Cơ sở nhận và chuyển khí đốt thuộc dự án Dòng chảy phương Bắc 1 ở Lubmin, Đức. (Ảnh: AFP/TTXVN)
Ngày 5/9, phát biểu sau cuộc họp trực tuyến với các quốc gia Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) và các đồng minh, còn gọi là OPEC+, Thứ trưởng Bộ Năng lượng Nga Alexander Novak cho biết kế hoạch của các quốc gia G7 nhằm áp giá trần đối với dầu của Nga sẽ gây ra “sự không chắc chắn” trên thị trường toàn cầu.
Ông Novak nói: “Chúng tôi sẽ xem xét tình hình thị trường diễn biến như thế nào vì có nhiều điều không chắc chắn," đặc biệt là liên quan đến “tuyên bố của các nhà lãnh đạo G7 về việc áp giá trần đối với dầu của Nga”.
Trước đó, ngày 2/9, các quốc gia G7 cho biết đang khẩn trương tìm cách áp đặt giá trần đối với dầu của Nga để hạn chế lợi nhuận mà Moskva có thể thu được.
Ngày 5/9, Nhóm OPEC+ đã thống nhất cắt giảm sản lượng 100.000 thùng dầu/ngày lần đầu tiên trong hơn 1 năm qua, trong nỗ lực để nâng giá dầu, vốn đã giảm thời gian gần đây do lo ngại suy thoái toàn cầu.
Động thái này có thể khiến Mỹ không hài lòng vì Washington đã nhiều lần gây áp lực để OPEC+ tăng sản lượng nhằm giảm giá năng lượng, nguyên nhân gây ra lạm phát cao nhất trong thập kỷ tại Mỹ.
Cùng ngày, Tập đoàn khí đốt nhà nước Nga Gazprom cho biết đã nhận được cảnh báo chính thức từ chính quyền Nga, rằng trạm nén khí Portovaya, vốn đóng vai trò đẩy khí đốt sang Đức theo đường ống Dòng chảy phương Bắc 1, không còn đáp ứng các yêu cầu an toàn.
Trước đó, ngày 2/9, Gazprom thông báo đã phát hiện rò rỉ động cơ trong tuabin duy nhất còn đang hoạt động tại trạm Portovaya và sẽ ngừng cung cấp khí đốt tự nhiên cho đến khi sự cố được sửa chữa.
Thông báo của Gazprom cũng trích dẫn thông tin của Siemens Energy - Công ty tiến hành bảo trì các tuabin của đường ống Dòng chảy phương Bắc 1, rằng “các nguyên nhân gây rò rỉ dầu chỉ có thể được khắc phục bởi một công ty sửa chữa chuyên nghiệp."
Cùng ngày, Bộ trưởng Năng lượng Nga Nikolai Shulginov cho rằng nước này rất có thể sẽ giảm sản lượng dầu khoảng 2%, trong khi đó hãng thông tấn nhà nước TASS đưa tin sản lượng khai thác khí có thể giảm 7% trong năm nay.