Ông Phạm Trọng Đạt

Ông Phạm Trọng Đạt

Quan chức sở hữu biệt phủ, villa hàng chục triệu USD, nhưng khai nguồn gốc tài sản nhờ buôn chổi đót, chạy xe ôm… cũng không xử lý được

Cục trưởng Cục Chống tham nhũng (Thanh tra Chính phủ), ông Phạm Trọng Đạt nhận định, công tác chống tham nhũng trong 10 năm qua, đặc biệt trong 3 - 4 năm gần đây, đã có chuyển biến rõ nét, được người dân đồng tình ủng hộ. Tuy nhiên, người dân vẫn chưa thực sự hài lòng khi tài sản do tham nhũng gây ra thu hồi được rất ít.

Người dân thực sự vui mừng trước hàng loạt vụ án tham nhũng bị truy tố trước pháp luật, nhưng cũng rất phân vân khi số tiền hàng chục ngàn tỷ đồng bị thiệt hại do tham nhũng không thu hồi được. Vì sao khó thu hồi tài sản tham nhũng, thưa ông?

Trong 10 năm qua, thiệt hại do các vụ án, vụ việc tham nhũng đã gây ra được phát hiện là 59.750 tỷ đồng và trên 400 ha đất, nhưng mới thu hồi cho Nhà nước 4.676,6 tỷ đồng và trên 219 ha đất. Số tài sản thu hồi được vô cùng ít so với số tài sản bị mất do tham nhũng.

Khác với ở nhiều nước, bị can không chứng minh được số tài sản mình sở hữu là hợp pháp đều bị thu hồi, còn ở nước ta thì ngược lại, cơ quan điều tra, cơ quan tố tụng phải đi chứng minh số tài sản bị can sở hữu là bất hợp pháp mới có thể thu hồi được. Việc chứng minh tài sản bất hợp pháp vô cùng khó khăn, phức tạp, mất rất nhiều thời gian, công sức, vì một phần tài sản tham nhũng đã được bị can chuyển cho người thân đứng tên sở hữu.

Vậy chẳng lẽ, việc Trịnh Xuân Thanh, Huỳnh Thị Huyền Như… tẩu tán tài sản tham nhũng bằng cách nhờ người thân đứng tên cũng không lấy lại được?

Đây là những vụ “đại án” đã bị truy tố trước pháp luật, tài sản do tham nhũng đã bị kê biên, niêm phong và đúng là có việc người thân của các bị cáo đòi lại tài sản do họ đứng tên đã bị kê biên, niêm phong với lý do đây là tài sản của họ, không phải tài sản do tham nhũng mà có. Tuy nhiên, những người này thuộc đối tượng có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đến vụ án, vì thế họ có trách nhiệm, nghĩa vụ chứng minh nguồn gốc tài sản là hợp pháp, chứ không phải cơ quan bảo vệ pháp luật đi chứng minh nguồn gốc tài sản do tham nhũng mà có. Họ không chứng minh được thì bị tịch thu theo quy định của pháp luật.

Những vụ án kể trên, bị cáo nhờ bố mẹ đẻ, anh chị em ruột đứng tên tài sản do tham nhũng mà có, nên dễ xử lý, nhưng trường hợp bị cáo nhờ bố mẹ vợ, bố mẹ chồng, anh em chồng, anh em vợ đứng tên tài sản tham nhũng, thì việc thu hồi khó khăn, phức tạp hơn rất nhiều, vì những người này không thuộc đối tượng có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đến vụ án, nên không có cơ sở để triệu tập họ ra tòa.

Ở nước ngoài, những trường hợp như vậy xử lý ra sao, thưa ông?

Hoạt động giao dịch trên thế giới chủ yếu không dùng tiền mặt, cơ quan quản lý nhà nước nắm rất chắc thu nhập của người dân, nên bất cứ cá nhân nào có thu nhập bình thường, tự nhiên đi mua nhà cửa, xe cộ, tài sản đắt tiền, cơ quan quản lý nhà nước, đặc biệt là cơ quan thuế vụ đều biết. Khi cá nhân tiến hành giao dịch, cơ quan quản lý nhà nước sẽ hỏi tiền ở đâu, đã đóng thuế đầy đủ chưa, nếu cá nhân không chứng minh được nguồn gốc hợp pháp của thu nhập thì là vi phạm pháp luật, có thể bị truy tố nếu vi phạm tội trốn thuế. Vì thế bố mẹ vợ, bố mẹ chồng, anh chị em chồng, anh chị em vợ không ai dám đứng tên hộ tài sản có nguồn gốc bất minh, trong đó có tài sản tham nhũng.

Còn ở Việt Nam, do giao dịch chủ yếu bằng tiền mặt, chưa thể quản lý được nên chắc chắn là có tình trạng người tham nhũng tẩu tán tài sản bằng việc nhờ bố mẹ vợ, bố mẹ chồng, anh em chồng, anh em vợ đứng tên hộ tài sản.

Số tài sản thiệt hại qua các vụ án tham nhũng được phát hiện thực ra chỉ là phần nổi của tảng băng, chính vì vậy, để tăng cường thu hồi tài sản bất minh, Dự thảo Luật Phòng, chống tham nhũng đưa ra phương án thu hồi 45% số tài sản tăng thêm mà người thuộc đối tượng kê khai không chứng minh được nguồn gốc?

Theo Dự thảo Luật Phòng, chống tham nhũng vừa được Quốc hội thảo luận, thì tài sản, thu nhập thực tế tăng thêm so với tài sản, thu nhập kê khai nếu người thuộc đối tượng kê khai không giải trình được nguồn gốc tài sản, thu nhập tăng thêm một cách hợp lý sẽ bị thu hồi 45% số tài sản, thu nhập tăng thêm này thông qua thu thuế thu nhập cá nhân hoặc xử phạt vi phạm hành chính. 

Đó là ý kiến đóng góp của Bộ Tài chính, chúng tôi chưa thấy có biện pháp nào khả dĩ hơn để thu hồi số tài sản, chênh lệch tăng thêm mà đối tượng kê khai không chứng minh được nguồn gốc hợp lý và các cơ quan quản lý nhà nước cũng chưa có cách nào chứng minh được khối tài sản đó là tài sản bất minh, trong đó có việc tham nhũng, nên đưa vào Dự thảo để Quốc hội thảo luận.

Thảo luận vấn đề này, tại Kỳ họp thứ 5 vừa qua, rất nhiều đại biểu Quốc hội không đồng tình với phương án này, nhiều đại biểu đề nghị phải thu hồi toàn bộ tài sản, thu nhập tăng thêm mà đối tượng kê khai không chứng minh được nguồn gốc hợp pháp. Nói chung, đây là nội dung rất phức tạp, cần phải có thời gian nghiên cứu để đưa ra giải pháp tối ưu.

Người dân và nhiều đại biểu Quốc hội cho rằng, không ai không biết nguồn gốc tài sản, thu nhập của mình, người thuộc đối tượng kê khai mà kê khai không trung thực, thì chắc chắn số tài sản, thu nhập thực tế tăng thêm là bất minh, nên cần phải thu hồi toàn bộ?

Ở nước ngoài, người ta thu hồi toàn bộ số tài sản, thu nhập tăng thêm mà người kê khai không chứng minh được nguồn gốc hợp pháp vì mọi giao dịch đều không dùng tiền mặt và Nhà nước quản lý được thu nhập của mọi công dân. 

Còn ở Việt Nam, giao dịch chủ yếu vẫn bằng tiền mặt, cơ quan quản lý nhà nước hầu như không thể quản lý được thu nhập của cá nhân, nên mới có tình trạng cán bộ, công chức kê khai thu nhập “ba cọc, ba đồng”, tuyệt đại đa số người dân không phải đóng thuế thu nhập cá nhân vì họ kê khai thu nhập thấp, nhưng hàng năm gửi ra nước ngoài 3 - 4 tỷ USD cho con cái ăn học. 

Ở Việt Nam, quan chức sở hữu biệt phủ, villa hàng chục triệu USD, nhưng người ta khai nguồn gốc tài sản nhờ buôn chổi đót, chạy xe ôm… cũng không xử lý được, vì cơ chế thanh toán tiền mặt, nên không thể kiểm soát được thu nhập của công dân nói chung, cán bộ, công chức nói riêng.

Tin bài liên quan