Theo dự báo của Vinatex, kim ngạch xuất khẩu dệt may vào thị trường Mỹ sẽ đạt 20-25  tỷ USD vào năm 2020

Theo dự báo của Vinatex, kim ngạch xuất khẩu dệt may vào thị trường Mỹ sẽ đạt 20-25 tỷ USD vào năm 2020

Quan hệ kinh tế Việt - Mỹ sẽ lên tầm cao mới với TPP

(ĐTCK) “Hoa Kỳ muốn hỗ trợ Việt Nam điều chỉnh lại cơ cấu kinh tế cho phù hợp với TPP”, ông S. Medeiros nguyên Trợ lý đặc biệt của Tổng thống Mỹ Obama về các vấn đề châu Á nói.

Quốc hội Mỹ sẽ thông qua Hiệp định thương mại xuyên Thái Bình Dương (TPP) sớm hay muộn? Bà Tôn Nữ Thị Ninh, nguyên Phó chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội đã đặt câu hỏi với ông Evan S. Medeiros, nguyên Trợ lý đặc biệt của Tổng thống Mỹ Obama về các vấn đề châu Á trong khuôn khổ Hội thảo Quan hệ Việt Nam - Hoa Kỳ do Trung tâm Nghiên cứu chiến lược quốc tế (CSIS) của Hoa Kỳ và Trung tâm Nghiên cứu chiến lược và phát triển quan hệ quốc tế (CSSD) của Việt Nam tổ chức ngày 14/1 tại TP. HCM.

Câu hỏi của bà Ninh cũng là mối quan tâm của rất nhiều doanh nghiệp Việt Nam, bởi khi TPP chính thức có hiệu lực sẽ tạo ra rất nhiều thay đổi trong quan hệ giao thương giữa hai nước. Trả lời câu hỏi của bà Ninh, ông Evan S.Medeiros nói rằng, ông tin Quốc hội Mỹ sẽ thông qua TPP trong nửa đầu năm 2016.

Nhiều chuyên gia kinh tế nhìn nhận, với việc tham gia TPP, xuất khẩu của Việt Nam sẽ tăng lên. “Tuy nhiên, Việt Nam sẽ phải làm gì để đạt được mục tiêu xuất khẩu sang thị trường Mỹ tăng trưởng trên 20%?”, một diễn giả tham dự Hội thảo đặt câu hỏi.

Theo ông Evan S.Medeiros, tăng trưởng xuất khẩu giữa Việt Nam và Mỹ sẽ không diễn ra ngay tức thời, mà phải mất một thời gian. “Hoa Kỳ muốn hỗ trợ Việt Nam điều chỉnh lại cơ cấu kinh tế cho phù hợp với TPP”, ông S. Medeiros nói.

"Nhiều người nói về cơ hội của xuất khẩu giày dép, dệt may hay nhiều hàng hóa khác, nhưng một trong những khía cạnh tôi quan tâm nhất là thông điệp Việt Nam đưa ra khi tham gia TPP" - ông Lương Hoàng Thái, Vụ trưởng Vụ chính sách thương mại đa biên, Bộ Công thương.

Tuy nhiên, ông S.Medeiros cho rằng, không chỉ kinh tế Việt Nam sẽ có nhiều thay đổi trong năm 2016, mà sự trỗi dậy của các nước trong khu vực châu Á -Thái Bình Dương sẽ tạo ra nhiều biến đổi trong nền kinh tế khu vực này.

“Có nền kinh tế đang tăng trưởng, nhưng cũng có nền kinh tế đang giảm tốc. Tái cân bằng nền kinh tế sẽ là bài toán được đặt ra cho các quốc gia này. Các quốc gia sẽ phải chuyển đổi cơ cấu kinh tế để tìm ra nguồn tăng trưởng mới. Những quốc gia đang có nền kinh tế tăng trưởng nhanh nhưng vay nợ cũng gia tăng sẽ không tiếp tục dùng vốn vay để thúc đẩy nền kinh tế, nên tốc độ tăng trưởng kinh tế sẽ chậm lại.

Kinh tế Trung Quốc cũng tăng trưởng chậm lại, nhưng tất nhiên họ vẫn là nước xuất khẩu ròng lớn trong khu vực”, ông Evan S.Medeiros nói và cho rằng, việc giao thương trong khối ASEAN cũng tương tự. Tuy nhiên, có một điểm đáng lưu ý là việc tự do dịch chuyển lao động sẽ diễn ra nhanh hơn. 

Dù chưa chính thức được thực thi, nhưng các nước thành viên đều tỏ ra vui mừng khi tham gia TPP. “Còn rất nhiều quốc gia đang xếp hàng để được tham gia cuộc chơi này. Và trước những cơ hội vô cùng to lớn từ TPP, các doanh nghiệp Nhật đang nhanh chóng đưa ra nhiều phương án kinh doanh mới để nắm bắt cơ hội cũng như đề phòng rủi ro. Doanh nghiệp Nhật vẫn nhìn vào thị trường Việt Nam với cái nhìn tích cực”, ông Evan S.Medeiros nói.

Trong khi đó, ở góc độ doanh nghiệp, ông Lê Tiến Trường, Tổng giám đốc Tập đoàn Dệt may Việt Nam (Vinatex) kỳ vọng, TPP sẽ mở ra tương lai mới cho ngành dệt may.

“Quy mô xuất khẩu của ngành dệt may đến năm 2020 có thể đạt 50 tỷ USD. Riêng thị trường Mỹ sẽ đạt 22 - 25 tỷ USD”, ông Trường nhìn nhận. Được biết, hiện 48% lượng hàng xuất khẩu của dệt may Việt Nam là vào thị trường Mỹ. Hàng dệt may Việt Nam đang chiếm 10% thị phần nước này, đứng thứ hai sau Trung Quốc.

“Xuất khẩu dệt may Việt Nam vào thị trường Mỹ đã tăng 32% trong vòng 20 năm qua. Những hiệp định thương mại tự do đã được ký kết sẽ mở ra nhiều hơn nữa các cơ hội cho ngành này”, ông Trường nói. 

Ở góc độ khác, ông Lương Hoàng Thái, Vụ trưởng Vụ chính sách thương mại đa biên, Bộ Công thương cho rằng, quan hệ Việt Nam - Hoa Kỳ đã trải qua một quãng đường rất dài kể từ khi cấm vận kinh tế được gỡ bỏ, Việt Nam gia nhập WTO và mối quan hệ này đang tiến tới nấc thang mới khi TPP chính thức được thông qua.

“Nhiều người nói về cơ hội của xuất khẩu giày dép, dệt may hay nhiều hàng hóa khác, nhưng một trong những khía cạnh tôi quan tâm nhất là thông điệp Việt Nam đưa ra khi tham gia TPP. Việt Nam khẳng định muốn cải cách nhiều hơn về chính sách và thế chế. Tham gia TPP Việt Nam sẽ phải cải cách chi tiêu công, cải cách mạnh mẽ hơn doanh nghiệp nhà nước và tăng năng lực cạnh tranh của nền kinh tế vì những nước tham gia TPP đều là quốc gia đi đầu về cải cách và tạo môi trường thuận lợi cho các hoạt động kinh doanh”, ông Thái nói.            

Tin bài liên quan