UBCK cho biết, Pacific Bridge đã không báo cáo theo quy định pháp luật. Cụ thể, Công ty không báo cáo UBCK về Báo cáo quản trị rủi ro bán niên 2019.
Bên cạnh đó, Công ty báo cáo UBCK không đúng thời hạn quy định về báo cáo tài chính quý II/2019, các báo cáo định kỳ tháng 1, 5, 6, 10, 11/2019, Báo cáo tài chính bán niên soát xét năm 2019, Báo cáo tỷ lệ an toàn tài chính bán niên soát xét năm 2019, Báo cáo tài chính năm 2018 kiểm toán và Báo cáo tỷ lệ an toàn tài chính năm 2018 kiểm toán.
Với nhà đầu tư đại chúng, Công ty Quản lý Quỹ đầu tư Pacific Bridge là một cái tên khá xa lạ, nhưng trên thực tế, đây là gương mặt cũ trong ngành quản lý quỹ ở Việt Nam. Cái gốc của công ty này là Công ty cổ phần Quản lý quỹ Sao Vàng.
Công ty này có tiền thân là Quỹ đầu tư Nhân Việt và chính thức có tên gọi Công ty cổ phần Quản lý quỹ Sao Vàng từ tháng 8/2013, sau khi Công ty cổ phần Tư vấn đầu tư Sao Vàng (thuộc Tập đoàn Sao Vàng) góp vốn cổ phần mua lại.
Trong quá trình hoạt động, Công ty cổ phần Quản lý quỹ Sao Vàng cũng đã từng bị UBCK phạt 200 triệu đồng trong năm 2017.
Cụ thể, công ty này bị phạt 150 triệu đồng do sử dụng tài sản ủy thác để cho vay và bị phạt thêm 50 triệu đồng nữa do không tuân thủ hợp đồng quản lý đầu tư.
Sau những thua lỗ triền miên, hiệu quả hoạt động nhạt nhòa, yếu kém, doanh nghiệp này đã tìm cách đổi tên để tìm cơ hội mới trên thị trường.
Quý III/2018, UBCK cấp giấy phép điều chỉnh giấy phép thành lập và hoạt động của Công ty cổ phần Quản lý quỹ Sao Vàng với cái tên mới là Công ty cổ phần Quản lý quỹ đầu tư Pacific Bridge, tiếp tục kinh doanh trong lĩnh vực quản lý quỹ với chức năng chính là lập và quản lý quỹ dầu tư chứng khoán, tư vấn tài chính, tư vấn đầu tư chứng khoán, quản lý danh mục đầu tư chứng khoán. Vốn điều lệ của doanh nghiệp là 60 tỷ đồng.
Đổi tên thành công, nhưng hoạt động kinh doanh yếu kém vẫn đeo bám Pacific Bridge. Dù đã bước qua năm 2020, Pacific Bridge mới chỉ công bố thông tin báo cáo bán niên soát xét năm 2019 trên website của Công ty.
Trong 6 tháng đầu năm 2019, Pacific Bridge gần như không có doanh thu, trong khi chi phí quản lý doanh nghiệp đã ngốn tới 914 triệu đồng, khiến Pacific Bridge gánh lỗ 1,1 tỷ đồng. Dù vậy, khoản lỗ này cũng đã giảm so với con số 1,5 tỷ đồng của 6 tháng đầu năm trước đó.
Theo bảng cân đối kế toán, tính đến ngày 30/6/2019, tổng tài sản của Pacific Bridge là hơn 28,5 tỷ đồng, giảm hơn 1 tỷ đồng so với đầu năm.
Trong đó, tài sản lưu động giảm 4% xuống mức 23,3 tỷ đồng. Tài sản cố định và đầu tư dài hạn chiếm hơn 17% tổng tài sản, ở mức gần 5,2 tỷ đồng.
Trong khi đó, nợ phải trả đã tăng hơn 31 tỷ đồng, lên mức 151,4 tỷ đồng so với đầu năm. Toàn bộ đều là nợ ngắn hạn.
Với kết quả kinh doanh trên, Pacific Bridge đã lỗ hơn 50% vốn chủ sở hữu, hiện chỉ còn hơn 28,3 tỷ đồng.
Tại thời điểm kết thúc quý II/2019, trong danh sách cổ đông của Pacific Bridge có một cổ đông pháp nhân là Công ty cổ phần Tư vấn đầu tư Sao Vàng, sở hữu 4,08% cổ phần và 3 cổ đông cá nhân.
Trước đó vào tháng 3/2019, theo UBCK, Pacific Bridge còn nằm trong danh sách 19 công ty đến nay chưa từng thành công trong gọi vốn để lập quỹ đầu tư, trong tổng số 45 công ty quản lý quỹ đang hoạt động thời điểm đó.