Thị trường quản lý gia sản hấp dẫn bậc nhất khu vực
Nằm trong top những nền kinh tế có tốc độ tăng trưởng nhanh nhất thế giới, Việt Nam cũng là một trong những thị trường quản lý gia sản hấp dẫn bậc nhất khu vực, nhờ số lượng người giàu tăng lên nhanh chóng.
Báo cáo Thịnh vượng của Knight Frank (Anh) dự báo, từ năm 2023 tới năm 2028, tốc độ gia tăng người siêu giàu tại Việt Nam sẽ nhanh hàng đầu thế giới, đứng thứ 5 tại khu vực châu Á - Thái Bình Dương, với mức tăng 30%, chỉ xếp sau Ấn Độ (50,1%), Trung Quốc (47%), Thổ Nhĩ Kỳ (42,9%), Malaysia (34,6%).
Dẫn số liệu, Việt Nam hiện có 7 tỷ phú USD, hơn 1.000 người siêu giàu (sở hữu tài sản từ 30 triệu USD trở lên), hơn 70.000 người có giá trị tài sản ròng cao (1 - 5 triệu USD), chưa kể tầng lớp khách hàng khá giả, ông Nguyễn Minh Tuấn, Tổng giám đốc AFA Capital nhấn mạnh, đây là đối tượng hướng tới của ngành quản lý gia sản.
Chuyên gia của McKinsey ước tính, thị trường quản lý gia sản của Việt Nam sẽ đạt quy mô 600 tỷ USD vào năm 2027, tốc độ tăng trưởng 11%/năm. Tuy nhiên, ông Nguyễn Minh Tuấn cho rằng, nếu tính cả vàng và bất động sản, quy mô tài sản cá nhân tại Việt Nam có thể lên tới hàng ngàn tỷ USD.
Theo McKinsey, hơn một nửa dân số Việt Nam được dự đoán sẽ gia nhập tầng lớp trung lưu toàn cầu vào năm 2035. Khi thu nhập và tài sản tích lũy tăng lên, bảo toàn và gia tăng tài sản sẽ trở thành nhu cầu thiết yếu với người dân. Thay vì tự quản lý tài sản, nhiều người có thể chọn giải pháp hiệu quả hơn là sử dụng dịch vụ quản lý tài sản tại các tổ chức chuyên nghiệp.
Nguyên nhân khiến thị trường quản lý gia sản Việt Nam chưa xứng với tiềm năng là do sản phẩm chưa đa dạng, hành lang pháp lý chưa đồng bộ, các đơn vị quản lý tài sản chưa tạo được niềm tin với nhà đầu tư, chất lượng đội ngũ tư vấn quản lý gia sản chưa cao… Muốn thị trường quản lý gia sản phát triển, thì các trung gian, các nhà tư vấn chuyên nghiệp phải phát triển vững chắc và ổn định, khi đó mới tạo được niềm tin cho nhà đầu tư.
- TS. Lê Xuân Nghĩa, chuyên gia kinh tế
Mặc dù quy mô tài sản cá nhân tại Việt Nam lên tới hàng trăm, hàng ngàn tỷ USD, song tài sản được quản lý mới đạt khoảng 50 tỷ USD. Nói cách khác, “miếng bánh” thị trường quản lý gia sản tại Việt Nam rất lớn và các công ty quản lý tài sản mới chỉ khai thác được một phần rất nhỏ. Một thị trường rộng lớn vẫn còn đang chờ khai thác.
Các chuyên gia quản lý quỹ dự báo, tỷ trọng khách hàng giàu có và khá giả tham gia thị trường quản lý gia sản sẽ tăng nhanh trong thời gian tới. Dù vậy, để có thể thu hút được tầng lớp khách hàng này, các công ty quản lý gia sản còn rất nhiều việc phải làm.
Cần xây dựng đội ngũ cố vấn tài chính đủ mạnh
“Hiện tỷ lệ nhà đầu tư Việt Nam tham gia đầu tư tài chính mới chiếm 7 - 8% dân số, trong khi ở nhiều quốc gia, khu vực trên thế giới, tỷ lệ này lên tới 40 - 80%. Tốc độ tăng tài sản tích sản của Việt Nam cũng vào nhóm cao nhất thế giới, cho thấy cơ hội đầu tư rất lớn. Nếu chúng ta có được nền tảng pháp lý tốt và xây dựng được những định chế đủ mạnh, thì thị trường quản lý gia sản của Việt Nam sẽ tăng trưởng tốt”, TS. Lê Xuân Nghĩa, chuyên gia kinh tế nhận định.
Tại thị trường Việt Nam hiện nay, các tổ chức quản lý gia sản chính là ngân hàng, công ty chứng khoán, công ty quản lý quỹ, công ty bảo hiểm, fintech… Trong đó, ngân hàng đang là đơn vị quản lý gia sản lớn nhất nhờ uy tín, mạng lưới rộng lớn và sản phẩm đa dạng.
Đề cập vấn đề này, ông Nguyễn Minh Tuấn cho biết: “Trong thị trường quản lý gia sản Việt Nam, ngân hàng là điểm chạm gần gũi nhất, mạng lưới phổ biến nhất trên thị trường tài chính. Mỗi khách hàng đến ngân hàng đều được phân luồng thành các nhóm khác nhau. Với các khách hàng VIP, ngân hàng cung cấp dịch vụ quản lý gia sản, giúp khách hàng được tự do, không phải mất nhiều thời gian để nghiên cứu các kênh đầu tư, các lớp tài sản, phân bổ vốn đầu tư…”.
Có thể thấy, thời gian gần đây, khách hàng tìm đến dịch vụ tư vấn quản lý gia sản ngày càng tăng, song theo các chuyên gia, ngành quản lý gia sản tại Việt Nam chưa phát triển tương xứng và hầu như không theo kịp nhu cầu của khách hàng. Nguyên nhân chính là nguồn nhân lực tư vấn tài chính chưa cao.
Ngoài ra, những lùm xùm liên quan đến thị trường bảo hiểm, trái phiếu doanh nghiệp vừa qua cũng ảnh hưởng đến niềm tin của nhà đầu tư khi tham gia thị trường này.
Một yếu tố nữa khiến thị trường quản lý gia sản Việt Nam phát triển chưa tương xứng là cơ chế để khuyến khích các công ty hoạt động trong lĩnh vực này chưa đầy đủ.
Đơn cử, hiện chưa có quy định phù hợp về thuế để khuyến khích người dân đầu tư qua quỹ thay vì tự đầu tư; các quy định của pháp luật hiện hành cũng chưa khuyến khích nhà đầu tư tham gia đầu tư trái phiếu doanh nghiệp, chưa có chính sách ưu đãi hấp dẫn để khuyến khích ngành quỹ phát triển…
Ngoài ra, theo TS. Lê Xuân Nghĩa, quy định về giá trần chứng khoán hiện nay (biên độ 7% đối với sàn HoSE, 10% với sàn HNX hoặc 15% với sàn UPCoM) không khuyến khích được các nhà đầu tư lớn, đặc biệt là các nhà đầu tư nước ngoài. Đó là những hạn chế khiến thị trường tài chính Việt Nam không phát triển như mong đợi. Người Việt Nam có “khẩu vị” rủi ro rất lớn, nếu những điểm hạn chế nói trên được khắc phục, thị trường quản lý gia sản và thị trường tài chính tại Việt Nam sẽ phát triển rất mạnh.