Hệ thống pháp luật quản lý đầu tư công chưa đồng bộ, nên còn nảy sinh nhiều bất cập

Hệ thống pháp luật quản lý đầu tư công chưa đồng bộ, nên còn nảy sinh nhiều bất cập

Quản lý nguồn vốn đầu tư công, cấp thiết đồng bộ hệ thống luật

(ĐTCK)  Đến nay, Việt Nam chưa có một văn bản luật nào quy định đồng bộ việc quản lý cũng như giám sát nguồn vốn đầu tư công, dẫn đến nhiều bất cập trong quản lý và sử dụng vốn. Thực tế đang đòi hỏi cần gấp rút đưa Luật Đầu tư công vào cuộc sống.

Thực tế, trong nhiều văn bản pháp luật có quy định một số nội dung liên quan đến việc quản lý, đầu tư, sử dụng vốn nhà nước. Nhưng do nhiều nguyên nhân, như phạm vi đối tượng chế định của từng luật, nội dung, chế tài khác nhau, ban hành trong thời gian khác nhau, cho nên không thể tổng hợp các quy định của các luật để áp dụng đối với đầu tư công. Do đó, cần thiết phải ban hành Luật Đầu tư công, cùng với các luật khác để tạo ra hệ thống pháp luật đồng bộ trong quản lý đầu tư công. Dưới đây là so sánh một số nội dung trong Dự thảo Luật Đầu tư công với các luật có liên quan.

Luật Ngân sách nhà nước (NSNN)

Phạm vi đối tượng điều chỉnh của Luật này quy định về việc quản lý các khoản thu, chi được đưa vào cân đối NSNN và được thực hiện trong một năm. Trong khi đó, phạm vi đối tượng điều chỉnh Luật Đầu tư công quy định toàn bộ việc quản lý và sử dụng vốn đầu tư công.

Về phạm vi nguồn vốn đầu tư công, ngoài nguồn vốn NSNN được quy định trong Luật NSNN, Luật Đầu tư công còn chế định đối với các nguồn vốn: công trái quốc gia, trái phiếu chính phủ, trái phiếu chính quyền địa phương, nguồn vốn hỗ trợ phát triển chính thức (ODA) và vốn vay ưu đãi của các nhà tài trợ, tín dụng đầu tư phát triển của Nhà nước...

Về lập kế hoạch đầu tư nguồn NSNN, trong Luật NSNN chỉ quy định chung về trình tự lập, thẩm định, phê duyệt dự toán NSNN; không có quy định về quyết định chủ trương đầu tư, lựa chọn danh mục, bố trí kế hoạch đầu tư như thế nào để bảo đảm việc chi tiêu hiệu quả nguồn vốn này. Trong khi đó, Dự thảo Luật Đầu tư công quy định toàn diện và chặt chẽ tất cả các hoạt động này.

Luật Xây dựng

Luật Xây dựng quy định về hoạt động xây dựng; tập trung vào các nội dung về mặt kỹ thuật và chỉ áp dụng cho các dự án đầu tư có cấu phần xây dựng. Trong khi đó, phạm vi điều chỉnh Luật Đầu tư công cho tất cả các dự án đầu tư công; quản lý hoạt động đầu tư và quản lý, sử dụng vốn đầu tư từ chủ trương đầu tư đến lựa chọn danh mục dự án đầu tư, lập kế hoạch đầu tư trung hạn và hàng năm.

Ngoài ra, việc lập, thẩm định, phê duyệt còn được áp dụng cho các chương trình đầu tư công và các dự án đầu tư không có cấu phần xây dựng. Hiện nay, chưa có văn bản pháp luật nào quy định đối tượng điều chỉnh này.

Luật Quản lý nợ công

Để bảo đảm về an toàn nợ công, nợ quốc gia, trong Dự thảo Luật Đầu công quy định về nguyên tắc và căn cứ lập kế hoạch đầu tư công phải ưu tiên đảm bảo về an toàn nợ công và tuân thủ chiến lược nợ quốc gia. Việc đầu tư các chương trình, dự án, cũng như kế hoạch đầu tư công trung hạn và hàng năm bắt buộc phải được thực hiện theo kế hoạch vay, trả nợ Chính phủ.

Luật Phòng, chống tham nhũng và Luật Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí

Trong hai luật này, có một số quy định về nguyên tắc chung trong việc lập, thẩm định, phê duyệt quy hoạch, kế hoạch và danh mục dự án đầu tư; làm căn cứ pháp lý để phòng chống tham nhũng, lãng phí; không quy định chi tiết, cụ thể, nhưng thống nhất với Dự thảo Luật Đầu tư công.

Dự thảo Luật Đầu tư công yêu cầu việc quản lý vốn đầu tư công phải được thực hiện một cách công khai, minh bạch; chế định thêm các quy định về giám sát cộng đồng của người dân. Yêu cầu các cơ quan quản lý các chương trình, dự án đầu tư công trước khi phê duyệt quyết định đầu tư phải tham khảo ý kiến cộng đồng dân cư nơi thực hiện dự án đối với việc quyết định đầu tư các dự án quan trọng quốc gia, dự án nhóm A, dự án có quy mô di dân, tái định canh, định cư lớn, dự án có nguy cơ tác động lớn đến môi trường, dự án có ảnh hưởng trực tiếp tới đời sống kinh tế - xã hội của cộng đồng dân cư nơi thực hiện dự án… Đây là những quy định mang tính đổi mới, phù hợp với các thông lệ quốc tế trong quản lý sử dụng nguồn vốn đầu tư nhà nước. Do đó, việc ban hành các quy định cụ thể trong Dự thảo Luật Đầu tư công sẽ hỗ trợ cho việc xử lý các trường hợp vi phạm nêu tại hai luật trên.

Có thể nhận định rằng, Luật Đầu tư công, dự kiến được Quốc hội  thông qua ngày 18/6 này, cùng với các luật chuyên ngành khác sẽ tạo khuôn khổ pháp lý đồng bộ, thống nhất điều chỉnh toàn bộ hoạt động đầu tư công, bảo đảm việc phân bổ, quản lý, sử dụng nguồn lực của Nhà nước hiệu quả.    

Tin bài liên quan