Hiện tại, hầu hết CTCK quản trị margin bằng hệ thống tự động, giúp quản trị rủi ro tốt hơn

Hiện tại, hầu hết CTCK quản trị margin bằng hệ thống tự động, giúp quản trị rủi ro tốt hơn

Quản lý margin, nhìn từ trường hợp của HNG

(ĐTCK) Các cổ phiếu được phép giao dịch ký quỹ (margin) mà các CTCK đang áp dụng với nhà đầu tư dựa trên danh sách do 2 Sở GDCK cung cấp định kỳ. Theo nhiều CTCK, danh sách này hiện bộc lộ không ít bất cập.

Bất cập thấy rõ nhất là có nhiều mã chứng khoán được phép margin, nhưng CTCK không đưa vào danh sách cho vay, hoặc cho vay ở mức rất thấp. Bởi lẽ, tính thanh khoản của cổ phiếu đó quá kém, nhà đầu tư không có nhu cầu sử dụng margin với các mã này. Trong khi đó, một số mã không nằm trong danh sách do 2 Sở GDCK công bố, nhưng nhà đầu tư lại có nhu cầu margin.

Trao đổi với ĐTCK, lãnh đạo một CTCK lớn có trụ sở tại TP. HCM đánh giá, việc đưa ra tiêu chuẩn cho danh mục cổ phiếu được phép margin như hiện tại của Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCK) và 2 Sở GDCK là có cơ sở, giúp thị trường hạn chế được nhiều rủi ro.

Từ thực tế giai đoạn trước của thị trường, việc cấp margin thiếu kiểm soát tại một số CTCK dẫn đến tình trạng nhiều mã cổ phiếu bị “làm giá” quá mức, gây ra những tổn thất không nhỏ cho thị trường. Sau đó, UBCK đã quyết định kiểm soát danh mục này, nhằm giúp thị trường ổn định trở lại.

Tuy nhiên, sau 5 năm, diện mạo thị trường đã khác. Hiện tại, hầu hết CTCK đều thực hiện quản trị margin bằng hệ thống tự động, điều này giúp các CTCK quản trị rủi ro tốt hơn, cũng như phản ứng kịp thời hơn với những biến động của thị trường. Vì thế, bất cập nêu trên đang “bó gối” các CTCK và cả NĐT trong hoạt động margin.

Thậm chí, một số CTCK cho rằng, trong bối cảnh Luật Doanh nghiệp 2014 đã có hiệu lực, DN được làm mọi việc mà pháp luật không cấm, thì việc UBCK đề ra quy định và Sở GDCK theo đó lập danh sách những mã cổ phiếu được margin hàng quý đã không còn phù hợp.

Ngoài ra, UBCK, Sở GDCK không thường xuyên cập nhật “sức khỏe” của các DN niêm yết bằng chính khối CTCK, nên danh sách margin không cập nhật đầy đủ, nhanh chóng những mã cổ phiếu đang có triển vọng tốt. Thông thường, các Sở thống kê danh sách cổ phiếu dựa trên yếu tố cơ bản (loại bỏ DN lỗ liên tục 2 năm liên tiếp, bị cảnh báo…), nhưng danh sách này luôn bỏ qua những DN mới niêm yết.

Chưa kể, theo các tiêu chí như trên, cơ quan quản lý vô tình để lọt một số cổ phiếu thuộc hàng “vịt” vào danh sách margin, mà đáng nhẽ ra cần phải có sự giám sát chặt chẽ để hạn chế rủi ro cho thị trường.

Đơn cử, trường hợp cổ phiếu HNG. Lên sàn niêm yết với giá tham chiếu 28.000 đồng/CP, nhưng chỉ sau một thời gian ngắn, giá cổ phiếu này liên tục sụt giảm. Cổ phiếu HNG nhanh chóng mất đi phần lớn giá trị khi DN vướng vào nghi án “nợ” của công ty mẹ HAG, cùng “uẩn khúc” trong câu chuyện phát hành 59 triệu cổ phiếu riêng lẻ hồi tháng 1/2016 cho nhà đầu tư chiến lược, mà người mua lỗ đến cả ngàn tỷ đồng.

Bên cạnh đó, doanh thu và lợi nhuận của HNG trong 2 năm 2014 - 2015 đều ghi nhận con số dương không nhỏ, nhưng phân tích dòng tiền của HNG lại cho thấy thâm hụt lớn. Cụ thể, lưu chuyển tiền tệ từ hoạt động kinh doanh âm 559 tỷ đồng trong năm 2014 và âm hơn 2.000 tỷ đồng trong 2015.

Yếu tố làm thâm hụt dòng tiền từ hoạt động kinh doanh của HNG xuất phát từ tăng hàng tồn kho và trả tiền lãi vay.

Nói về hàng tồn kho, HNG đang tích tụ hàng tồn kho lớn, tính ra tiền thì cũng tăng gần 4 lần trong 2 năm gần đây, lên 2.962 tỷ đồng vào cuối năm 2015, chủ yếu đến từ nuôi bò. Để bù đắp phần hao hụt tiền và giải quyết nhu cầu đầu tư lớn, HNG đã nhận về một khoản kỷ lục hơn 13.000 tỷ đồng từ vay nợ trong năm 2015.

Những con số trên cho rằng, doanh thu hay lãi ròng tăng trưởng sẽ không có nhiều ý nghĩa đối với HNG, nếu khả năng tạo tiền mặt của doanh nghiệp này có vấn đề. Dòng tiền âm liên tiếp đồng nghĩa với việc “máu trong cơ thể” của HNG đang bị rút kiệt, mặc dù báo cáo lãi “khủng”.

“HNG niêm yết vào ngày 20/7/2015, nhưng phải đến 2/2/2016, tức là chậm hơn chục ngày, cổ phiếu này mới được thông báo đưa vào diện được cấp margin. Điều này cho thấy, HOSE bối rối trong việc liệu có nên đưa HNG vào diện được cấp margin hay không. Kiểu quản lý margin theo lối hành chính vô tình trói chân chính UBCK và các Sở giao dịch với các cổ phiếu có tình trạng tương tự như HNG, bởi khi đã được cấp phép margin, một biến động nhỏ cũng gây ra tác động lớn”, lãnh đạo một CTCK nói.

Theo các CTCK, cấp margin hay cho vay margin là vấn đề của công ty, họ sẽ tự chủ và tự chịu trách nhiệm về sức khỏe tài chính của mình. Thực tế, 99,99% các giao dịch margin là dành cho NĐT lướt sóng, nên bản thân CTCK soi rất kỹ từng cổ phiếu khi lập ra danh mục các mã cho phép margin, bao gồm cả chất lượng và tính thanh khoản của cổ phiếu. Do đó, việc can thiệp trực tiếp vào hoạt động nghiệp vụ của CTCK trong điều kiện hiện nay nên được xem xét lại.        

Tin bài liên quan