Tại Chương trình Đối thoại đầu tuần do Báo Đầu tư phối hợp cùng Cộng đồng Cố vấn tài chính Việt Nam (VWA) tổ chức với chủ đề "Xu thế quản lý gia sản tại Việt Nam - Wealth management in Vietnam", các chuyên gia đã có chia sẻ cụ thể về “nhầm lẫn” của nhiều người đối với câu chuyện quản lý gia sản.
Quản lý gia sản không phải “từ mới” đối với thị trường Việt Nam, nhưng các thành viên thị trường vẫn còn nhiều mơ hồ đối với vấn đề này.
Ông Nguyễn Minh Tuấn, CEO AFA Capital, nhà sáng lập Nền tảng đầu tư và quản lý tài chính cá nhân TOPI cho biết, chúng ta đã khá quen thuộc với việc quản lý tài sản, bởi thường gắn với tài sản đầu tư như cổ phiếu, trái phiếu, bất động sản…, làm sao để tài sản tăng trưởng.
Tuy nhiên, quản lý gia sản – Wealth Management gồm 3 cấu phần. Thứ nhất là xây dựng kế hoạch tài chính dài hạn. Đây là yếu tố mới với người Việt bởi chúng ta thường đầu tư 3 - 6 tháng tới 1 năm, chưa có kế hoạch dài hạn để về hưu, chuẩn bị cho các mục tiêu tương lai...
TS. Lê Xuân Nghĩa, Chuyên gia tài chính ngân hàng và ông Nguyễn Minh Tuấn, CEO của AFA Capital, Nhà Sáng lập Nền tảng đầu tư và quản lý tài chính cá nhân TOPI chia sẻ tại Talkshow (Ảnh: Chí Cường) |
“Khác biệt đầu tiên giữa quản lý tài sản và gia sản chính là kế hoạch tài chính dài hạn”, ông Tuấn nhấn mạnh.
Thứ hai là quản lý danh mục kinh doanh. Gần đây, thị trường ghi nhận nhiều thông tin về các kế hoạch chuyển giao tài sản giữa các thế hệ, người cha chuyển giao hoạt động kinh doanh cho con, làm sao để gia sản đó được tiếp tục vận hành, phát triển tốt nhất. Ở thị trường nước ngoài sẽ có kế hoạch kế tục để chuyển giao tài sản giữa các thế hệ một cách hiệu quả, thông suốt.
Thứ ba là quản lý danh mục đầu tư, yếu tố này tại thị trường Việt Nam đã có phần quen thuộc. Trong mục này sẽ có 2 phần: tài sản tài chính (tiền gửi, vàng, cổ phiếu, trái phiếu…) và bất động sản.
“Thị trường Việt Nam quen với việc chỉ có một tài sản đầu tư trong danh mục. Ví dụ tập trung gửi tiết kiệm hoặc mua vàng. Năm nào thị trường cổ phiếu hoặc bất động sản mạnh lên thì bán vàng để mua vào. Điều này tạo nên rủi ro nhất định. Vấn đề là phải xây dựng được danh mục tài sản tài chính có sự tăng trưởng và bền vững”, ông Tuấn cho biết.
Như vậy, ở góc độ tổng quản, quản lý tài sản chỉ là quản lý một lớp tài sản đầu tư. Trong khi đó, quản lý gia sản là lập kế hoạch, có kế hoạch chuyển giao và kế hoạch đầu tư. Ở một số quốc gia phát triển, tại lĩnh vực quản lý gia sản sẽ có các công ty quản lý gia sản, thường gọi là Family office để quản lý việc đầu tư của toàn bộ gia tộc/gia đình.
3 cấu phần của Quản lý gia sản |
Về vấn đề quản lý gia sản, Ts. Lê Xuân Nghĩa, chuyên gia tài chính – ngân hàng cho biết, điểm cần chú ý chính là kế hoạch tài chính dài hạn, bởi gia sản và sự thịnh vượng khác với chuyện quản lý tài sản ngắn hạn hoặc đầu tư/đầu cơ. Người trẻ cần có đường hướng về sự nghiệp tài chính của mình và cho cả gia đình. Đây cũng là bước đầu tiên của quản lý gia sản.
“Quản lý gia sản là khái niệm không chỉ thuần tuý về tài chính. Từ thời xưa đã nêu tới câu chuyện quản lý gia sản ngay từ khi còn rất nghèo: Nghèo phải tiết kiệm và để dành để có tích sản, từ đó mới có thể đi lên. Hiện nay, ví dụ một cặp vợ chồng với thu nhập 20 triệu đồng/tháng thì vẫn phải nghĩ tới quản lý gia sản, tiết kiệm tạo ra tích sản và tạo nền tảng tài chính cho tương lai. Nền tảng này chưa phải điều gì ghê gớm, có thể chỉ là đảm bảo tạo cơ hội cho con cái học hành, cải tạo nhà cửa… Chính trong quá trình này cũng sẽ xuất hiện những cơ hội, nếu không có sự chuẩn bị thì không đón được cơ hội. Điều này áp dụng cho mọi giới, kể cả người nghèo lẫn người giàu”, ông Nghĩa chia sẻ và nhấn mạnh: “phải có chiến lược tài chính dài hạn để duy trì khả năng tăng trưởng tài sản, đó là cách thức hình thành sự thịnh vượng, giàu có của giới trẻ”.
Đáng chú ý, trong câu chuyện về quản lý gia sản, không chỉ có tiết kiệm mà còn là đầu tư. Nếu không tích luỹ thì không có tài sản để đầu tư và nếu không đầu tư thì không thể tăng trưởng tài sản.
Chia sẻ thêm về thị trường quản lý gia sản tại Việt Nam, ông Tuấn cho biết, tính từ năm 2011 cho tới nay, tăng trưởng GDP của Việt Nam đang đứng đầu khu vực và có thứ hạng cao trên thế giới. Xét về thị trường đầu tư tài chính cá nhân, có một khái niệm là PFA – Personal financial assets – đo lường tiền gửi, trái phiếu, lượng cổ phiếu được khách hàng cá nhân sở hữu tăng trưởng như thế nào qua các năm.
“Tốc độ tăng trưởng tài sản đầu tư cá nhân của thị trường Việt Nam đang đứng đầu châu Á và tăng trưởng trung bình hàng năm 15%. Điều này giúp chúng ta nhận thấy 2 vấn đề. Thứ nhất, Việt Nam có truyền thống tích luỹ. Thứ hai, thị trường tài sản đầu tư tài chính cá nhân của người dân theo xu thế tăng trưởng mạnh mẽ”, ông Tuấn cho biết.