháng 4/2012 khi công ty quản lý quỹ nội là VIPC đang lỗ lũy kế hơn nửa số vốn điều lệ 33 tỷ đồng thì một nhóm nhà đầu tư ngoại xuất hiện. Những câu chuyện như vậy đang âm thầm diễn ra tại thời điểm này.
 

Tháng 4/2012, một nhóm nhân sự chủ chốt của một công ty quản lý quỹ thành lập tại Anh là Vietnam Asset Management (VAM) đã mua lại một phần vốn góp của công ty quản lý quỹ nội là VIPC. Trong nhóm này, ông Nguyễn Xuân Minh được bổ nhiệm làm Phó Chủ tịch HĐQT của VIPC và bà Nguyễn Hoài Thu làm thành viên HĐQT. Vào thời điểm này, VIPC đang lỗ lũy kế hơn nửa số vốn điều lệ 33 tỷ đồng.

Đầu năm 2013, cũng nhóm nhân sự này đã góp thêm 13 tỷ đồng vào VIPC, tăng vốn điều lệ của Công ty lên 46 tỷ đồng và đến quý III/2013, hoạt động kinh doanh của Công ty, lúc này do bà Thu làm Tổng giám đốc, bắt đầu có sự thay đổi. Danh mục nhà đầu tư ủy thác từ chỗ hầu như không có, đã tăng lên hơn 16,5 tỷ đồng trong quý III/2013, trong đó hơn 9,5 tỷ đồng là tiền ủy thác từ nhà đầu tư nước ngoài.

VIPC bắt đầu có doanh thu từ hoạt động kinh doanh. Công ty từ đây cũng được đổi tên thành VAM Việt Nam và được VAM xóa một khoản nợ hơn 1 tỷ đồng, giúp cho VAM Việt Nam lãi được 190 triệu đồng trong năm 2013, so với việc lỗ 2,5 tỷ đồng hồi năm 2012.

Theo tiết lộ của ông Nguyễn Xuân Minh, Tổng giám đốc VAM thì VAM Việt Nam “đang trong quá trình xin giấy phép thành lập 2 quỹ mở”, một quỹ trong nước dành cho các nhà đầu tư tại Việt Nam và một quỹ tại Luxemburg, chủ yếu phục vụ cho các nhà đầu tư châu Âu muốn đầu tư vào TTCK Việt Nam.

Việc thành lập quỹ mở của VAM Việt Nam nằm trong xu hướng chung của các công ty quản lý quỹ chuyển sang phân khúc nhà đầu tư đại chúng trong khoảng một năm trở lại đây, trong đó bắt đầu xuất hiện các đối thủ cạnh tranh nước ngoài, những tổ chức có lợi thế hơn về kinh nghiệm quản lý loại sản phẩm mới này.

Tiêu biểu nhất gần đây đã có hai hãng bảo hiểm nước ngoài thành lập công ty quản lý quỹ tại Việt Nam là ACE Life Việt Nam và Dai-ichi Life Việt Nam. Giới quan sát cho rằng, hai hãng bảo hiểm ngoại này muốn nhắm đến thị trường quỹ hưu trí tự nguyện, khi mà khung pháp lý cho loại quỹ đầy tiềm năng này đang được các cơ quan quản lý hoàn thiện.

Ông Lâm Hải Tuấn, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc ACE Life Vietnam trong thông cáo báo chí ngày 29/10/2013 của ACE Life Việt Nam cho biết, công ty quản lý quỹ mới sẽ thành lập và quản lý các loại quỹ khác nhau, “trong đó có quỹ mở và quỹ hưu trí tự nguyện”.

Trong nhóm 9 công ty đã thành lập quỹ mở, Vietcombank Fund cùng với đối tác ngoại của mình là Franklin Templeton Investments đang đẩy mạnh truyền thông cho quỹ mở VCBF-TBF. Khác với các công ty trong ngành, công ty này còn đưa ra cả sản phẩm Chương trình đầu tư định kỳ (SIP), loại sản phẩm của các thị trường phát triển dành đặc thù cho các nhà đầu tư cá nhân, gắn kèm với VCBF-TBF. Tương tự, Eastspring Investments đã thực hiện một chuỗi truyền thông về quỹ mở ngay từ trước khi ra mắt Quỹ ENF của mình.

Chia sẻ với ĐTCK về kế hoạch hướng đến khách hàng đại chúng, Tổng giám đốc VAM Nguyễn Xuân Minh nói: “Chúng tôi tin rằng nguồn vốn đầu tư trong dân rất dồi dào, nhưng thị trường đang thiếu kênh đầu tư đơn giản, dễ tiếp cận cũng như minh bạch và hiệu quả cho nhóm khách hàng này”.

Lý giải về quãng thời gian gần 2 năm lặng lẽ tiếp quản VIPC và hoạt động vẫn chưa có gì nổi bật, ông Minh cho biết: “Chúng tôi muốn giúp VAM Việt Nam từng bước phát triển ổn định và chắc chắn, chứ không vội vã”. Trong khoảng thời gian này, VAM chủ yếu tập trung vào việc tái cấu trúc VIPC. Tính đến 31/12/2013, VAM Việt Nam vẫn đang báo cáo lỗ lũy kế 20,5 tỷ đồng trên số vốn điều lệ 46 tỷ đồng.

Theo ông Minh, VAM Việt Nam từ khi được tiếp quản đã tập trung vào hoạt động quản lý danh mục đầu tư ủy thác và đang xin cấp phép thêm dịch vụ tư vấn đầu tư chứng khoán. Ngoài quỹ mở, công ty này cũng sẽ cung cấp cả các sản phẩm quỹ đầu tư dạng đóng và quỹ thành viên cũng như danh mục đầu tư ủy thác.

Tin bài liên quan