Tại cuộc họp báo Chính phủ thường kỳ diễn ra chiều 31/7, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Vũ Đức Đam cho biết, trong phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 7/2012, Chính phủ đã ưu tiên thảo luận kỹ dự thảo Nghị định phân công, phân cấp thực hiện các quyền, trách nhiệm, nghĩa vụ của chủ sở hữu Nhà nước đối với DNNN và vốn nhà nước đầu tư vào DN.
Theo tổng hợp của Chính phủ, hiện cả nước còn khoảng 1.300 DN do Nhà nước nắm giữ 100% vốn, trong đó 53,6% do địa phương quản lý; các bộ, ngành quản lý 27,1%; còn lại do các tập đoàn, tổng công ty quản lý. Hiệu quả sản xuất - kinh doanh của DNNN còn thấp, chưa tương xứng với nguồn lực được phân bổ; quản trị DN chậm đổi mới, chưa theo kịp yêu cầu phát triển. Một số tập đoàn, tổng công ty thua lỗ, hiệu quả quản lý, sử dụng vốn, tài sản nhà nước chưa cao, còn xuất hiện nhiều tiêu cực, vi phạm pháp luật.
Ông Đam cho biết thêm, dự thảo Nghị định đưa ra các quy định nhằm phân định rõ hơn quyền, trách nhiệm, nghĩa vụ của từng cấp, từng cơ quan như Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các bộ, UBND cấp tỉnh… trong thực hiện chức năng chủ sở hữu nhà nước đối với DN có vốn nhà nước.
Đặc biệt, sẽ xác định rõ cơ quan đầu mối trong thực hiện quyền, trách nhiệm của chủ sở hữu nhà nước là Bộ quản lý ngành, UBND cấp tỉnh. Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát của chủ sở hữu nhà nước đối với việc thực hiện chiến lược, kế hoạch, nhiệm vụ được giao; quản lý, sử dụng, bảo toàn và phát triển vốn.
Theo đó, Bộ quản lý ngành kinh doanh chính thực hiện giám sát, kiểm tra và thanh tra với vai trò là cấp trên trực tiếp của chủ sở hữu tại DN. Các Bộ tổng hợp giám sát, kiểm tra, thanh tra và tổng hợp chung về DNNN và việc sử dụng vốn nhà nước tại DN trong phạm vi chức năng, nhiệm vụ được giao.
“Chính phủ sẽ hoàn chỉnh Nghị định với tinh thần quan trọng nhất là không quay lại chế độ chủ quản trong quản lý, giám sát DNNN, nhưng tăng cường trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân có liên quan…
Theo đó, Thủ tướng Chính phủ sẽ có trách nhiệm quản lý cao hơn đối với các tập đoàn, các DN đặc biệt. Bộ trưởng các bộ quản lý chuyên ngành chịu trách nhiệm rõ ràng, nặng nề hơn trong quản lý, giám sát các tổng công ty nhà nước”, ông Đam nói.
Ngoài ra, để nâng cao hiệu quả giám sát các DNNN, ông Đam cho hay, cơ chế kiểm tra, kiểm toán đối với khối DN này tiếp tục được hoàn thiện. Theo đó, ngoài tăng cường vai trò của Kiểm toán Nhà nước, sẽ có cơ chế buộc các DNNN lớn, đặc biệt là các tập đoàn, tổng công ty phải thực hiện kiểm toán hoạt động. Việc này được thực hiện bởi các công ty kiểm toán độc lập được pháp luật cho phép.
Trước quan ngại về khả năng suy thoái của nền kinh tế, ông Đam cho hay, thực tế là nền kinh tế, DN đang gặp nhiều khó khăn. Bởi vậy, Chính phủ đã đặt ra các giải pháp tương đối đồng bộ về chính sách tài khoá, tiền tệ. Cùng với đó là triển khai đồng bộ các giải pháp về đơn giản hoá thủ tục hành chính và giải phóng mặt bằng, để giảm thiểu chi phí cho DN. Nếu kiềm chế tốt lạm phát, lãi suất sẽ giảm tiếp trong thời gian tới. Chính phủ đang chỉ đạo NHNN tập trung tìm biện pháp để thúc đẩy tăng trưởng tín dụng từ nay đến cuối năm.
Liên quan đến một số dự báo cho rằng, khoảng 2 - 3 năm tới sẽ có làn sóng đầu tư nước ngoài mới vào Việt Nam, ông Đam nhìn nhận, điều này là hiện hữu nếu Việt Nam tái cơ cấu nền kinh tế thành công.
Trong chỉ đạo, điều hành, Chính phủ sẽ không để các lợi ích ngắn hạn làm lu mờ, cản trở chiến lược ổn định vĩ mô dài hạn.
Tư tưởng quan trọng này nhằm đưa nền kinh tế đi vào quỹ đạo ổn định vĩ mô bền vững, dài hạn. Đây là biện pháp căn cơ và hữu hiệu nhất trong việc hỗ trợ DN, nhà đầu tư phát triển hoạt động đầu tư, sản xuất - kinh doanh.