TikTok đã đánh bại Instagram và trở thành ứng dụng video ngắn được tải xuống nhiều nhất trên thế giới. Ảnh: AFP
Đài CNN dẫn lại quan điểm trên từ một quan chức của Ủy ban Truyền thông Liên bang Mỹ (FCC).
Tuy nhiên, trong talkshow hiếm hoi mang tên "Reliable Sources" của Đài CNN vào ngày 3/7, một quản lý cấp cao của TikTok đã khẳng định rằng không có mối lo ngại bảo mật nào liên quan đến "ứng dụng đang rất thành công này".
TikTok đã đánh bại Instagram và trở thành ứng dụng video ngắn được tải xuống nhiều nhất trên thế giới, với 3,5 tỷ lượt tải. Người dùng dành trung bình ít nhất 46 phút mỗi ngày trên TikTok và đây cũng là lợi thế giúp nền tảng này vượt qua các đối thủ cạnh tranh.
Nhìn bề ngoài, TikTok chắc chắn rất thú vị, nó cho phép người dùng chia sẻ nhiều nội dung, từ video khiêu vũ đến hướng dẫn nấu ăn. Nhưng đài CNN dẫn lời các nhà phân tích cho rằng một thứ gì đó toan tính hơn có thể được tích hợp vào mô hình của TikTok và họ cho rằng sức mạnh của nền tảng video này đến từ việc thu thập dữ liệu và các thuật toán.
Brian Stelter, phóng viên kỳ cựu của đài CNN cho biết TikTok thuộc sở hữu của Tập đoàn công nghệ internet ByteDance có trụ sở tại Bắc Kinh, có nghĩa là công ty này về cơ bản nằm dưới sự kiểm soát của chính phủ Trung Quốc. Trước đó, hãng thông tấn AP đưa tin, nhiều doanh nghiệp nhà nước của Trung Quốc đã đầu tư vào ByteDance - đơn vị sở hữu ứng dụng TikTok và ứng dụng nhắn tin Weibo, trong nỗ lực nhằm kiểm soát lĩnh vực công nghệ của nước này.
Để dập tắt những lo ngại, Bytedance đã cam kết sẽ lưu trữ dữ liệu của người dùng Mỹ trên các máy chủ ngay tại Mỹ. Nhưng một báo cáo được Công ty truyền thông Buzzfeed News công bố hai tuần trước chỉ ra rằng, theo âm thanh bị rò rỉ từ các cuộc họp nội bộ, các kỹ sư ở Trung Quốc đã có thể liên tục truy cập vào dữ liệu người dùng Mỹ.
Ông Brendan Carr, Ủy viên Ủy ban Truyền thông Liên bang Mỹ cho biết, các nhà lập pháp nước này đã hỏi thẳng TikTok về việc Bắc Kinh truy cập có truy cập vào bất kỳ dữ liệu nào hay không. Và thay vì trả lời thẳng vào vấn đề, phía TikTok đã nhiều lần khẳng định tất cả dữ liệu người dùng ở Mỹ đều được lưu trữ ngay tại Mỹ, ông Brendan Carr cho biết.
"Đó không chỉ là một vấn đề an ninh quốc gia, mà đối với tôi, nó giống như một sự vi phạm các điều khoản của kho ứng dụng", ông Carr nhấn mạnh. Trước đó, ông Carr đã viết thư đề nghị Google và Apple loại TikTok khỏi các kho ứng dụng của họ, đồng thời hạn cho hai "gã khổng lồ" công nghệ Mỹ đến ngày 8/7 phải có ý kiến phản hồi.
Trong khi đó, ông Michael Beckerman, Trưởng bộ phận chính sách công của châu Mỹ tại TikTok, cho rằng những tuyên bố về việc TikTok đang thu thập lịch sử trình duyệt "đơn giản là sai sự thật". Ông Beckerman cũng cho rằng khi ứng dụng TikTik quét khuôn mặt người dùng để tìm bộ lọc, nó không nhằm vào việc xác định cá nhân người dùng.
Đại diện TikTok cũng cho biết: "… chúng tôi chưa bao giờ chia sẻ thông tin với chính phủ Trung Quốc, và chúng tôi sẽ tiếp tục làm vậy", đồng thời khẳng định TikTok "không phải là một mối đe dọa an ninh" và sẵn sàng minh bạch và làm việc với các bên liên quan.
Trong khi đó, báo cáo của Buzzfeed News chỉ ra những lo ngại rằng Trung Quốc có thể sử dụng TikTok để "gây ảnh hưởng đến hành vi thương mại, văn hóa hoặc chính trị của người Mỹ".
Tuy nhiên, ông Beckerman cho biết TikTik không cho phép quảng cáo chính trị và nó cơ bản là một nền tảng giải trí.