"Tôi tin rằng chúng ta, những người được may mắn sinh ra vào đúng những quốc gia phát triển, có nghĩa vụ giúp giảm thiểu đói nghèo và bệnh tật cho toàn thế giới... Mặc dù có nhiều chương trình viện trợ đã làm được nhiều điều tốt đẹp, chẳng hạn như các nỗ lực chống HIV/AIDS hay bệnh đậu mùa, nhưng giờ đây tôi tin rằng hầu hết các khoản viện trợ nước ngoài có hại nhiều hơn lợi. Nếu như viện trợ làm ảnh hưởng đến cơ hội phát triển của các nước nghèo, thì không có lý gì để tiếp tục các chương trình đó chỉ với lý do là 'chúng ta nên làm gì đó để giúp họ'. Điều mà chúng ta cần làm chính là nên ngưng viện trợ."
Đó là quan điểm khá "khác người" trong cuốn sách "Cuộc đào thoát vĩ đại" (The Great Escape) của giáo sư Angus Deaton, người vừa đoạt giải Nobel Kinh tế 2015 nhờ các thành tựu đặt nền móng cho lĩnh vực kinh tế lượng. Ở tuổi 69, ông Deaton đang giảng dạy môn kinh tế và quan hệ quốc tế tại Đại học Princeton (Mỹ), và cũng là vị giáo sư thứ tư của đại học này giải Nobel trong vòng 15 năm qua.
Theo nhiều người đánh giá, đóng góp lớn nhất của Deaton cho ngành kinh tế là ở chỗ ông đã xây dựng được phương pháp tổng hợp dữ liệu vi mô từ các hộ gia đình để dùng cho các thống kê vĩ mô. Chính những quy tắc này đã được Deaton sử dụng cho việc nghiên cứu các quốc gia đang phát triển.
Trong cuốn The Great Escape, giáo sư Deaton đã giải thích sự nghi ngờ của ông đối với viện trợ như sau: "Nếu như tình trạng đói nghèo không phải đến từ việc thiếu tài nguyên hay cơ hội, mà đến từ các thể chế kém, năng lực hành chính yếu và một nền chính trị đầy chia rẽ, thì việc trao viện trợ cho các nước như vậy - hay nói chính xác hơn là trao viện trợ cho chính phủ của họ - sẽ có nhiều khả năng kéo dài thay vì loại bỏ tình trạng đói nghèo".
Một trong những ví dụ có tính thuyết phục nhất mà giáo sư Deaton đưa ra chính là việc Trung Quốc và Ấn Độ đã phát triển mạnh mẽ như thế nào trong vài thập kỷ qua, mặc dù nhận được lượng viện trợ tính theo đầu người khá thấp. Mức cao nhất mà Trung Quốc từng nhận được là 2,9 USD cho một đầu người vào năm 1995, còn của Ấn Độ là 3,1 USD trong năm 1991.
Trong khi đó, "thiên đường lạm phát" Zimbabwe từng có lúc nhận được tới 60 USD cho một đầu người vào năm 2010, nghĩa là họ nhận được một lượng viện trợ tương đương với 10% GDP. Bàn về điều này, giáo sư Deaton đã giải thích thêm:
"Việc nhận được nhiều viện trợ có ảnh hưởng rất lớn đến quá trình vận hành và cải cách thể chế. Các dòng vốn viện trợ dồi dào thường xuyên làm tha hóa bộ máy chính trị và gây ảnh hưởng xấu đến các thể chế cần thiết cho tăng trưởng lâu dài... Những tác động có hại đó cần phải được xem xét công bằng bên cạnh những lợi ích mà viện trợ đem lại, chẳng hạn như giúp trẻ em đến trường và cứu sống nhiều sinh mạng".
Trong một bài xã luận vào năm 2013 của mình, giáo sư Deaton cũng kết luận: "Các quốc gia đang phát triển không thể sống bằng hệ thống y tế được vận hành bởi nước ngoài mãi mãi được. Viện trợ thường xuyên gây thiệt hại tới điều mà người nghèo cần nhất: một chính phủ đủ hiệu quả để phục vụ họ cả hôm nay và ngày mai".
Và ông cũng đưa ra một số giải pháp đáng suy ngẫm dành cho lãnh đạo các nước phát triển: "Một trong những điều có thể làm ngay là vận động các chính phủ của chúng ta ngưng thực hiện những chính sách làm cho nước nghèo không thoát nghèo được. Hãy hạn chế việc buôn bán vũ khí, thay đổi những chính sách bảo hộ của các nước phát triển, thực hiện các chương trình trợ giúp kỹ thuật không gắn liền với viện trợ, và phát triển những loại thuốc không chỉ dành cho người giàu. Chúng ta không thể giúp người nghèo bằng cách làm suy yếu những thể chế vốn đã yếu kém của họ".