Thưa ông, khi Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về Dự án Luật Cư trú (sửa đổi), có ý kiến so sánh rằng, nếu làm được việc bỏ hộ khẩu thì giống một “cuộc cách mạng”, giống như bỏ sổ gạo thời bao cấp. Nhưng, Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Pháp luật thì vẫn chỉ ra khá nhiều khó khăn của “cuộc cách mạng” này?
Trước hết, phải khẳng định, đề xuất thay đổi phương thức quản lý cư trú của Chính phủ là quá hay, quan điểm sửa đổi như vậy là rất tốt.
Việc này cũng không phải đến bây giờ mới bàn, mà đã được bàn từ Quốc hội khóa XIII, thậm chí từ khóa trước nữa, nhưng do hạ tầng công nghệ thông tin và điều kiện để đảm bảo thi hành khi đó chưa đáp ứng được, nên bây giờ mới tiếp tục đề xuất.
Song Thường trực Ủy ban Pháp luật và cá nhân tôi có băn khoăn, vì phương thức quản lý cư trú mới nếu không khả thi sẽ gây xáo trộn lớn đối với cuộc sống, sinh hoạt của người dân.
Nền tảng công nghệ để vận hành phương thức quản lý cư trú mới là Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư và Cơ sở dữ liệu về cư trú. Để bảo đảm tính khả thi của luật, thì trước thời điểm Luật Cư trú (sửa đổi) có hiệu lực, các cơ sở dữ liệu này phải được hoàn thành đồng bộ, đưa vào vận hành và bảo đảm kết nối, cập nhật, chia sẻ, khai thác thông tin thông suốt giữa các cơ quan đăng ký, quản lý cư trú từ trung ương đến cơ sở; đồng thời kết nối và chia sẻ thông tin với các cơ sở dữ liệu chuyên ngành khác có liên quan như Cơ sở dữ liệu hộ tịch, Cơ sở dữ liệu quốc gia về xuất cảnh, nhập cảnh của công dân…
Luật Căn cước công dân đã quy định, chậm nhất từ ngày 1/1/2020 phải thực hiện thống nhất công tác quản lý công dân thông qua Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư. Tuy nhiên, đến nay, vẫn chưa thấy hình hài Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư và tôi được biết, Chính phủ đang đề nghị lùi sang tháng 6/2021 mới hoàn thành.
Số định danh cá nhân được xác lập từ Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, nên nếu việc này chậm, thì sẽ ảnh hưởng đến toàn bộ chính sách mới trong Luật Cư trú (sửa đổi).
Khi bỏ sổ hộ khẩu, sẽ tác động tới rất nhiều thủ tục có liên quan đến hộ khẩu tại nhiều luật và văn bản dưới luật. Vậy làm thế nào để chính sách mới không gây xáo trộn, ảnh hưởng đến quyền, lợi ích hợp pháp của công dân, tổ chức và hoạt động bình thường của cơ quan nhà nước, thưa ông?
Đây cũng là vấn đề cần quan tâm. Bên cạnh các Luật: Bảo hiểm y tế, Lý lịch tư pháp, Doanh nghiệp..., qua rà soát sơ bộ, Thường trực Ủy ban Pháp luật nhận thấy, có 27 thủ tục hành chính quy định trong các văn bản dưới luật yêu cầu phải có sổ hộ khẩu.
Theo yêu cầu của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật, khi sửa Luật Cư trú đồng thời phải chỉ ra và sửa đổi ngay những quy định liên quan. Tương tự với Luật Quy hoạch, Quốc hội có thể dùng một luật sửa nhiều luật, chỉ sửa những quy định liên quan đến hộ khẩu theo quy trình rút gọn.
Vậy nên, quan trọng nhất vẫn là tích hợp được thông tin, các cơ quan nhà nước đều sử dụng được, khai thác đúng mục đích, vận hành thông suốt, thì người dân mới đỡ được thời gian và chi phí như mục đích đặt ra khi bỏ hộ khẩu.
Nói vậy là ông vẫn đang lo lắng về công tác chuẩn bị để khi luật có hiệu lực là thi hành được ngay?
Một vị Thứ trưởng Bộ Công an trong cuộc họp thẩm tra sơ bộ Dự án Luật Cư trú (sửa đổi) của Ủy ban Pháp luật có chia sẻ: “Chúng tôi bơi trong hồ, còn lo hơn”. Nhưng luật là do Quốc hội ban hành, khi có hiệu lực mà chính sách mới vận hành không suôn sẻ, thì Quốc hội cũng phải có trách nhiệm. Mà để vận hành suôn sẻ, thì không phải chỉ cần đủ tiền. Gốc vấn đề là quản lý cư trú được chuyển sang phương thức mới, chứ không đơn thuần chỉ là bỏ mỗi quyển sổ hộ khẩu.