Chủ trì Hội thảo có Phó Tổng Kiểm toán nhà nước Hà Thị Mỹ Dung và Thứ trưởng Bộ TN&MT Lê Minh Ngân.
Hội thảo với khoảng 200 đại biểu, khách mời đến từ Uỷ ban Kinh tế của Quốc hội; Bộ TM&MT, Cục Quy hoạch và Phát triển tài nguyên đất (Bộ TM&MT); Cục Quản lý giá (Bộ Tài chính); UBND các tỉnh/thành phố Hà Nội, Khánh Hòa; Sở Tài chính các tỉnh/thành phố Hà Nội, Hà Nam; Sở TM&MT các tỉnh/thành phố Hà Nội, Hòa Bình; Ngân hàng Thế giới; Hiệp hội Bất động sản TP. Hồ Chí Minh… và sự tham gia đồng hành của Ngân hàng TMCP Công Thương Việt Nam, Ngân hàng TMCP Ngoại Thương Việt Nam và Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam.
Quy định về giá đất không còn phù hợp thực tiễn
Cục trưởng Cục Quy hoạch và Phát triển tài nguyên đất, Bộ TN&MT - ông Đào Trung Chính - cho biết, Luật Đất đai năm 2013 cùng với các văn bản dưới Luật đã góp phần đáng kể vào phát triển kinh tế, ổn định chính trị, xã hội; quyền và nghĩa vụ của người sử dụng đất được bảo đảm và phát huy.
Chính sách, pháp luật đất đai đã tạo hành lang pháp lý đồng bộ, chặt chẽ và khả thi cho việc khai thác nguồn lực và sử dụng hợp lý, tiết kiệm và có hiệu quả đất đai, tăng đáng kể nguồn thu cho ngân sách, đóng góp tích cực cho việc phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh của đất nước.
Tuy nhiên, ông Đào Trung Chính cũng nhìn nhận, công tác quản lý và sử dụng đất còn không ít tồn tại, hạn chế. Đặc biệt, đến nay, một số quy định của pháp luật về giá đất đã không còn hiệu quả trong thực tiễn, bộc lộ một số hạn chế.
Cụ thể, một số phương pháp xác định giá đất chưa phù hợp điều kiện thực tế về thông tin thị trường quyền sử dụng đất và công tác quản lý nhà nước về giá đất trong bối cảnh cơ sở dữ liệu về giá đất chưa hoàn thiện.
Quy định về nội dung, điều kiện áp dụng các phương pháp định giá đất có điểm chưa phù hợp, chưa cụ thể dẫn đến có trường hợp một thửa đất áp dụng các phương pháp khác nhau cho các kết quả khác nhau khiến địa phương lúng túng trong lựa chọn.
Đồng thời, việc phân cấp, phân quyền trong xác định giá đất chưa phù hợp, chưa đồng bộ với thẩm quyền giao đất, cho thuê đất, thu hồi đất... dẫn đến khối lượng công việc định giá đất cụ thể lớn tập trung vào các cơ quan cấp tỉnh, trong khi năng lực cơ quan định giá, Hội đồng thẩm định giá đất còn hạn chế.
Bên cạnh đó, Bảng giá đất tại một số địa phương còn thấp hơn nhiều so với giá thị trường. Quy định về việc lựa chọn đơn vị tư vấn xác định giá đất phải căn cứ vào kế hoạch định giá đất cụ thể, tuân thủ pháp luật về đấu thầu, dẫn đến một số trường hợp không lựa chọn được đơn vị tư vấn thực hiện, kéo dài thời gian, làm chậm tiến độ định giá đất…
Từ thực tiễn địa phương, Phó giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội - ông Mai Trọng Thái - cũng nhấn mạnh, một số bất cập chưa được giải quyết chủ yếu do chính sách pháp luật về đất đai và các pháp luật khác có liên quan còn nhiều điểm chưa đồng bộ, thống nhất; pháp luật đất đai có nhiều nội dung không còn phù hợp với thực tế hiện nay, cần được nghiên cứu sửa đổi.
Đơn cử, quy định về nhận chuyển nhượng, nhận góp vốn bằng quyền sử dụng đất nông nghiệp để thực hiện dự án đầu tư nhà ở thương mại không thực hiện được do chưa thống nhất giữa quy định của Luật Đất đai, Luật Đầu tư với quy định của Luật Nhà ở; không có cơ chế xử lý đối với trường hợp nhà đầu tư khó khăn trong việc nhận chuyển nhượng toàn bộ quyền sử dụng đất (do người sử dụng đất không thỏa thuận hoặc yêu cầu giá cao …).
Liên quan đến chính sách thu hồi đất, giao đất, cho thuê đất thực hiện dự án đầu tư, ông Thái chỉ rõ, các dự án thuộc đối tượng được Nhà nước thu hồi đất theo quy định của pháp luật đất đai trước Luật Đất đai 2013 (nhưng chưa hoàn thành GPMB); được chuyển tiếp thực hiện nhưng không thuộc đối tượng thu hồi đất theo Luật Đất đai 2013; không có quy định cho phép tiếp tục thực hiện thu hồi đất GPMB đối với diện tích đất còn lại chưa hoàn thành GPMB. Nhà đầu tư phải thực hiện nhận chuyển nhượng, nhận góp vốn bằng quyền sử dụng đất đối với diện tích đất này.